Cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) đều thực hiện rất nhiều giải pháp, đặc biệt là giảm mạnh lãi suất. Thế nhưng tín dụng vẫn ì ạch. Các ngân hàng quay sang săn lùng khách hàng cá nhân, chủ yếu cho vay tiêu dùng.
NHNN lỏng tay, NHTM chẳng dám buông
Cùng với việc hạ các mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, NHNN cũng đặt trần lãi suất cho vay của các NHTM đối với các lĩnh vực ưu tiên như: cho vay thu mua lúa gạo giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm… Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 20/3) theo hướng nới lỏng việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo Thông tư này, từ ngày 20/3/2014 đến 1/4/2015, các TCTD không chuyển nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại nợ và thời gian trả nợ. Điều này sẽ khiến nhiều khách hàng lẽ ra không còn đủ điều kiện vay vốn (nếu áp dụng Thông tư 02), có cơ hội tiếp tục vay vốn. Rồi sau một năm nữa sẽ… tính tiếp. Việc lỏng tay của NHNN không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mà cho cả các TCTD có một bảng cân đối tài sản trông có vẻ “đẹp” hơn. Song, các NHTM lại chẳng dám “buông”.
Tín dụng vẫn mang lại trên 80% lợi nhuận cho các ngân hàng, thế nhưng họ cũng không dám nới lỏng điều kiện tín dụng. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động (tất nhiên kèm theo rất nhiều điều kiện). Hiện tượng tranh giành khách hàng ngày càng gay gắt, nhưng điều đó chỉ xảy ra với những doanh nghiệp tốt. Ông Phan Tấn Bình – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Xích líp Đông Anh cho biết, doanh nghiệp liên tục nhận được lời mời chào cho vay, kể cả vay tín chấp với lãi suất rất cạnh tranh.
Tuy nhiên, những trường hợp doanh nghiệp nhận được “ưu ái” như vậy không nhiều, trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay đều phải có tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh tốt… Và ngân hàng luôn muốn “quản” mọi luồng tiền ra – vào của doanh nghiệp để đảm bảo vốn cho vay không đi chệch hướng. Những đòi hỏi này của ngân hàng trở nên chính đáng bởi nó xuất phát từ những bài học rủi ro tín dụng trước đây, và khối nợ xấu mà họ đang phải gánh hiện nay. Chính vì thế ngân hàng chấp nhận lợi nhuận thấp, nhưng không dám nới lỏng điều kiện tín dụng. Điều này lý giải tại sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng cho dù “cửa“ tín dụng không chỉ luôn mở mà còn được… trải thảm đỏ.
Và kinh doanh kiểu… nhặt nhạnh
Eximbank vừa gây bất ngờ lớn bởi thông báo tuyển dụng 550 người. Bất ngờ không chỉ bởi trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang phải cắt giảm chi phí (mà trước tiên là cắt giảm nhân sự). Điều lạ là nhà tuyển dụng này không đòi hỏi ứng viên phải tốt nghiệp đại học loại khá và giỏi, thậm chí chỉ cần: “Tốt nghiệp trung học phổ thông, có kiến thức cơ bản về lĩnh vực tài chính ngân hàng”.
Những người được tuyển dụng, theo thông báo của Eximbank là để, tìm kiếm, phát triển khách hàng mới tiềm năng tăng doanh số các sản phẩm bán lẻ tín dụng cá nhân của ngân hàng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Thay vì chạy theo những tổng công ty, tập đoàn với món cho vay cả chục tỷ đồng, nhiều ngân hàng lại hướng mục tiêu vào khách hàng cá nhân, với món vay loanh quanh vài chục hay vài trăm triệu đồng. Sự kiện tuyển người của Eximbank chỉ là dấu hiệu nhận biết rõ ràng hơn của việc các ngân hàng đang phải nhặt bạc lẻ. Thực tế trong hơn hai năm qua, với nhiều nỗ lực, các ngân hàng vẫn không thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp tốt thì ngày càng hiếm, doanh nghiệp muốn vay thì không đủ điều kiện, ngân hàng sợ rủi ro không dám cho vay. Rất nhiều doanh nghiệp khác lại không có nhu cầu vay vì không có đầu ra cho sản phẩm do sức cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện.
Chính vì thế, các ngân hàng quay sang săn lùng khách hàng cá nhân, chủ yếu cho vay tiêu dùng. Mức cho vay tiêu dùng không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh, chỉ dựa vào mức thu nhập hàng tháng hiện phổ biến từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/món. Ví dụ tại Techcombank, số tiền khách hàng được vay tiêu dùng tối đa 200 triệu đồng; tại Sacombank và ANZ là 500 triệu đồng; tại nhiều ngân hàng khác là 300 triệu đồng…
Cùng là tín dụng kiểu nhỏ lẻ, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Thẻ tín dụng còn được mời chào với vô số chương trình khuyến mại, tỷ lệ chiết khấu cao bởi các liên kết, hợp tác chiến lược với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ… Và không ít ngân hàng cho nhân viên xuống tận các chợ, đến từng hộ kinh doanh, tiểu thương để mời chào những món vay ngắn hạn, chỉ vài trăm triệu đồng.
Và tới đây sẽ là sự đồng loạt ra quân… nhặt bạc cắc khi cùng với việc đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng sẽ phải tập trung cho vay chăn nuôi để khôi phục lĩnh vực vốn đang và sẽ còn chịu nhiều thiệt hại bởi dịch bệnh. Song điều quan trọng nhất khiến các ngân hàng vui vẻ làm bạn với nhà nông là do họ nhận thấy những món cho vay nhỏ lẻ lại an toàn hơn những món lớn. Không chỉ bởi không có rủi ro của việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ngân hàng còn có thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay, nhìn thấy khả năng trả nợ của người vay và đặc biệt tránh được rủi ro từ cấp tín dụng theo “chỉ đạo” dẫn đến không thu hồi được vốn.
Các mức lãi suất hiện nay • Lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng 7,5%/năm. • Huy động bằng tiền đồng: Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 1%/năm; Từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do ngân hàng tự ấn định. Bằng USD: Đối với tổ chức 0,25%/năm, cá nhân 1%/năm. • Cho vay: Ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng cho 5 lĩnh vực ưu tiên là 8%/năm; cho vay thu mua tạm trữ vụ Đông Xuân 2014 tối đa 7%/năm; cho vay ngắn hạn trong chương trình thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tối đa 7%/năm, và 10 -10,5%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn; các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB phải giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm. |
Thái Thanh