Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, chưa bền vững và còn nhiều khó khăn đã có những tác động trực tiếp, nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều quyết sách quan trọng (Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP...) chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời này mà nền kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả tích cực, thể hiện cụ thể ở các lĩnh vực:
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng cao vượt dự kiến, lạm phát được kiềm chế: GDP quý I/2015 đạt 6,03%, vượt dự báo và cao hơn nhiều so với 5,06% của cùng kỳ năm 2014; lạm phát tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (0,04% trong 4 tháng đầu năm 2015); xuất khẩu tăng trưởng khả quan, đạt 50,1 tỷ USD (tăng 8,2%); giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 5 %, đạt 4,2 tỷ USD...
Thị trường tiền tệ ổn định: thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất huy động và cho vay giảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh; tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2015 đạt 2,78%, mức tăng cao nhất trong 3 năm qua; tỷ giá VND/USD tăng trong giới hạn cam kết của Ngân hàng Nhà nước (2% so với đầu năm 2015), chủ yếu do đồng USD đang tăng mạnh so với hầu hết các ngoại tệ khác trên thế giới.
Các thị trường từng bước phục hồi: thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn, do chỉ số P/E năm 2015 thấp hơn 30% - 40% so với khu vực; các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mua ròng trên cả 2 sàn (4 tháng đầu năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng); thị trường bất động sản khởi sắc, lượng giao dịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Hoạt động sản xuất tiếp tục xu hướng phục hồi: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2015 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số mua hàng PMI tháng 4/2015 tăng 2,8 điểm so với tháng 3/2015, đạt 53,5 điểm (mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay), phản ánh điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% so với đầu năm 2015, trong khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chỉ giảm 0,8%.
Đáng chú ý là quá trình tái cơ cấu kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực: (i) Hoạt động cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh, giúp loại bỏ dần doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển; (ii) Tái cơ cấu ngân hàng diễn ra nhanh, loại bỏ nguy cơ đổ vỡ hệ thống; hoạt động mua - bán, sáp nhập sôi động, giúp thanh lọc các ngân hàng yếu kém, hình thành các ngân hàng có tiềm lực mạnh và chất lượng dịch vụ tốt hơn; (iii) Công tác quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện và đồng bộ hơn, tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế về quản lý nợ công; tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện quyết liệt, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí chi tiêu công, đặc biệt tại các chính quyền địa phương.
Vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là xoá đói giảm nghèo: 4 tháng đầu năm 2015, số hộ thiếu đói giảm 17%, số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia, tổ chức kinh tế quốc tế (Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB... ) đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và những kết quả kinh tế Việt Nam đã đạt được trong những tháng đầu năm 2015. Cụ thể là:
Thứ nhất, công tác điều hành tỷ giá thống nhất, kịp thời đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ biến động tỷ giá, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, kích thích tiêu dùng và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh;
Thứ hai, việc ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã phát huy tác dụng, góp phần giữ vững hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng và ổn định vĩ mô;
Thứ ba, hoạt động mua - bán, sáp nhập ngân hàng thương mại được tiến hành công khai, minh bạch, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tăng hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào Việt Nam;
Thứ tư, Chính phủ đã chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (FTA, TPP…) đã làm tăng tính hấp dẫn và đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu;
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng hơn, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan… góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
Từ những kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong những tháng đầu năm 2015, đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế (IMF, ADB, WB) nhận định, tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam sẽ đạt 6% và đạt 6,2% - 6,5% vào năm 2016 và 2017.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng; các vấn đề tồn tại sẽ từng bước được xử lý, khắc phục; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh tạo đà phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Tạp chí Tài chính.