“Năm 2015, Thống đốc có chỉ đạo mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 15% và tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực ưu tiên”, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho hay.
Tính đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là 11%. Như vậy so với mục tiêu từ 12 đến 14% thì cái ngưỡng 12,5 đến 13% chắc chắn có thể đạt được.
Tăng trưởng tín dụng của năm nay khác với cùng kỳ năm trước: 6 tháng tăng trưởng trên 3%/năm, quý III cũng tăng được 3,7% và 2 tháng quý IV tăng xấp xỉ 2,8%. Như vậy tín dụng cũng đã tăng trưởng đều chứ không dồn vào cuối năm như những năm trước đây.
Tăng trưởng tín dụng cuối năm có 2 yếu tố. Một là dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế cũng tích cực hơn vào thời điểm cuối năm và bản thân các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cũng có nhu cầu sản xuất kinh doanh để phục vụ trong cái dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chính vì vậy nhu cầu vốn là tăng vào thời điểm cuối năm là bình thường.
Hai nữa đối với ngành ngân hàng, ước tính trong quý IV năm nay tín dụng tăng ở mức trên 3 % hay 4% thì cũng tương đương mức tăng như trong quý III. Điều đó có nghĩa tín dụng không phải là dồn vào thời điểm cuối năm như mọi năm. Như vậy, khó có thể nói tăng trưởng tín dụng là do yếu tố kỹ thuật.
Mọi người đều có thể nhìn vào các con số để thấy mức tăng trưởng tín dụng tương đối đều và tăng cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, dù còn chậm. Cụ thể, chỉ số sản xuất 11 tháng 2014 cao hơn hẳn cùng kỳ 2013 và đi liền theo nó là nhu cầu tăng, sản xuất kinh doanh tăng lên. Chưa kể 2 cái tết cũng phải chuẩn bị, thì từ doanh nghiệp đến người dân cũng chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết nên nhu cầu vốn tăng lên.
Trong số tăng trưởng 11% đó, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ là bao nhiêu, thưa ông?
Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức 12,8%, trong đó, 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng trưởng rất cao khoảng 10%. Nghĩa là nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp, thành phần kinh tế không lớn như trước đây.
Thực ra việc vay ngoại tệ của các doanh nghiệp dịp đầu năm là họ tính toán trên cơ sở lợi ích. Tức lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn trong khi tỷ giá neo ở mức tối đa 2% thì khi so với lãi suất VND thì họ thấy có lợi hơn thì họ vẫn vay. Nên tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đầu năm cao là vì vậy.
Nhưng cuối năm thì không như vậy, qua theo dõi những tháng cuối năm có tháng âm và hầu như không tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Vì lãi suất cho vay VND chỉ 6-7%/năm, ngoại tệ khoảng 3 - 4%/năm, mức chênh lệch không đủ có lợi ích lớn nên doanh nghiệp cũng không mặn mà.
Hiện thị trường đang băn khoăn về quy định tại Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước (được ban hành cuối năm ngoái) về việc các nhu cầu vay nhập khẩu xăng dầu và vay xuất khẩu sẽ chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014. Ông có bình luận gì về quyết định này?
Thực tế, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thấp trong mấy tháng trở lại đây là do các lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ không chênh lệch lớn so thời điểm đầu năm 2014. Do vậy, trường hợp Ngân hàng Nhà nước có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ thì cũng không ảnh hưởng đến nhập khẩu của các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Về phía các ngân hàng thương mại, hiện nay nguồn vốn cả ngoại tệ và VND đều có khả năng đáp ứng được cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách quản lý ngoại hối và các cán cân vĩ mô khác thì việc hạn chế theo tôi thời điểm này là cần thiết.
Cho đến thời điểm này thì tăng trưởng tín dụng ở mức 11% thì tín dụng bằng ngoại tệ chỉ tăng 12,8% và chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ. Tăng trưởng nội tệ cũng đạt được ở mức khoảng 11% và dự kiến từ nay đến 31/12 thì tăng trưởng tín dụng nội tệ sẽ tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức khoảng 13%.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ liệu có ảnh hưởng tới việc điều hành tỷ giá, khi mà mấy ngày qua thị trường vẫn đang có sóng?
Hiện thặng dư thương mại dự kiến khả năng 2,3 tỷ USD, kiều hối khoảng 11 tỷ USD, chưa kể vốn FDI thì sức ép tăng tỷ giá không lớn. Bởi việc mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ chủ yếu để phục vụ đơn vị xuất khẩu. Tức các đơn vị có nguồn thu bằng ngoại tệ thu về rồi trả nợ ngoại tệ thì không sức ép gì tới quan hệ cung cầu trên thị trường cả.
Chỉ có phần các doanh nghiệp nhập khẩu không có nguồn ngoại tệ đáp ứng mà nhập khẩu chủ yếu bán trong nước thu bằng nội tệ phải mua ngoại tệ các ngân hàng để trả nợ ngoại tệ thì lúc ấy có sức ép. Nhưng trong tổng thế cán cân như thế, trong diễn biến tình hình bây giờ không có đầu cơ ngoại tệ, lãi suất rẻ thì không ai găm giữ đầu cơ cả. Tỷ giá ổn định tối đa 2% thì không ai ôm ngoại tệ cả.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng các ngân hàng đổ mạnh vốn vào thị trường bất động sản? Điều này thể hiện qua con số 11 tháng, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này khoảng 12%?
Nếu so với cơ cấu tín dụng toàn nền kinh tế thì cơ cấu tỷ trọng tín dụng cho bất động sản và chứng khoán không lớn. Đơn cử như tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%/năm, tín dụng cho ứng dụng công nghệ cao cũng tăng được 14,8%, đối với nông nghiệp nông thôn ước năm 2014 tăng ở mức 12,8%...
Trong định hướng lâu dài thì tín dụng cho bất động sản, chứng khoán sẽ có kiểm soát để hướng dòng vốn bảo đảm đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn lĩnh vực bất động sản, chứng khoán cũng là một trong những kênh cần thiết để có nguồn vốn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu tăng trưởng tín dụng như vậy, có thể nói tín dụng năm nay đã tăng trưởng thực chất hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Ngay từ đầu năm 2014, NHNN đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 12-14%. Trong mục tiêu này, NHNN cũng chủ trương hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2015, Thống đốc có chỉ đạo mức tăng trưởng ở mức 13 đến 15% và bám sát mục tiêu này, ngay từ bây giờ Vụ Tín dụng đã chuẩn bị cho từng mục để bảo đảm tăng trưởng cho năm 2015 ổn định hơn và tốt hơn ngay từ quý I.
Theo đó, NHNN tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt NHNN đã trình Dự thảo thay thế Nghị định 41 khả năng sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Theo đó Nghị định mới này sẽ là động lực quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế cũng như người dân mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, từ đó nhu cầu vốn đi liền với cung ứng vốn cho lĩnh vực này cũng sẽ là lớn nhất. Đối với nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở Nghị định mới thay thế Nghị định 41 thì dự kiến tín dụng cho lĩnh vực này sẽ ở mức 15%.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền