Chế biến thủy sản ở công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - một cổ đông lớn của Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương. Ảnh Vasep
Các thương vụ mở rộng đầu tư
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, không khó để kể tên một vài ví dụ nổi bật về việc hoạt động mở rộng đầu tư đã và đang mang lại thành công.
Trong ngành thủy sản, mới đây, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) đã chào mua công khai thành công cổ phiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF). Theo đó, HVG đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại AGF và VTF lên lần lượt là 74,89% và 61,21%. Giá mua hai cổ phiếu trên cũng cao hơn hẳn giá giao dịch trên TTCK, cho thấy HVG khá “chịu chơi”, sẵn sàng trả giá cao để mua được lượng lớn cổ phiếu nhằm tăng quyền chi phối tại hai công ty này.
Trường hợp khác là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Ngày 26-5 vừa qua, REE đã mua 12,5 triệu cổ phiếu Thủy điện Thác Bà (TBC) thông qua giao dịch thỏa thuận với HSC. Sau khi mua thêm, REE chính thức trở thành cổ đông sở hữu đa số tại TBC (58,14%). Trước đó, REE cũng đã đầu tư vào rất nhiều các công ty điện khác như Thủy điện Thác Mơ (35,5%), Nhiệt điện Ninh Bình (29,4%), Nhiệt điện Phả Lại (23,4%). Ngoài lĩnh vực điện, REE còn mua rất nhiều cổ phần tại các công ty than như Than Núi Béo (23,6%), Than Đèo Nai (24%) hay các công ty nước như Cấp nước Thủ Đức (hơn 43%), Nước Tân Hiệp, Đầu tư Thương mại nước Sài Gòn.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tương đối đặc biệt khi công ty này chuyển hẳn hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp (trồng mía, cao su, bắp, nuôi bò). Năm 2013, mặc dù quy mô doanh thu của HAG giảm 37% so với năm 2012, chỉ đạt 2.771 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lại đạt 999 tỉ đồng, tăng tới 90%. Doanh thu từ việc bán căn hộ sụt giảm đã được HAG thay thế bằng doanh thu từ mía đường. Mía đường hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HAG (42%).
Còn với Vingroup (VIC), sự liên kết mở rộng đầu tư theo chiều ngang được thể hiện rất rõ khi ngoài mảng bất động sản cao cấp, công ty này đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), trung tâm mua sắm cho trẻ em (Vin KC), dịch vụ tư vấn giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em độ tuổi từ 0-15 tuổi (Vin KE) và thương mại điện tử (VinEcom). Việc thành lập các công ty theo liên kết chiều ngang trong cùng chuỗi giá trị một mặt giúp tăng sự nhận biết thương hiệu đối với người tiêu dùng, một mặt góp phần nâng tầm “đẳng cấp” các dự án bất động sản của Vingroup.
Tầm nhìn chiến lược đóng vai trò quyết định
Việc tranh thủ cơ hội khủng hoảng để gia tăng cổ phần tại đối thủ cạnh tranh hay kịp thời chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực tiềm năng cho thấy tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của các ông chủ doanh nghiệp.
Đối với HVG, việc tăng dần quyền sở hữu tại AGF vừa giúp công ty loại bớt một đối thủ cạnh tranh hiện hữu vừa nhắm mục tiêu mở rộng thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Trong khi đó, việc mua cổ phần của VTF sẽ giúp HVG hoàn tất chuỗi liên kết theo chiều dọc, tăng sự chủ động trong nguồn thức ăn chăn nuôi thủy sản vốn đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.
Đối với REE, dấu ấn điều chỉnh chiến lược đầu tư được thể hiện rất rõ trong năm 2012, khi công ty này dần thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính-ngân hàng (bán cổ phần tại ACB và STB), thu về hơn 780 tỉ đồng rồi dùng số tiền này đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng được đánh giá là có nhiều tiềm năng hơn. Mảng kinh doanh cốt lõi đầu tiên của REE là M&E có liên quan trực tiếp đến dịch vụ lắp đặt điện và nước nên tăng cường đầu tư vào hai lĩnh vực này là quyết định hợp lý. Trong năm 2010, cơ sở hạ tầng chỉ chiếm 46% danh mục đầu tư nhưng tỷ trọng này đã lên đến 88% vào năm 2013. Trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của mảng đầu tư chiến lược đạt 621 tỉ đồng, tăng 90,5% so với năm trước.
HAG đã quyết đoán trong việc giảm nguồn lực cho lĩnh vực bất động sản, chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định hơn đồng thời nhận được nhiều ưu đãi về đất đai và điều kiện tín dụng. Chấp nhận giảm lãi, kịp thời bán đi các lĩnh vực không còn sinh lợi nhiều lại có thời gian “chôn vốn” lâu như bất động sản hay thủy điện giúp HAG cân đối được dòng tiền cho các dự án đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, các thương vụ mở rộng đầu tư của các công ty nói trên không phải không có rủi ro. Rủi ro lớn nhất liên quan đến việc nợ có xu hướng phình to khi các công ty dùng vốn vay ngân hàng để mua cổ phần các công ty khác hoặc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực cần vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài. Trường hợp của REE khá an toàn khi công ty này dùng nguồn tiền thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng nhưng HAG và VIC có tỷ lệ vay nợ khá lớn, nếu các dự báo về đầu ra không được như mong muốn có thể sẽ dẫn tới khó khăn trong khả năng trả nợ.
Theo TBKTST