Hồi sinh mảnh đất lịch sử
Trong ký ức của rất nhiều người, miền Tây Nghệ An là một mảnh đất lịch sử với những nông trường anh hùng từng hừng hực khí thế thi đua “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”, “thóc thừa cân, quân thừa người” trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Địa bàn các nông trường vừa trở thành căn cứ hậu phương của tỉnh Nghệ An vừa trở thành các trận địa bắn máy bay, bảo vệ giao thông vận tải, nơi sơ tán của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh, điểm dừng chân của con đường vận tải chi viện cho miền Nam. Những năm 1970 - 1975, mặc dầu phần lớn lực lượng sản xuất đã đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhưng mảnh đất này vẫn trở thành một điểm sáng trong lao động sản xuất của các nông trường quốc doanh miền Bắc với những quả đồi phủ kín cao su, cà phê, chè, vối, mít; cam, chanh và cả đàn bò 10.500 con; đàn trâu 1.800 con và trên 6.000 con lợn.
Tuy nhiên, kể từ sau ngày hòa bình lập lại cho đến những năm 2000, việc dịch chuyển cơ cấu của nền kinh tế và thiếu hụt lao động cũng như thiếu thốn về phục hồi và bảo tồn tài nguyên đất, năng suất của những nông trường ở Nghĩa Đàn sụt giảm liên tục theo thời gian, mức nổi bật của cái tên Nghĩa Đàn cũng vì thế mà giảm dần.
“Nông trường 19/5 của tôi nằm trên mảnh đất từng được ví là ‘Nam Đắc Lắc, Bắc Phủ Quỳ’, nghĩa là chất đất rất tốt vì toàn đất đỏ bazan do núi lửa hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước tạo thành. Thế nhưng, sau một thời gian khai thác, các giống cây trồng ngày một cho năng suất kém đi, ngay cả trái cam Vinh, vốn đã tạo được thương hiệu khi trồng ở đất Nghĩa Đàn (nông trường 19/5 là nông trường có sản lượng cam lớn nhất trong số toàn bộ các nông trường ở Nghệ An giai đoạn 1965-1975), cũng cứ suy thoái dần, ngày càng chua và cây héo quắt”, ông Hoàng Văn Tạo, nguyên giám đốc nông trường 19/5 kể.
Và chính ông Tạo, bằng tình yêu của mình với mảnh đất này, đã là người đưa ra đề xuất để một lần nữa, Nghĩa Đàn lại trở thành điểm sáng trên bản đồ Việt Nam: đề nghị lãnh đạo tỉnh chuyển đất nông trường cho Tập đoàn TH để xây dựng trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao.
“Hồi ấy, những người nông dân sống ở đây phản đối dữ lắm, nhiều người thậm chí còn viết thư đe dọa tôi. Trong một cuộc họp với hàng ngàn người dân, tôi nói: ‘Bà con có thể giết tôi, nhưng xin hãy đợi 2 năm nữa, khi dự án hình thành, hãy giết”, ông Tạo cười kể lại. Và đến thời điểm này, theo ông Tạo, thì không những trang trại đã trở thành niềm kiêu hãnh của người những người dân trong vùng mà, lịch sử của mảnh đất này, bằng một tốc độ chóng mặt, cũng đã sang trang mới.
Bắc Phủ Quỳ hôm nay
Chạy xe chầm chậm từ đường mòn Hồ Chí Minh vào trong khu vực dân cư hướng về phía trang trại bò sữa của Tập đoàn TH trong ánh nắng cuối chiều, chỉ cần mở cửa kính, là người ta sẽ không chỉ hít được hương ngòn ngọt của mùi cỏ vào mùa, hoặc từ cánh đồng hướng dương bát ngát, mà còn nghe được tiếng hò reo của những đám đông đang hưởng ứng 2 đội bóng chuyền hơi đang thi đấu. Mặt người nào người nấy rạng rỡ. Xung quanh khoảng sân bóng chuyền là những căn nhà khang trang, rất đầy đủ tiện nghi. Hầu hết những người dân ở xã Nghĩa Sơn và khu vực lân cận, những người trước đây từng lo lắng sợ trang trại ảnh hưởng đến cuộc sống, thì hiện đều là nhân viên làm việc trong chính các trang trại công nghệ cao ấy, hoặc đang trồng thức ăn chăn nuôi cho TH.
Đi hết khu dân cư ấy là đến với những vạt đồi rộng lớn, những cánh đồng bát ngát của nông trường năm xưa, nhưng nay đã thành những cánh đồng cỏ mênh mông, những trảng ngô, cao lương tím… ngút tầm mắt. Bên trên là cả một bầu trời ngắt xanh, bên dưới là cánh đồng trải dài vài trăm ha, quang cảnh giống như những cánh đồng châu Âu thật khó mà khiến người ta tưởng tượng được rằng nơi đây từng là khu vực cây khô, quả héo như chuyện kể của ông Tạo.
