Tăng trưởng mạnh
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ năm 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 - 2016, tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tăng trưởng bình quân GDP cùng thời kỳ.
Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) TS. Đặng Đức Anh cho biết, nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang cũng như đồ dùng chăm sóc sức khỏe được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và có xu hướng phát triển khá mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tiềm năng ngành bán lẻ đang ở mức rất tốt và có những tín hiệu khả quan. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán lẻ, tốc độ phát triển của các cửa hàng tiện ích cũng rất nhanh và mạnh với nguồn cung dồi dào.
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp còn có kênh bán hàng online, quy mô khoảng 4 tỷ USD/năm tăng trưởng trên 10%/năm và có nhiều triển vọng. Có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lý giải cho sự đột phá này, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong vài năm trở lại đây đạt mức khá tốt cũng như thu nhập của người dân tăng cao, qua đó tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều là nguyên nhân hàng đầu.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đang trong quá trình trẻ hóa nên thói quen tiêu dùng có xu hướng phát triển cao hơn. Đặc biệt, một yếu tố khá quan trọng đó là ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua dẫn đến lãi suất có xu hướng giảm, tín dụng cho vay tiêu dùng tăng trưởng khá mạnh, đây cũng là cơ sở để có thể giúp các hộ gia đình có thêm nguồn chi cho tiêu dùng.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Tài chính Công ty CP DigiCity Vietnam Hà Hồng Hạnh cho biết, trong lĩnh vực tiêu dùng điện tử, các ngân hàng, đơn vị tài chính hỗ trợ khách hàng rất nhiều bằng chương trình trả góp 0 đồng hoặc lãi suất 0% với lợi nhuận thấp để kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, số lượng chung cư, nhà cao tầng “mọc” lên ngày càng nhiều, nhu cầu người dân kiện toàn cơ sở vật chất trong gia đình ngày càng lớn. Thời tiết đã vào hè, nhiệt độ tăng cao, các sản phẩm về quạt mát, quạt điều hòa mang tính chất mùa vụ hoặc các sản phẩm về tủ đông, tủ mát, tủ lạnh cũng rất được quan tâm.
Đặc biệt, World Cup diễn ra cũng là lúc các sản phẩm về tivi, đặc biệt là dòng tivi thông minh với thiết kế đời mới, tính năng ưu việt rất được công chúng quan tâm và mua sắm với số lượng tăng so với thời gian trước.
Khó khăn trong cạnh tranh
Mặc dù thừa nhận tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ trong nước thời gian qua vô cùng sôi động, các chuyên gia cũng nhận thấy những hạn chế của thị trường bán lẻ Việt Nam, đó là chi phí thuê mặt bằng đang quá cao, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, nguồn cung ứng chưa ổn định, hàm lượng công nghệ trong quản lý còn kém.
Đi cùng với đó là sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài, điều này tác động lớn đến nhà phân phối bán lẻ trong nước, trong khi, các doanh nghiệp bán lẻ Việt còn yếu về vốn, thiếu sự liên kết trong quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, hệ thống mua bán tại Việt Nam qua rất nhiều tầng lớp trung gian nên giá hàng hóa bị đẩy lên cao.
Về phía doanh nghiệp, một trong những khó khăn hiện nay là sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” trong ngành bán lẻ, họ có tiềm lực tài chính, có nguồn nhân lực chất lượng, được đầu tư công nghệ bài bản, do vậy, các công ty bán lẻ có quy mô nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh.
Trước thực tế này, bà Hạnh cho biết để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, Công ty DigiCity Vietnam đã tổ chức nhiều buổi họp với các hãng hoặc các nhà phân phối trực tiếp nhằm đưa ra các chính sách về giá, về sản phẩm cũng như chương trình khuyến mại đối với khách hàng, làm sao mang đến cho khách mức giá phù hợp với giá trị thực của sản phẩm.
Ngoài ra, công ty cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật trực tiếp đến nhà khách hàng để phục vụ và lắp đặt cũng được đào tạo rất cụ thể, bài bản để khách hàng luôn luôn yên tâm về chế độ hậu mãi, bảo hành của công ty.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại, Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC miền Bắc Nguyễn Thị Phương cho biết BigC đặt chiến lược tập trung vào hàng nội địa.
Doanh số hàng Việt Nam đang chiếm 95% trong tổng doanh số bán lẻ của BigC. Ngoài ra, BigC cũng có những chương trình xúc tiến hàng xuất khẩu bằng những tuần lễ hàng Việt Nam tại nước ngoài, đồng hành cùng các chương trình sinh kế cộng đồng, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số có cơ hội bán hàng vào kênh siêu thị hiện đại.
Theo TS. Đặng Đức Anh, mặt hàng thời trang, công nghệ, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là những mặt hàng phát triển rất lớn trong thời gian tới.
Để thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể phát triển và sánh vai được với thị trường bán lẻ thế giới, ngoài nỗ lực chủ động hội nhập, đầu tư chất lượng nhân sự, công nghệ quản trị, quảng bá thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, ông cho rằng cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách vĩ mô, ưu tiên cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước về mặt bằng, thuế suất để cân bằng và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt phải chủ động vươn lên, liên kết, gắn bó, chia sẻ lợi nhuận giữa người sản xuất và người bán hàng, xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh, mở rộng hình thức bán hàng thì mới mong giữ chân được người tiêu dùng.