Cách nhau cả chặng đường dài tiến hóa, con người hiện đại thường nhìn về tiền sử với nhiều mơ hồ, đôi khi lầm tưởng, rằng người tiền sử đói nghèo, tăm tối... Sự thật có phải như vậy?
Trong quá trình tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên của loài người,
đã có không ít những giả thuyết được đưa ra. Những giả thuyết này có vẻ
hợp lí đến mức rất nhiều người đã tin. Tuy nhiên, chỉ khi các nhà khoa
học và khảo cổ học tìm thêm được những bằng chứng xác thực thì người ta
mới loại bỏ được những lầm tưởng dưới đây.
Thợ săn và người hái lượm thức ăn sống trong cảnh đói khổ
Người tiền sử kiếm thức ăn chỉ yếu qua việc săn bắn và hái lượm
Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, cuộc sống của con
người thời tiền sử rất khó khăn. Đặc biệt là trong thời đại chưa có nông
nghiệp, con người kiếm thức ăn chủ yếu qua việc săn bắn và hái lượm.
Khi đó, họ buộc phải ăn những thứ mình săn được, chưa kể tới cuộc sống
luôn trong tình trạng thiếu dinh dưỡng và sức khỏe yếu.
Có nhiều bằng chứng cho thấy người tiền sử có một cuộc sống rất tốt
vào thời đại săn bắn hái lượm. Chế độ ăn gồm thịt và hoa quả của họ
phong phú và bổ dưỡng, đồng thời quá trình kiếm thức ăn cũng không quá
vất vả. So với sự vất vả của quá trình trồng trọt, cuộc sống săn bắn trở
nên dễ dàng hơn nhiều. Điều này có thể được thấy qua hình dáng cơ thể
của họ: Những thợ săn đều cao lớn trong khi những người nông dân lại nhỏ
và gầy gò. Khi xuất hiện nông nghiệp, mối quan hệ giữa con người
thay đổi, nó đánh dấu sự bất bình đẳng trong cộng đồng. Và phân biệt
giai cấp bắt đầu căng thẳng từ đây.
Người tiền sử khá ngốc nghếch vì có bộ não nhỏ
Người tiền sử có bộ não nhỏ và nhiều người cho rằng họ không có suy nghĩ phức tạp và di chuyển chậm chạp
Hầu hết mọi người cho rằng người tiền sử chỉ tiến hóa hơn các loài
linh trưởng một chút và không có những suy nghĩ phức tạp. Nhưng thực tế
là một đứa trẻ tiền sử có đủ mọi tố chất để sống trong môi trường hiện
đại nếu nó được nuôi nấng ở trong cùng điều kiện với chúng ta. Các
nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng bộ não của con người ngày nay giống
hệt những người tiền sử cách đây 100 nghìn năm. Các nhà khoa học từng
cho rằng con người đột ngột xuất hiện cách đây 40 nghìn năm trong một
giai đoạn khá ngắn được gọi là quá trình tiến hóa của con người. Nhưng
các nghiên cứu ngày nay chỉ ra rằng con người không đột ngột xuất hiện
với những khả năng về ngôn ngữ và phức tạp, mà nó diễn ra trong một thời
gian rất dài trước đó.
Một số giả thuyết còn cho rằng không tồn tại "người hiện đại", chúng
ta vẫn chỉ là những người tiền sử đã thích ứng được với môi trường sinh
sống khác nhau. Đó là do con người có khả năng phát triển các kĩ năng
riêng biệt cần thiết cho môi trường sống của họ.
Mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa vẫn chưa được tìm thấy
Một bộ xương 47 triệu năm tuổi của các động vật linh trưởng hóa thạch hoàn chỉnh nhất được tìm thấy
Bài toán về quá trình tiến hóa của con người vẫn chưa được hoàn
thiện: Một loài trong quá trình này vẫn chưa được tìm thấy. Loài linh
trưởng nằm giữa khỉ và người này được gọi là "Mắt xích còn thiếu", và nó
luôn là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận về tiến hóa. Việc không
thể tìm thấy mắt xích này đã dẫn tới những giả thuyết điên rồ như người
vượn Bigfoot hay thậm chí là việc phủ nhận hoàn toàn thuyết tiến hóa.
Trong thực tế, có rất nhiều mắt xích còn thiếu đã được chúng ta tìm
thấy, và thêm nhiều mắt xích nữa vẫn xuất hiện. Vấn đề là quá trình
tiến hóa diễn ra từ từ thay vì những bước nhảy đột phá lớn như mọi người
thường nghĩ. Quá trình tiến hóa từ vượn sang người cũng rất chậm chạp,
các thay đổi rất khó nhận biết do chúng không quá khác so với giống loài
trước đó mà chúng ta đã biết. Mắt xích còn thiếu nổi tiếng nhất hiện
nay là một giống nằm giữa người vượn Australopithecus và người Homo
habilis. Mắt xích này đã được tìm thấy vào năm 2010. Một nhánh khác cũng
được phát hiện vào đầu năm nay. Những hóa thạch này được phát hiện liên
tục, và thực sự trong quá trình tiến hóa của loài người, bất cứ giống
loài nào liên quan cũng có thể được gọi là "mắt xích còn thiếu".
Theo Phan Hạnh
Dân trí