Điểm mới là giám sát rất chặt
Nghị quyết 35 của Chính Phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được ban hành với những mục tiêu và phương thức thực hiện rất cụ thể.
Theo Nghị quyết đề ra, đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như rà soát giảm chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… với tinh thần lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Chỉ ít ngày trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng, Chính phủ đã ban hành đến hai Nghị quyết cực kỳ quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết: Các nghị quyết 19 cùng với Nghị quyết 35 vừa được ban hành có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghị quyết sau kế thừa và được ban hành trên nền tảng của Nghị quyết 19.
“Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, kinh nghiệm thành công cũng có, kinh nghiệm cho thấy hiệu lực thực thi chưa cao cũng có. Các nhiệm vụ được giao rất cụ thể, nhưng nhiều ý kiến nói cơ chế giám sát chưa đủ mạnh”, ông Lê Mạnh Hà nhận.
Do vậy, theo Phó chủ nhiệm, Chính phủ, với Nghị quyết 35 Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế, công cụ cho vấn đề giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử, công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, nếu không giải quyết thì phải nói rõ tại sao.
Cũng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, hàng quý Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ giao ban về tình hình triển khai Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 19. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và đầu tư để báo cáo tại các phiên họp Chính phủ”, Phó chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nói.
Ông Hà cũng nhấn mạnh, sau vụ quán cà phê Xin Chào, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố rất mạnh mẽ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đây cũng là quan điểm rất quan trọng, khiến doanh nghiệp yên tâm hơn rất nhiều và đã được Chính phủ khẳng định tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
"Nghị quyết 35 quá đầy đủ, chỉ còn chờ thực hiện"
Nói về Nghị quyết 35, ông
Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét: Nghị quyết quá đầy đủ, điều quan trọng nhất đối với Chính phủ là hãy hành động, thực hiện tất cả những gì đã viết ra.
Ông Vinh nhấn mạnh, đây là nghị quyết tốt và nếu thực hiện được thì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi.
“Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói nhiều hơn đến cái chưa được để doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhau nhận thức và cùng nhau tháo gỡ.
Về mặt nghị quyết, các văn bản pháp luật và các cấp chính quyền chỉ đạo rất quyết liệt và có cải thiện đáng kể trong tháo gỡ rào cản khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế có một khoảng cách không nhỏ giữa các luật đưa ra, các chỉ đạo của Chính phủ với cấp thực hiện”, ông Vinh cho biết.
Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nói thêm rằng ông đã ngồi nghe nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ phàn nàn rằng nghị quyết, văn bản pháp luật quy định như vậy, nhưng khi đến cấp thực hiện thì hoàn toàn không phải như vậy.
Ông Vinh cho rằng đây là vấn đề rất đáng quan ngại vì ý chí và chỉ đạo của Chính phủ đã có nhưng các cấp dưới không thực hiện hoặc bóp méo đi trong thực hiện – đây là vấn đề vô cùng nan giải và là vấn đề lớn nhất.
Lãnh đạo một doanh nghiệp khi chia sẻ với phóng viên cũng bảy tỏ kỳ vọng Nghị quyết 35 sẽ thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt của bộ máy chính trị các cấp để giúp cho môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trong thời gian qua.
Theo Nhịp sống Kinh Doanh