Lại thêm lần nữa ngân hàng rơi vào tình trạng mặc cả lãi suất. Lần này là lãi suất cho vay mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính sự bất ổn nội tại của ngân hàng, đó là nợ xấu.
Chắc hẳn thị trường vẫn còn nhớ lần mặc cả lãi suất huy động của các ngân hàng vào năm 2007. Thời điểm đó, thanh khoản chính là “gót chân asin” của các ngân hàng, do vậy, dù trám cách nào cũng vẫn lộ ra yếu điểm đó. Bởi vậy, khi đó Ngân hàng Nhà nước có làm đủ mọi cách là áp trần lãi suất, nâng trần lãi suất thì các ngân hàng vẫn có đủ chiêu để mặc cả với người gửi tiền, để vượt trần lãi suất.
Ra điều kiện
Lần này cũng vậy, bản chất vấn đề vẫn thế, chỉ khác là lãi suất cho vay và cái cách mặc cả cũng thể hiện rõ hơn. Điều đáng nói ở đây chính là sự túng quẫn trong giải pháp của cả 2 lần mặc cả này. Muốn giảm lãi suất nhưng lại không thể bởi vì lợi nhuận, vì nợ xấu, chi phí xử lý nợ xấu…
Thế nên mới có câu điều kiện của ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank: “Nếu không có biến động đột biến của CPI, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm”.
Bởi vậy, phản ứng của thị trường không mấy hào hứng mà có phần bi quan hơn. Doanh nghiệp đã không còn kỳ vọng vào việc lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp, bởi đây không phải là lần đầu ngành ngân hàng đưa ra thông điệp này.
Từ đầu năm tới nay, không dưới 1 lần, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp nhưng phụ thuộc vào năng lực tài chính của từng tổ chức tín dụng.
“Trong chừng mực nào đó, các tổ chức tín dụng tự cân đối vốn đầu vào và khả năng tài chính để giảm lãi suất cho vay, có thể giảm từ 1 - 1,5%/năm”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, nói trong cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước diễn ra mới đây.
Tại sao phải dùng những từ điều kiện “nếu, nhưng” trong những câu nói kia nếu không phải là một cách mặc cả của ngành ngân hàng?
Thực tế, ai cũng hiểu các ngân hàng rất khó giảm lãi suất cho vay trong điều kiện hiện nay, vì nợ xấu, áp lực lợi nhuận. Điều đó cho thấy các ngân hàng đang mặc cả với doanh nghiệp về lãi suất, về thời gian sao? Ngân hàng cần thời gian để xử lý bớt nợ xấu, chờ kinh tế vĩ mô tốt lên để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và trả nợ cho ngân hàng…
Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi là các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2% như đã hứa. Tuy nhiên, để có lợi nhuận tốt trong điều kiện hiện nay thì doanh nghiệp phải được vay với lãi suất thấp nhưng lại nằm ngoài khả năng hiện tại của ngân hàng.
TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, khẳng định thời điểm này ngân hàng rất khó giảm lãi suất vì nợ xấu tăng, khả năng thu hồi nợ giảm… “Vậy nên, dù rất muốn nhưng các ngân hàng không thể giảm ngay được một lúc 1 - 2%, mà là giảm từ từ, tuy theo độ trễ của từng kỳ hạn cho vay, huy động của mỗi ngân hàng, với mỗi khách hàng”, ông Kiêm phân tích.
Tự làm khó mình
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng ngân hàng đang mặc cả lãi suất với thị trường, tuy nhiên, không phải vì họ đang “ăn trên lưng doanh nghiệp” mà đang phải trả giá cao cho những sai lầm trước đây của mình vì quá dễ dãi trong cho vay, bao vốn cho sân sau của các ông chủ ngân hàng.
“Ngân hàng đang phải trả giá cao vì nợ xấu và lợi nhuận. Điều đáng nói, có thể cả khoản lãi hiện nay của nhiều ngân hàng cũng chưa phải là thật. Bởi vậy, ngân hàng rất khó có thể giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại”, ông Hiếu bình luận.
Theo ông Hiếu, sở dĩ các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay là vì trong điều kiện hiện tại các ngân hàng cần phải có phương án phòng thân, nên phải tính toán rất kỹ.
“Theo đó, dựa trên giá vốn đầu vào, các ngân hàng lập một biên độ lợi nhuận sao cho tỷ lệ lãi cận biên phải đảm bảo có lãi sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. Tỷ lệ lãi cận biên thường không cố định, mà tăng giảm theo từng thời điểm và trong điều kiện hiện nay, tỷ lệ này phải khoảng 4 - 5% thì mới đảm bảo khả năng sinh lời. Còn với ngân hàng nào mà có tỷ lệ nợ xấu thấp thì cũng muốn có tỷ lệ lãi cận biên cao để làm gối đệm cho ngân hàng khi có lượng nợ xấu lớn phát sinh”, ông Hiếu phân tích.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp khiến các ngân hàng đội chi phí lên do vốn huy động được chủ yếu nằm trong két, nên với doanh nghiệp nào có thể cho vay với lãi suất cao là ngân hàng sẽ cho vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây cũng là lý do vì sao mà tốc độ giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ chậm như vậy. Ngân hàng sẽ không tự nhiên giảm lãi suất cho khách hàng nào, mà chỉ khi doanh nghiệp có ý kiến và ngân hàng thấy áp lực từ khách hàng đó.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng việc các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay là hợp lý bởi họ cần phải bảo về lợi nhuận của ngân hàng cho dù nhiều ý kiến cho rằng đó là sự ích kỷ.
Đúng là ngân hàng cần phải có lãi, nhưng thị trường lại thấy bất bình với cách có lãi của các ngân hàng. Thực tế này không thể duy trì mãi được. Về vấn đề này, ông Kiêm cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm tra rất chặt, thường xuyên đi kiểm tra, thanh tra các ngân hàng để phát hiện ra những vấn đề của ngân hàng, có như vậy mới uốn nắn được các ngân hàng, trong đó, có cả vấn đề về lãi suất.
Theo BizLive