Giá nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ quả không những không giảm còn tăng. Ảnh: Nguyễn Thảo
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Chùa Láng (Ba Đình), chợ Thành Công (Đống Đa), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... giá cả các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả, thịt, hải sản, đồ tươi sống giữ nguyên, thậm chí còn tăng.
Cụ thể, tại chợ Chùa Láng, giá cà chua hiện đang ở mức từ 17.000-20.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/bó, rau cải 8.000-10.000 đồng/kg...
Thịt ba chỉ 80.000-100.000 đồng/kg, xương sườn 90.000-110.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 vẫn giữ mức 250.000 đồng/kg, mực ống 180.000-200.000 đồng/kg...
Nguyên nhân giá các mặt hàng rau củ quả gần như vẫn giữ nguyên, thậm chí có những ngày tăng đột biến được bà Hoàng Thị Lan, tiểu thương bán rau tại chợ Chùa Láng (Ba Đình) cho biết, giá nhập từ đầu mối thời gian vừa qua vẫn ở mức giá như trước đây, xăng dầu không liên quan nhiều đến giá rau củ quả mà chủ yếu do tính chất thời vụ.
"Rau được chở chủ yếu từ các huyện ngoại thành Hà Nội về chợ đầu mối bằng xe máy của các hộ gia đình nên xăng giảm nữa cũng không tác động đến giá rau. Giá rau có thời điểm vẫn cao do ảnh hưởng của thời tiết là chủ yếu", bà Lan giải thích.
Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương bán hải sản tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cũng cho biết, tôm, cá phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dồi dào hay không từ các thương nhân đổ hàng về chợ đầu mối, tác động của xăng, dầu chỉ là yếu tốt rất nhỏ.
Tại chợ Thành công, chị Nguyễn Thị Tuất cho biết, các loại rau được nhập từ Đà Lạt như bắp cải, hoa nơ, đậu bắp, mướp đắng vẫn có mức giá cao do cước vận chuyển cao, các loại rau phổ biến khác như rau cải, rau ngót, rau muống… có mức giá rẻ hơn song khó giảm giá hơn do các khoản thuế, phí kinh doanh tại chợ vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, trước đây, giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải tăng giá cước do vin cớ giá nhiên liệu chiếm tới 40-50% giá thành cước vận tải. Theo đó, giá hàng hóa cũng "té nước theo xăng", gần như tăng ngay lập tức. Giá xăng, dầu được coi là nguyên nhân chính được các tiểu thương vin cớ tăng giá các mặt hàng.
“Khi giá xăng dầu tăng, đến cốc nước trà đã cũng vin cớ tăng theo, bó rau, cọng hành cũng tăng giá nhưng khi giá xăng dầu giảm, tiểu thương tại chợ gần như bơ đi. Kêu đắt, người bán hàng cũng hùa theo đổ lỗi cho tiểu thương chợ đầu mối bán đắt”, chị Hoàng Anh (Chùa Láng, Ba Đình) bức xúc.
Siêu thị đang cân nhắc điều chỉnh
Hàng hóa giữ giá không chỉ ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội, khảo sát tại một số siêu thị cũng cho thấy giá của nhiều mặt hàng chưa có sự điều chỉnh theo giá xăng, dầu, chỉ có những chương trình khuyến mại như tặng kèm các sản phẩm khác hoặc giảm giá theo các sự kiện.
Lý giải về thực tế trên, đại diện một số siêu thị cho biết, nguyên nhân giá hàng hóa chưa giảm giá do các hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký với các nhà cung ứng từ thời điểm trước khi có sự điều chỉnh giảm giá mạnh từ mặt hàng xăng, dầu nên cần phải làm việc lại với các nhà cung ứng.
Trao đổi với BizLIVE, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Hệ thống siêu thị Big C cho biết, ngay sau khi có thông tin xăng, dầu giảm giá, Hệ thống siêu thị Big C đã cập nhật thông tin và yêu cầu các nhà cung cấp rà soát và xem xét lại giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nguyên, hiện theo chương trình Cam kết giá dài hạn của Hệ thống siêu thị Big C được triển khai bắt đầu từ ngày 14/11/2014 trên toàn quốc, cam kết mang đến cho người tiêu dùng giá tốt nhất cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm mặn, thực phẩm ngọt, thức uống, hóa mỹ phẩm, bơ sữa và thịt nguội…
“Theo đó, khách hàng sẽ được tặng sản phẩm miễn phí nếu tìm thấy sản phẩm tương đương được bán với giá rẻ hơn tại siêu thị khác”, ông Nguyên thông tin.
Về phía Co.op mart, đại diện Marketing của Co.opmart cho biết, khi giá đầu vào có biến động giảm Co.opmart sẽ rà soát các nhóm hàng có mức độ tác động vào giá để làm việc với các nhà cung cấp. Khoảng cuối tháng 12/2014 giá các mặt hàng tươi sống có thể được điều chỉnh giảm khoảng 15%.
NGUYỄN THẢO