Những hộp sọ này được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở địa điểm khảo cổ Thế Mậu, nằm ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Tại ngôi mộ này, người ta chỉ tìm thấy hộp sọ, tuyệt nhiên không thấy phần thân người. Điều này càng khẳng định thêm giả thiết những phụ nữ trẻ này đã trở thành lễ vật đem dâng lên các vị thần trong một nghi lễ tôn giáo lớn của cộng đồng các cư dân cổ từng sinh sống tại đây 4.000 năm trước.
Những công trình ở khu khảo cổ Thế Mậu có niên đại lên tới hơn 4.000 năm.
Có lẽ trước khi diễn ra lễ cúng tế này, những cư dân cổ ở đây đã trải qua một biến cố lớn, có thể là một cuộc chiến tranh, bởi các cư dân cổ thường sử dụng kẻ thù, tù binh chiến tranh và người dân ở bộ tộc đối thủ làm lễ vật hiến tế thần linh.
Việc tìm thấy những ngôi mộ tập thể tương tự như thế này vốn không phải chuyện hiếm gặp trong giới khảo cổ học Trung Quốc. Ngay cả ở thời kỳ sau này, khi các vị hoàng đế băng hà, người hầu và tì thiếp cũng thường bị chôn theo với niềm tin rằng khi sang thế giới bên kia, họ sẽ tiếp tục hầu hạ vị hoàng đế.
Những hộp sọ được tìm thấy tại khu khảo cổ Thế Mậu được sắp xếp theo một trật tự rõ ràng.
Bên cạnh việc phát hiện ra ngôi mộ tập thể, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hơn 100 bức phù điêu có niên đại lên tới hơn 4.000 năm cùng rất nhiều trang sức, đá quý. Những phát hiện này cho thấy nơi đây từng là một vùng đất phát triển trù phú, thịnh vượng.
Năm 2005, các nhà khảo cổ học ở địa điểm khảo cổ Hồng Giang, thuộc tỉnh Hồ Nam, cũng đã tìm thấy một bàn thờ cổ chuyên dành để thực hiện những nghi lễ cúng người. Các nhà khảo cổ thậm chí còn tìm thấy hài cốt của một nạn nhân ngay bên bàn thờ.
Vì 80 hộp sọ được tìm thấy đều nằm bên cạnh chân móng của những bức tường đá, nên các nhà khảo cổ tin rằng các nạn nhân đã bị cúng tế khi chuẩn bị khởi công xây dựng tường bao bảo vệ xung quanh thành phố cổ.
Bích Ngọc