“Ngôi sao mới” ngày càng tỏa sáng

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được ví như “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hiện Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 200 quốc gia và quan hệ đầu tư với 114 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vị thế đó có được nhờ vào những nỗ lực không ngừng hội nhập kinh

Tổng giám đốc WTOo Pascal Lamy trao các văn bản kết nạp Việt Nam vào WTOo cho Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển tại Ggiơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) ngày 7/11/2006

Chương mới cho kinh tế Việt Nam

Trước khi trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào tháng 11/2006, Việt Nam chưa có được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Thế giới chỉ biết đến Việt Nam qua sách báo và là một dân tộc nhỏ bé nhưng lại chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh lớn, không phải biết một quốc gia đã nỗ lực đổi mới trong nhiều năm trước, tăng trưởng về kinh tế - thương mại - đầu tư rất khả quan.

Có thể nói, việc gia nhập WTO đã mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam, đặt Việt Nam vào vị trí xứng đáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Sau WTO, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ đơn giản là qua chiến tranh với những đau thương, mất mát, mà với vai trò là một thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, một “ngôi sao mới” của kinh tế thế giới.

Sau hơn 10 năm gia nhập WTO (2006- 2016), kinh tế Việt Nam như được khoác lên mình “tấm áo mới”. Những khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, nhưng không cản nổi sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP 10 năm qua vẫn duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên tới 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt được những kết quả vượt trội nhờ thị trường được mở rộng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2015 đạt 327,76 tỷ USD, cao hơn rất nhiều mức 84,7 tỷ USD của năm 2006. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, gấp 3,3 lần so với con số 44,89 tỷ USD năm 2006. Từ một quốc gia nhập siêu, những năm gần đây, Việt Nam trở thành một quốc gia xuất siêu. Năm 2016, dự kiến Việt Nam xuất siêu khoảng 2 - 3 tỷ USD.

Thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được vỏn vẹn 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt tới 64 tỷ USD vào năm 2008. Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thu hút được hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,…

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo. Bây giờ, người dân Việt Nam không nói đến chuyện “ăn no, mặc ấm” mà thay vào đó là “ăn ngon, mặc đẹp”. Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - người từng gắn bó 7 năm tại Việt Nam trên cương vị Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - từng khẳng định: Việt Nam là một quốc gia điển hình trên thế giới về xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.

“Mở cánh cửa lớn” vào “sân chơi” toàn cầu

Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tham gia WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.

Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam- EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)... Trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA, trong đó có RCEP - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.

“Các FTA này đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trong số các FTA đã được ký kết gần đây, VKFTA dù mới có hiệu lực được 1 năm nhưng cũng đã mang lại những kết quả đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, giúp tăng kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Với VKFTA, Bộ Công Thương khẳng định, mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đạt tới 70 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau một năm ra đời cũng mang lại tác động tích cực, giúp gắn kết nền kinh tế Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN. Trong đó, thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực bán lẻ. Thị trường của Việt Nam bây giờ không chỉ dừng lại ở con số hơn 90 triệu dân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà là 600 triệu dân của các quốc gia ASEAN.

Một FTA cũng đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn đó là EVFTA. Đã kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015, dự kiến được ký kết vào năm 2017, có hiệu lực vào năm 2018, EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên EU. Với EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác với các quốc gia hàng đầu thế giới như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia… trên nhiều lĩnh vực. Đây được đánh giá là “bước đi tắt” giúp Việt Nam tiến đến một nền kinh tế có năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao hơn.

 4 FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đang đàm phán bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); FTA ASEAN - Hồng Kông; FTA Việt Nam và khối EFTA; FTA Việt Nam - Israel.

 

Đáng chú ý, TPP đang là một chủ đề được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. TPP đã được ký chính thức vào tháng 2/2016 và hiện các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua. Đây là hiệp định gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó có các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Mexico, Canada, Australia… với phạm vi cam kết rộng, bao gồm cả những vấn đề thương mại và phi thương mại… Các chuyên gia cho rằng, nếu TPP được thực thi sẽ mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam, không chỉ trong hội nhập kinh tế quốc tế mà tăng trưởng thương mại và đầu tư.

Vị thế của Việt Nam hôm nay đã khác nhiều, có những quốc gia từ “đối đầu” nay đã trở thành “đối tác”. Thế mới có chuyện, sau 20 năm (1993- 2013), Hội nghị Các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã được đổi thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) vào năm 2013. Điều đó có nghĩa, từ một quốc gia nhận viện trợ, thế giới đã thừa nhận Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, có thu nhập trung bình, và quan trọng hơn, coi Việt Nam là “đối tác” phát triển.

“Ngôi sao mới” Việt Nam ngày càng tỏa sáng trên “sân chơi” toàn cầu.

 

 

Theo Nguyễn Hòa (Báo công thương)

 

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/