Năm 2014, thị trường M&A chứng kiến khá nhiều các thương vụ DN thực hiện các vụ mua bán sáp nhập trong nước hoặc đi mua các Cty nước ngoài, mà điển hình là các thương vụ liên quan đến ngân hàng và BĐS.
Cơ hội tái cơ cấu
Mới đây nhất là việc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và (Vietcombank) vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược khiến nhiều người nghi vấn về việc VNCB sẽ sáp nhập với Vietcombank… Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, khả năng VNCB về với Vietcombank có thể xảy ra, vì trong điều kiện hiện tại, việc Vietcombank tham gia hỗ trợ một ngân hàng yếu tái cơ cấu không như Vietcombank tham gia GiaDinhBank trước đây (nay được đổi tên thành VietcapitalBank). Bởi chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cấu trúc và từng bước giảm số lượng ngân hàng bằng cách sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Trên thực tế, mục tiêu của ngành ngân hàng là giảm số lượng xuống còn 20-25 tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, vì thế việc tái cấu trúc sẽ được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều này cũng phải có thời gian và đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn hậu M&A để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với làn sóng M&A giữa ngân hàng quốc doanh và một số NHCP nhỏ như đồn đại thời gian qua, theo phân tích của một chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nếu đơn thuần là một NHCP quy mô lớn thì sẽ khó có thể “ôm” một ngân hàng yếu. Tuy nhiên, NHTM cổ phần quốc doanh có sự chi phối của Nhà nước, khi có chỉ định, thì không có cách nào khác là phải “ôm” thêm một ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Theo quy định hiện hành, M&A các TCTD là một trong những giải pháp tái cơ cấu được NHNNkhuyến khích các TCTD triển khai thực hiện. Về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, việc tái cơ cấu các NHTM thông qua hình thức M&A có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác như: Tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực; hệ thống ngân hàng sẽ giảm bớt được số lượng các NHTM cổ phần yếu kém... Tuy nhiên, cần phải xác định rõ rằng, M&A chỉ là bước đầu của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng. Sau M&A, các NHTM phải triển khai một loạt các biện pháp thích hợp với những lộ trình cụ thể để tiếp tục cơ cấu toàn diện trên tất cả các mặt (tài chính, hoạt động, quản trị), đảm bảo sau M&A hoạt động của các ngân hàng này được an toàn, ổn định, hiệu quả, góp phần lành mạnh hóa hệ thống TCTD VN.
Thực tế, các ngân hàng sau M&A như SCB, SHB, HDBank, PVcombank đã đạt được những kết quả ban đầu trong quá trình tái cơ cấu. Trong đó, đối với vấn đề xử lý nợ xấu, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập đã nhanh chóng rà soát và bán nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét rằng, cái được trong quá trình tái cơ cấu 2 năm qua của ngành ngân hàng là tránh được sự đổ vỡ và từng bước lành mạnh hệ thống, khi kiểm soát và xử lý được khó khăn từ các ngân hàng nhỏ, yếu kém qua M&A. Việc M&A các ngân hàng yếu kém là biện pháp bất khả thi và là cách để mua thời gian, chứ chưa thể nói được điều gì. Sau sáp nhập, liệu các ngân hàng lớn có đảm bảo hoạt động tốt hay nợ xấu tăng cao thì điều này cần phải có thời gian để kiểm nghiệm.
BĐS hút đầu tư
Cái được trong quá trình tái cơ cấu 2 năm qua của ngành ngân hàng là tránh được sự đổ vỡ và từng bước lành mạnh hệ thống. |
Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án trong lĩnh vực BĐS, theo các chuyên gia cũng diễn ra sôi nổi. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2014 nhiều dự án mới với nhiều phân khúc khác nhau tiếp tục gia nhập thị trường.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), 7 tháng đầu năm 2014, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút vốn FDI với 20 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỉ USD. Nhà ĐTNN đang rót vốn vào BĐS chủ yếu thông qua M&A. Lý giải động thái này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện tính thanh khoản của thị trường BĐS rồi các chủ đầu tư tái cơ cấu DN bằng cách bán các dự án để giảm bớt gánh nặng tài chính khiến hoạt động mua bán, chuyển nhượng diễn ra sôi động.
