Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động, thương binh và xã hội): Khi Việt Nam tham gia AEC và các hiệp định thương mại tự do khác, đương nhiên tạo sự kích thích nền kinh tế, cụ thể là lượng hàng hóa xuất khẩu tăng.
Khi hội nhập một số công việc sẽ có nhu cầu cao hơn công việc khác?
Bản chất của hội nhập là tăng lợi thế so sánh các quốc gia. Nhìn vào tổng thể cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động thì có thể thấy lợi thế so sánh Việt Nam đó là ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp điện tử, sản xuất đồ gỗ... là những ngành mà Việt Nam có nhiều triển vọng tăng xuất khẩu.
Có những chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, Việt Nam gia nhập TPP, thì sản lượng dệt may sẽ tăng rất cao. Sản lượng tăng thì sẽ dẫn tới cầu lao động khu vực này rất cao. Khi cầu tăng thì tiền lương cũng tăng nhanh.
Ngành dệt may đã sẵn sàng nhu cầu tăng lương?
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Nhiều năm nay, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao (15 %/năm) nếu so với các ngành khác, vì thế nhu cầu lao động luôn luôn có. Đối với các hiệp định thương mại mà Chính phủ ta đang xúc tiến, đặc biệt là với AEC, TPP, chúng ta đang có cơ hội lớn.
Đương nhiên để tận dụng các cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tăng năng suất lao động, nâng cao tay nghề. Bởi hiệp định mở ra mới chỉ là tiền đề phát triển, có tận dụng được cơ hội thì phụ thuộc vào năng suất lao động.
Người điều hành cần phải tạo dựng năng suất lao động để trở thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình khi muốn đạt tăng trưởng cao.
Chúng tôi hiểu rằng nhu cầu lao động tăng thì lương sẽ tăng, ông chủ nào cũng muốn trả lương cho lao động cao để thu hút người giỏi, nhưng khi lương tăng mà năng suất lao động không tăng thì năng lực cạnh tranh doanh nghiệp đó sẽ thấp đi.
Vì vậy, theo tôi, xét trên góc độ doanh nghiệp, cần phải giải quyết được bài toán năng suất lao động để có tăng trưởng, rồi tăng lương.
Các doanh nghiệp đang nhìn thấy xu thế mặt bằng tăng lên, họ chuẩn bị như thế nào để tăng năng suất lao động thích ứng với tiền lương tăng?
Trong khoảng 5 năm qua, ngành dệt may đang xuất hiện 3 xu hướng dịch chuyển của doanh nghiệp, cụ thể: Xu thế dịch chuyển về những vùng nông thôn, tới mức quận huyện.
Nếu như trước đây các doanh nghiệp may chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. HCM, thì giờ gắn chặt với các vùng nông thôn đông dân cư để không tạo ra nguồn di dân lớn, thu hút lao động địa phương, giá nhân công vừa phải.
Xu thế thứ hai đó là đầu tư vào máy móc công nghệ. Các khâu nối với nhau cũng tự động hóa, tiết kiệm tiền lương, chuẩn bị cho nhu cầu hàng hóa tăng lên mà không phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật.
Xu hướng ba, đó là tạo ra môi trường lao động tốt. Nếu như trước kia doanh nghiệp chỉ có chiếc quạt máy phục vụ công nhân trong xưởng may thì hiện này phần lớn được làm việc trong điều kiện máy lạnh. Bởi khi cầu lao động lên thì ắt sẽ có cạnh tranh. Doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư để giữ lao động.
Ông Đặng Quang Điều - Trưởng Ban Chính sách kinh tế xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam):
Việt Nam có sự phân hóa tiền lương rất lớn. Tiền lương quản lý rất cao còn lao động trực tiếp cật lực tạo ra của cải vật chất xã hội còn thấp.
Tôi cho rằng các báo cáo tiền lương hàng năm cần tách bạch tiền lương người lao động và quản lý để nhà nước dễ hoạch định chính sách, có biện pháp làm giảm mức chênh lệch.
Sự phân hóa này cũng diễn ra giữa các ngành nghề. Có những ngành rất dễ tuyển dụng, không có cạnh tranh nên chủ lao động chỉ quy định mức lương thấp vẫn tuyển được. Trong khi có những ngành hiếm hoi nên được trả rất cao.
Hội nhập sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong việc trả lương, đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải suy nghĩ về điều này.
Giải pháp đối phó với thách thức bất bình đẳng tiền lương
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội: Thực trạng chênh lệch mức lương là điều đương nhiên trong quá trình phát triển. Hội nhập khiếp sức ép tăng lương càng lớn, phân hóa tiền lương càng cao.
Nhằm hạn chế thực tế này chúng ta cần phải tái cơ cấu nền kinh tế, đưa ra nhiều giải pháp nhằm gia tăng năng suất lao động. Chúng ta phải tiếp tục tìm các ngành nghề có lợi thế hơn. Tăng cường thêm nhiều giải pháp vĩ mô để điều chỉnh ví dụ như tăng thuế thu nhập cá nhân…
Đặc biệt, chúng ta cần chuyển đổi lao động từ khu vực phi chính thức, nông nghiệp sang khu vực có nhiều ngành nghề với lợi thế về mức lương, tạo năng suất lao động từ đó là cơ sở để tăng tiền lương...
Theo BizLIVE