Việc Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về việc đồng ý với chủ trương để Vietinbank trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines và các công ty thành viên thông qua chuyển khoản nợ (tính đến cuối năm 2013) hơn 5.000 tỷ đồng (tương đương 235 triệu USD) nói lên điều gì?
Lợi cả đôi bên
Hiện hệ thống ngân hàng đang có 4 giải pháp xử lý nợ xấu, đó là trích lập dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, bán cho VAMC và chuyển nợ thành cổ phần. Tuy nhiên, trong 4 giải pháp trên, 3 giải pháp đã gần như không nhiều triển vọng.
Với giải pháp trích lập dự phòng thì phải phụ thuộc vào năng lực tài chính của các ngân hàng.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, liệu có bao nhiêu ngân hàng đủ khả năng để đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để có nhiều bước tiến trong xử lý nợ xấu?
Đó là chưa nói, cách này còn khiến các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu vốn của doanh nghiệp và thị trường. Trong khi, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đang là đòi hỏi của thị trường để phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Còn giải pháp bán nợ xấu cho VAMC và phát mại tài sản thì đang loay hoay vì khung pháp lý cho vấn đề này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và cần một thời gian khá dài. Bởi đây là vấn đề tồn tại nhiều năm và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Quan trọng hơn, vấn đề này không nằm trong phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà còn liên quan đến nhiều ngành khác như tòa án, dân sự, công an…
Với những khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tính đến giải pháp chuyển nợ thành cổ phần để có thể về đích nợ xấu 3% trong năm 2015. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiên nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo báo cáo của các TCTD là 5,43% (tính đến giữa tháng 9/2014).
Tuy nhiên, con số mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra trong phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 29/9) là 8% (theo con số giám sát của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước).
Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đang phải tính đến giải pháp để chạy “nước rút” cho chặng về đích, vì vậy, giải pháp cơ cấu nợ theo hướng chuyển thành cổ phần có thể sẽ mở rộng với nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.
Quay trở lại với trường hợp của Vietinbank, nếu được chuyển khoản nợ này thành cổ phần, thì không chỉ ngân hàng mà Vinalines cũng có lợi (nhất là trong điều kiện tập đoàn này đang nợ nần chồng chất mà chưa có nguồn trả).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định đây là một giải pháp cho vấn đề nợ xấu toàn ngành, giải pháp này sẽ vừa giúp xử lý nợ xấu tại các ngân hàng và vừa giúp Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt gánh nặng tài chính.
Rủi ro nào cho ngân hàng?
Thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, nhiều doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ theo hướng chuyển thành cổ phần cho chủ nợ ngân hàng và tương đối thành công. Điển hình như Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco).
Năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, Bianfishco gặp khó khăn và bị thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân bán cá lớn. Các chủ nợ chính là các TCTD đã cùng phối hợp tái cấu trúc lại hoạt động của Công ty thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Theo đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chính thức trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco.
Hay như trường hợp của Công ty CP Thủy sản Phương Nam cũng đứng bên bờ phá sản với con số nợ ngân hàng khoảng 1.599 tỷ đồng (tháng 11/2012) và cũng được những ngân hàng chủ nợ chuyển thành cổ phần để tái cơ cấu. Giờ đây, doanh nghiệp này hoạt đông tốt trở lại và liên tục tăng trưởng tốt trong những quý gần đây.
Dù vậy, giải pháp này sẽ mang lại không ít rủi ro cho ngân hàng, nhất là rủi ro về kỳ hạn. Bởi ngân hàng là đơn vị trung gian huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp, nếu trực tiếp đem đi kinh doanh sẽ rất rủi ro.
Theo một chuyên gia ngân hàng, thực tế ngân hàng đi huy động và cho vay đều có kỳ hạn, nhưng nếu đem đi đầu tư thì thường là đầu tư rất dài hạn. Vì vậy, nếu dùng tiền huy động từ thị trường một để đầu tư dài hạn như vậy sẽ có độ chênh lớn về kỳ hạn và sẽ rất rủi ro cho ngân hàng.
“Đó là chưa kể việc các ngân hàng huy động vốn trên thị trường một rồi lại đem đi đầu tư vào sản xuất kinh doanh là không hợp lý. Theo thông lệ quốc tế, ngân hàng thương mại thì không được đầu tư vào doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh bởi rất rủi ro”, vị này bình luận.
Với trường hợp Vietinbank, hướng xử lý nợ này tương đối có lợi cho họ, nhất là khả năng họ sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của 2 cảng Hải Phòng và Đà Nẵng khi Vinalines sẽ tổ chức chào bán cổ phần của 2 cảng này vào năm 2015. Bởi đây là hai cảng tiềm năng.
“Tuy vậy, đây cũng không phải là chức năng của ngân hàng và việc đầu tư vào cảng là không ổn, bởi các ngân hàng không được phép đầu tư kinh doanh. Theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng thương mại thì không được phép đầu tư vào doanh nghiệp để kinh doanh. Nghiệp vụ này chỉ dành cho những ngân hàng đầu tư. Nếu ngân hàng đầu tư thì không được dùng tiền huy động từ thị trường một mà phải dùng tiền huy động bằng trái phiếu, trên thị trường vốn”, vị này bình luận.
Thực tế, ở Việt Nam, các ngân hàng được cấp phép hoạt động chủ yếu là ngân hàng thương mại. Dù vậy, họ hoạt động rất đa năng, vừa kinh doanh vừa đầu tư. Nhưng phải nhấn mạnh, các ngân hàng tự huy động vốn rồi lại đem đi kinh doanh, sản xuất kinh doanh là không hợp lý.
Theo ông, việc chuyển nợ thành cổ phần được coi là một trong những biện pháp nhanh chóng, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả người vay và người nợ. Tuy nhiên, thay vì để ngân hàng trực tiếp đầu tư, cơ quan quản lý nên tính đến việc chuyển nợ cho SCIC và công ty này sẽ đứng ra đầu tư vào doanh nghiệp đó. Đây cũng là lĩnh vực chuyên môn của SCIC và việc đầu tư sẽ có hiệu quả hơn cũng như bớt rủi ro cho ngân hàng.
Quan trọng hơn, trong trường hợp, ngân hàng chuyển nợ thành cổ phần cho doanh nghiệp nào đó mà họ lại không có khả năng phục hồi sau tái cơ cấu thì đó chỉ là hình thực xóa nợ. Trong trường hợp này, việc xóa nợ như vậy không có ý nghĩa với nền kinh tế mà ngân hàng chỉ chuyển đổi hình thức từ nợ xấu sang tài sản xấu mà thôi.
Dù vậy, để đạt mục tiêu đưa nợ xấu về 3% trong năm 2015, có lẽ trong thời gian tới các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo hướng cơ cấu nợ thành cổ phần đối với một số khách hàng doanh nghiệp.
TRẦN GIANG
Theo BizLIVE