Chỉ còn chưa đầy 5 năm nữa cho cuộc hành trình xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN, bởi đến năm 2018 ngành công nghiệp ôtô VN phải mở toang cánh cửa bảo hộ. Tuy nhiên, phải đến sau năm 2025 trở đi mới là giai đoạn phổ cập hóa ôtô ở VN, lúc này thị trường mới thật sự bùng nổ. Vì vậy, việc áp dụng những chính sách hỗ trợ ngành là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tuy không còn dài, song các chuyên gia cho rằng VN vẫn có thể “cứu” ngành công nghiệp ôtô.
Vướng nhất ở... chính sách
Nhận diện điểm vướng nhất của ngành công nghiệp này chỉ là cách thức đầu tiên để... gỡ. Bởi hiện nay, bản thân chính của các Bộ, ngành liên quan tới ngành công nghiệp ôtô cũng không nhất quán. Chẳng hạn, Bộ Công Thương ủng hộ phát triển ngành công nghiệp ôtô. Trong khi ngành giao thông lại muốn hạn chế vì sợ quá tải hệ thống đường, dẫn tới các chính sách thuế, phí chồng chéo nhau. Hay như chính sách thu phí đường, xe 4 chỗ, động cơ nhỏ cũng có phí như xe động cơ lớn. Trong khi ở các nước trên thế giới, người ta phân định rõ xe to, nhỏ sẽ phải chịu các mức phí khác nhau. Vô hình trung, chính việc các chính sách không ổn định, thiếu nhất quán lại là rào cản cho các nhà sản xuất đầu tư dài hạn, theo chiều sâu, nhưng lại tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngắn hạn, mang tính thời vụ phát triển. Người tiêu dùng bị thiệt vì phải mua sản phẩm với giá cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ôtô là do chính sách thay đổi quá nhanh và quá nhiều trong khi thị trường chưa đủ lớn, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. VN một mặt muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô nhưng mặt khác lại đưa ra hàng loạt các chính sách để hạn chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân làm hạn chế thị trường. Để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư, các nhà sản xuất phải tính đến mức thời gian tối thiểu là 5 năm trong khi đó, chính sách ở Việt Nam thay đổi... xoành xoạch khiến DN hết sức khó khăn, làm nản lòng các nhà đầu tư.
Điều này được ông Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam khẳng định: “Vướng mắc lớn nhất kìm hãm sự phát triển CN ô tô thời gian qua chính là ở cơ chế, chính sách bất cập. Vì vậy, nếu Bộ Tài chính, Bộ GTVT công bố những chính sách ổn định, lập tức chỉ ngay tháng sau thị trường ôtô sẽ sôi động hẳn.
Lựa chọn dòng xe chủ lực - giá rẻ ?
Một trong những bí quyết thành công của nhiều nước trong việc phát triển ngành công nghiệp ôtô là bắt đầu bằng sản xuất ôtô giá rẻ, đó là Ấn Độ và một số nước trong khu vực ASEAN. Điều ai cũng thấy rõ là để thành công, Chính phủ các nước này đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ DN đầu tư sản xuất dòng xe giá rẻ dành cho người thu nhập thấp. Còn tại VN, theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển sản xuất ôtô giá rẻ, nhiều DN nội địa sẵn sàng tham gia nhưng để đầu tư thì nhiều DN còn e ngại bởi “khó trăm bề”, trong đó đặc biệt là DN rất cần những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là vốn từ phía Nhà nước. Muốn giá xe rẻ thì tỉ lệ nội địa hóa phải cao, phần lớn thân vỏ, máy móc… phải được sản xuất ở trong nước. Ở nhiều nước để khuyến khích các DN nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, bất cứ DN muốn đầu tư sản xuất thân vỏ sẽ được vay vốn ưu đãi 100 triệu USD trong 20 năm, nếu làm động cơ được vay tiếp 100 triệu nữa cũng với thời hạn 20 năm. Trong khi ở VN chính sách này dường như chưa có, còn để các ngân hàng chủ động hoặc sẵn sàng cho vay thì càng khó bởi trong con mắt của các nhà băng ở VN, đầu tư sản xuất tăng tỉ lệ nội địa hóa là rủi ro và khả năng thu hồi vốn là điều quá khó. Chính vì vậy mà có rất ít nhà băng chịu mở hầu bao cho vay những dự án kiểu như vậy.
Câu chuyện này cũng được ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Vinaxuki chia sẻ với báo giới, đó là từ khi bắt tay vào sản xuất tô đến nay, Vinaxuki chưa vay được đồng vốn ưu đãi nào. Thậm chí, có thời điểm, hãng này phải chịu lãi suất tới 20% để nhập thiết bị, máy móc của nước ngoài.
Nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ôtô là do chính sách thay đổi quá nhanh và quá nhiều trong khi thị trường chưa đủ lớn, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. |
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, tiềm năng của VN không yếu so với các nước trong khu vực, tài nguyên và nguồn lao động hơn hẳn Nhật Bản, Hàn Quốc... Về thị trường thì rõ ràng nhiều quốc gia đang đua nhau mang xe đến đây để bán bởi VN có dân số đông. Riêng về khoa học kỹ thuật thì chỉ cần có tiền là mua được công nghệ.
Với dòng xe giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người lao động thì thực tế nhu cầu vẫn cao nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt và các DN chịu đầu tư. Nói như ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki: “Vấn đề mấu chốt là Chính phủ phải có sự hỗ trợ DN. Ngành công nghiệp nào không có sự nuôi dưỡng, hỗ trợ thì khó thành hình là điều dễ hiểu”
Quốc Anh