Trong khi đó, các DN với nguồn tài chính mạnh lại mong muốn có được những dự án như vậy để tận dụng sự phục hồi của thị trường đã tạo nên một “làn sóng” M&A trong lĩnh vực BĐS. Có lẽ, trong số này nổi lên một số dự án BĐS lớn như: Khu nghỉ dưỡng Alma với vốn đầu tư 300 triệu USD tại Khánh Hòa của Alma Group (Israel); Khu đô thị Tây Hồ Tây 234 triệu USD…
Có thể khẳng định, thị trường M&A của VN đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều dự án nhà đất tiềm năng nhưng đang trong tình trạng dang dở, bị bỏ hoang do chủ đầu tư không còn năng lực triển khai. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh dạn nắm bắt thị trường thâu tóm các dự án trong bối cảnh giá BĐS đang ở mức chạm đáy…
Cần “tỉnh táo” trước thương vụ M&A Dù cơ hội thì nhiều, song nhà ĐTNN có phong cách và chiến lược đầu tư riêng. Nếu nắm rõ được điều này, các DN sẽ có được sự tỉnh táo trong từng thương vụ mua bán, sáp nhập. Phân tích về các nhà đầu tư Nhật, ông Nguyễn Hóa - Chuyên viên tài chính kiểm toán KPMG trong lĩnh vực đầu tư nhận định, các vấn đề nội tại của Nhật Bản như tăng trưởng trong nước chậm, tỷ lệ sinh giảm và một xã hội lão hóa… đã khuyến khích các Cty Nhật Bản muốn ra ngoài biên giới thu mua các Cty trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ, hàng tiêu dùng và thiết bị điện tử. Mặc dù động thái đó khá lặng lẽ và kín đáo, nhưng các Cty Nhật Bản đang tạo sự đột phá trên thị trường quốc tế. Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia có DN thực hiện M&A tại VN xét cả về số lượng và giá trị, khiến giới quan sát gọi đó là “làn sóng đầu tư từ Nhật Bản”. Theo số liệu của Thomson Reuters, hiện Nhật Bản xếp hạng thứ tư trên toàn cầu về các thương vụ M&A xuyên biên giới. Bước vào cuộc chơi M&A, các DN Nhật Bản đặt nhiều niềm tin nhất vào thị trường ASEAN. Một cuộc thăm dò gần đây của một số Cty luật cho thấy, khoảng 47% Cty Nhật Bản đã quan tâm đến M&A ngoài biên giới, 36% đang tìm kiếm đối tác và 3% đang trong giai đoạn đàm phán. Trong đó, 61% sẽ xem xét giao dịch với các Cty Mỹ và Châu Âu, trong khi 52% đang tìm đến các nước khu vực ASEAN, trong đó có VN… Ngoài nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Mỹ, EU, Singapore, Thái Lan… cũng đã và đang thực hiện các thương vụ M&A tại VN, trực tiếp hay thông qua nước thứ ba. Mỗi nhà đầu tư có phong cách và chiến lược đầu tư riêng, trong đó, đáng chú ý là cách họ trả giá để có được số cổ phần ưng ý của DN mục tiêu. Ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm DFJV cho hay, các nhà đầu tư Mỹ và EU luôn trả giá cao nhất, nhưng không có nhu cầu phải chi phối hoàn DN mục tiêu. Với tầm nhìn dài hạn và trường vốn, các nhà đầu tư Mỹ thể hiện sự tin tưởng vào đối tác nhiều hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản quyết định hơi lâu, nhưng khi đã quyết định rồi thì họ sẽ giữ cam kết nhằm đảm bảo uy tín. Về quy mô của Cty mục tiêu, nhà đầu tư Mỹ và EU muốn mua Cty mục tiêu ở quy mô lớn hơn là nhà đầu tư Nhật Bản. |