Điều kỳ lạ là, trên hàng trăm ha xanh mơn mởn ấy, gần như không thấy một bóng người vận hành. Anh Nguyễn Lê Thăng, Phó Giám đốc Công ty AgriTech của TH cho biết, công việc phun tưới mà lẽ ra phải cần đến cả ngàn người ấy, giờ đây chỉ có một cánh tay tưới nhiều khớp, có thể nối dài đến 400m đảm trách toàn bộ. “Tất cả đều được vận hành bởi công nghệ. Cánh tay tưới này cũng giống như các hệ thống tự động khác của TH, đều có thể điều khiển từ xa, qua điện thoại hoặc thậm chí là tự động vận hành. Hệ thống vi tính sẽ tính toán độ ẩm và tiến hành phun nước. Thậm chí, nếu bánh xe gặp vật cản, cánh tay sẽ co lại, hoặc nâng lên và vòi phun từ cánh tay bên cạnh sẽ điều hướng nước về phía cánh tay bị liệt để tưới giúp. Triết lý của TH là kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, trí tuệ của người Việt với công nghệ cao và khoa học quản trị tân tiến của thế giới. Vào phía trong các trang trại của TH, mọi người sẽ thấy, cách chúng tôi vận hành để chăm sóc cho 45.000 cô bò sữa cùng một lúc như thế nào”, anh Thăng chia sẻ.
Bên trong “cung điện” của thủ phủ bò sữa Việt Nam
Việc đầu tiên những người theo chân anh Thăng vào trong trang trại cần làm là… thay đồ. Mỗi người đều được phát mũ che đầu, quần áo blouse trắng kín người và một đôi ủng. Tất cả cần được đảm bảo là không có nguồn gây hại nào từ bên ngoài có thể lọt vào phía trong trang trại đã xác lập là Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung Công nghệ cao lớn nhất châu Á năm 2015 với quy mô lên tới 45.000 con.
TH có tất cả 3 cụm trang trại bò sữa tại Nghĩa Đàn, mỗi cụm lại có 3 trại đơn, tổng cộng là 9 trang trại. Chuồng trại được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, mái che tản nhiệt đón hướng gió hợp lý đã giúp cho đàn bò khỏe mạnh như ở giữa thiên nhiên nhưng loại trừ được những yếu tố bất lợi của khí hậu miền Tây xứ Nghệ. Ngay cả vật liệu lợp mái được sử dụng cũng là loại tối ưu về việc chống ồn khi có mưa lớn, có hệ số phản xạ ánh sáng tốt vào mùa hè, hạn chế việc bức xạ nhiệt do ánh sáng mặt trời đối với đàn gia súc.
Các cô bò trong trang trại luôn được chăm sóc trong điều kiện mát tự nhiên bởi 2 hệ thống quạt hướng trục và quạt trần treo với lưu lượng gió lớn, được điều khiển bởi thiết bị đo nhiệt ẩm nhằm tối ưu hóa quá trình làm mát cho bò khi nghỉ ngơi, bốc ẩm nền chuồng. Tất cả hệ thống tự động này được nhập khẩu nguyên bộ từ Italia và Mỹ, đảm bảo sự phục vụ chính xác, tối ưu cao nhất cho đàn bò sữa. Không những thế, để khắc phục nhược điểm của khí hậu nhiệt đới, 2 hệ thống quạt phun sương công nghệ cao trên đường bò đứng ăn cũng được nhập khẩu trực tiếp từ Israel và Hoa Kỳ. Đây là những thiết bị tiết kiệm hết mức điện năng và nguồn nước sạch quý giá, nhưng giúp tối ưu hóa quá trình làm mát, tiêu hóa và kích thích khẩu vị cho bò.
Mỗi chuồng được thiết kế không gian cho 500 cô bò trú ngụ. Cần lưu ý, 500 là một con số chính xác. “Thời gian đầu, có lần chuyên gia Israel phát hiện một chuồng có 501 con. Thế là một cô bò sữa được yêu cầu phải dắt ra ngoài. Lúc đó chưa thể di chuyển ngay con bò đến chuồng khác, nhìn nó bị buộc một chỗ bên ngoài chuồng mà thương rớt nước mắt”, anh Lưu Hoài Nam, Trại trưởng trại bò số 3, kể.
Các chuyên gia Israel chính là những người đầu tiên đã giúp đỡ gây dựng nên thủ phủ bò sữa trên đất Việt Nam ngày hôm nay.
“Tôi đã mong muốn phải làm ra một ly sữa tươi sạch chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam. Ai sẽ làm điều này cho tôi trong khi hiểu biết của bản thân tôi về sữa hoàn toàn là con số 0? - Phải mời một người thầy giỏi nhất. - Ai là người thầy giỏi nhất tại thời điểm hiện tại về nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa? – Israel. Vậy thì kết luận rút ra là dễ dàng, phải mời họ về”, bà Thái Hương, Nhà Sáng lập của Tập đoàn TH, chia sẻ về những ngày đầu tiên kiến tạo nên Tập đoàn.
