Ngày 06/3/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 20/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 của Thông tư 195/2015/TT-BTC về thuế tiêu thụ đặc biệt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 130/2016/TT-BTC ).
Điểm nổi bật ở Thông tư 20 là việc quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại khâu nhập khẩu.
Cụ thể, số thuế TTĐB không được khấu trừ, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thay vì hiện nay, người nộp thuế chỉ được hạch toán vào chi phí khi số thuế TTĐB không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
Thông tư 20/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/4/2017.
Bắt đầu từ ngày 15/4/2017, Nghị định 22/2017/NĐ-CP sẽ chính thức được áp dụng; đây được xem là Nghị định đầu tiên quy định cụ thể về hòa giải thương mại.
Theo đó, một người muốn trở thành hòa giải viên thương mại cần có đủ những tiêu chuẩn sau:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
Ngày 02/3/2017, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định về quy chế tuyển sinh và tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng năm 2017. Theo đó:
- Thời gian tuyển sinh được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm;
- Thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào một hoặc nhiều trường thông qua phiếu đăng ký tuyển sinh, mẫu phiếu đăng ký tuyển sinh do các trường phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị;
- Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm Phiếu đăng ký tuyển sinh và bản sao hợp lệ các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.
- Cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng dựa trên các tiêu chí như:
+ Tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa của từng ngành nghề đào tạo;
+ Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo.
Ngoài ra, Thông tư còn ban hành kèm phụ lục các chính sách ưu tiên khi tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng.
Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/4/2017.
Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH về quy trình xây dựng, ban hành chương trình; biên soạn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ chính thức có hiệu lực từ 14/4/2017.
Theo đó, thời gian khóa học theo niên chế:
- Từ 2-3 năm học đối với trình độ cao đẳng và khối lượng kiến thức tối thiểu theo từng ngành, nghề đào tạo là 60 tín chỉ.
- Từ 1-2 năm học đối với trình độ trung cấp và khối lượng kiến thức tối thiểu là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Ngoài ra, thời gian học lý thuyết và thực hành, thực tập, thí nghiệm (gọi chung là thực hành) phải đảm bảo tỷ lệ:
+ Trung cấp: lý thuyết chiếm 25-45%; thực hành chiếm 55-75%;
+ Cao đẳng: lý thuyết chiếm 30-50%; thực hành chiếm 50-70%.