20 tỷ USD cho M&A Ông Đặng Xuân Minh - Giám đốc Cty cổ phần AVM, khẳng định giai đoạn tới 2014-2018 thị trường M&A VN sẽ đạt qui mô con số 20 tỷ USD. - Giai đoạn (2014-2018) thị trường M&A có thể đạt quy mô giá trị lên tới 20 tỷ USD”, dựa vào đâu ông có những nhận định trên ? Trước đây, khi nói đến M&A, chúng ta thường nghe nói đến việc nhà ĐTNN vào mua lại DN hay dự án trong nước, nhưng giờ đây đã có các nhà đầu tư trong nước mua lại DN hay dự án nước ngoài. Theo tôi, chuyện này diễn ra trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế VN ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Giai đoạn 2008-2013, chúng ta đã từng chứng kiến một làn sóng M&A tại VN mà chúng tôi gọi là “làn sóng thứ nhất”. Làn sóng đó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn. Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, kinh tế vĩ mô mất ổn định, TTCK suy giảm, thị trường BĐS trầm lắng, rất nhiều DN tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua khủng hoảng. Mặc dù vậy, giá trị các thương vụ M&A tại VN trong giai đoạn này đã tăng trưởng như vũ bão, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013. Nhiều nhà đầu tư và DN đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn, DN mạnh của nền kinh tế VN. - Dù trầm lắng, song nhiều ý kiến các chuyên gia đều cho rằng thị trường BĐS tuy đã chạm đáy nhưng đã và đang mang lại cơ hội cho thị trường M&A. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này? Còn 1 quí nữa năm 2014 sẽ khép lại, tôi cho rằng, đây là một năm hợp tác thành công của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.Theo diễn biến trên thị trường, số lượng người bán rất nhiều vì các nhà đầu tư gặp khó khăn trong khi không có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực để mua lại. Tuy nhiên xu hướng M&A sẽ tiếp tục diễn ra. Các dự án ở vị trí đắc địa thì luôn là tâm điểm hút các nhà đầu tư… Điển hình như vụ chuyển nhượng Dự án 36 Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội); Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản VN (VIPD) bỏ ra gần 10.000 tỷ đồng để mua lại Vincom Centre A của Vingroup; VinaCapital bán lại Khách sạn Legend Saigon; Sheraton Nha Trang và Movenpick Saigon; Novaland bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng để thâu tóm 3 dự án BĐS tại TP HCM hay việc một tập đoàn tư nhân trong nước mua lại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa... - Thưa ông, việc Chính phủ chủ trương việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ là động lực lớn nhất cho hoạt động M&A? Đúng vậy, không chỉ các DN trong nước mà các Các DN nước ngoài rất quan tâm với VN. Họ tin rằng, làn sóng M&A thứ hai tại VN sẽ được hình thành mạnh mẽ bởi chính sách cổ phần hoá DNNN hiện nay của Chính phủ. Năm 2011 có 18 thương vụ M&A giữa VN và Nhật Bản, năm 2012 có 17 thương vụ nhưng đến năm 2013, con số này là 20 thương vụ. Đây là con số cao nhất trong lịch sử M&A giữa hai nước. Song, tính đến cuối tháng 6/2014, tốc độ có vẻ chậm khi chỉ có 4 thương vụ được công bố thành công. Như vậy, nếu tính trung bình mỗi năm, có 18 thương vụ M&A thành công giữa hai nước thì thời gian tới, không có lý do gì ngạc nhiên nếu thị trường này có thể đạt tới 30 vụ hoặc hơn thế vào năm 2016. - Ông có dự đoán gì thị trường M&A trong thời gian tới, theo ông đâu là cơ hội cho các nhà đầu tư? Các ngành dự báo có những thương vụ M&A lớn trong giai đoạn tới, sẽ gồm ngân hàng, sản xuất tiêu dùng, BĐS, công nghệ thông tin, vận tải – logistic… Chúng tôi tin rằng VN sẽ chứng kiến “làn sóng thứ hai” của hoạt động M&A, làn sóng của những thương vụ IPO có nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Và như tôi đã nói ở trên cơ hội luôn nằm trong tay những kẻ mạnh nghĩa là các nhà đầu tư có khả năng về tiềm lực tài chính, họ sẵn sang chi tiền để thâu tóm những kẻ yếu hơn mình… - Xin cám ơn ông! |
Phương Hà