Ngày ấy, Tập đoàn TH đã làm một việc chưa có tiền lệ. Đó là ngoài việc mời chuyên gia, thì mời luôn cả người nông dân Israel sang chuyển giao công nghệ theo lộ trình từng cấp độ bàn giao dần. Nông dân là 6 tháng, trình độ trung cấp sau 3 năm, chuyên gia cao cấp là sau 5 năm sẽ bàn giao toàn bộ quy trình quản trị cho người Việt Nam với hệ thống tổ chức bộ máy làm việc hết sức chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: Khoa học quản lý đàn bò của Afimilk (Israel) và quản trị về mặt thú y của Totally Vets (New Zealand), quản trị tài chính SAP của Cộng hòa Liên bang Đức. Sự kết hợp khoa học công nghệ (công nghệ cao) khoa học quản trị (4.0) đồng bộ, khiến một sai sót nhỏ trong quá trình vận hành cũng sẽ được phát hiện ngay tức thì, dẫn tới chi phí, giá thành, chất lượng, sản lượng sữa luôn luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ như được mặc định từ đầu.
Không phải ngẫu nhiên, mà những người tham quan trang trại bò sữa của TH cứ bước đi chậm rãi, thư thái ngắm nhìn đàn bò đẹp như tranh. Hóa ra, dẫn nhịp cho những bước đi ấy, là tiếng nhạc du dương của các bản giao hưởng cổ điển phát ra từ hệ thống loa ở khắp trang trại. Anh Nam giới thiệu: “Các chuyên gia Israel đã nghiên cứu kỹ và phát hiện ra rằng, nếu được nghe một số bản nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, bò sẽ cho sữa nhiều hơn vài phần trăm”.
Khi nhận được câu hỏi “làm sao để biết được năng suất của từng con bò”, anh Nam mỉm cười, chỉ vào hộp màu đỏ nho nhỏ gắn dưới chân cô bò gần nhất: “Mỗi con bò được gắn một con chíp ở chân để nhận dạng, đồng thời kiểm soát các hoạt động hàng ngày. Con chíp này sẽ phát hiện ra bệnh, đặc biệt là bệnh viêm tuyến vú, bệnh thường gặp ở bò. Con chíp sẽ thông báo đến máy tính và lập tức cách ly bò bệnh khỏi đàn. Các con chíp truyền dữ liệu liên tục về trung tâm quản lý. Hệ thống quản lý điện tử tự động sẽ cập nhật, tổng hợp, phân tích và giúp các chuyên gia đưa ra chiến lược chăn nuôi, phỏng đoán trước sản lượng sữa của bò, kế hoạch luân chuyển và kế hoạch dinh dưỡng lâu dài cho từng con bò”.
Anh Nam cũng nói thêm: “Để tạo ra dòng sữa chất lượng hàng đầu, những cô bò luôn luôn cần được vỗ về, chăm bẵm, tắm mát và cho nghe nhạc hàng ngày. Cần biết rằng, sản lượng sữa tươi bình quân của mỗi cô bò tại trang trại TH đạt mức 34 lít mỗi ngày - tương đương khoảng 11.000 lít mỗi chu kỳ, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Và tất cả đều có sự đồng nhất về chất lượng”.
Những di sản mới đang hình thành từ mảnh đất lịch sử
Trang Wikipedia có những dòng mô tả về tài nguyên của Nghĩa Đàn: “Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An. Nơi đây là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn từ thưở các Vua Hùng dựng nước; là nơi gặp gỡ, hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Phủ Quỳ. Nghĩa Đàn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, nổi bật như cánh đồng hoa hướng dương của Công ty CP thực phẩm sữa TH, mỗi năm diện tích trồng hoa hướng dương lên tới 90ha, thu hút hàng nghìn du khách về tham quan”.
Vậy là, Nghĩa Đàn, sau khi để lại những chiếc trống đồng, những giọt mồ hôi và xương máu của công nhân các nông trường anh hùng, đang dần có thêm những di sản mới, ghi danh mảnh đất này trên bản đồ Việt Nam. Đó là cánh đồng hoa hướng dương hàng trăm ha đẹp như tranh vẽ xuất hiện hàng năm tại trang trại TH. Đó là hệ thống trang trại lớn nhất châu Á, là công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới và quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Để nói về thủ phủ bò sữa của Việt Nam hôm nay, xin dùng lại câu nói giản dị của bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH: “Tôi không có nhiều tiền cho mọi trẻ em nơi đây, nhưng tôi có thể tặng cho các em một khung cảnh tuyệt vời để sau này khi lớn lên, các em dù có đi đâu, làm gì, cũng sẽ luôn tự hào về đồng đất quê mình và sẽ quay trở về đóng góp cho quê hương”.
Bảo An - Công ty CP chuỗi thực phẩm TH