Lao động nữ Việt Nam trước cơ hội từ ASEAN

Ngoại ngữ và kỹ năng là công cụ giúp lao động nữ tận dụng cơ hội từ Cộng đồng ASEAN để tiến đến xóa bỏ bất bình đẳng.
Lao động nữ Việt Nam trước cơ hội từ ASEAN
Cộng đồng ASEAN mang lại cơ hội lớn cho lao động nữ Việt Nam. Ảnh: D.Đ.Minh.

Dù đã rất nỗ lực và có nhiều thành tựu trong bình đẳng giới trong lao động, các quốc gia Đông Nam Á bị cho là vẫn chưa thực sự xóa bỏ được khoảng cách về thu nhập, cách đánh giá công việc... giữa nam và nữ. Theo Tổ chức phát triển Oxfam, hầu hết các nước đều cấm phân biệt giới tính khi tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, trong thực tế thì hầu hết đều thiếu công cụ chế tài và quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng phân biệt, thậm chí chèn ép về lương thưởng, nghỉ ngơi, thai sản…
Trong báo cáo “Bị trả lương rẻ mạt và đánh giá thấp - Bất bình đẳng đã định hình công việc của phụ nữ tại châu Á như thế nào” của Oxfam, một trong những “bí quyết” để cạnh tranh về giá lao động, năng suất… của châu Á trong thị trường quốc tế là trả lương thấp cho phụ nữ và mặc nhiên đặt thêm gánh nặng chăm sóc gia đình lên vai họ.
“Có tiền là có quyền”
Trả lời phỏng vấn, bà Maria Dolores Bernabe, điều phối viên của Oxfam, cho biết mức lương của phụ nữ trong khu vực ASEAN chỉ bằng từ 70 - 90% nam giới do các doanh nghiệp cho rằng phụ nữ là những lao động dễ điều khiển, chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ, đồng thời thường ngần ngại khi cần đòi hỏi quyền lợi. Trong khi đó, “một ngày làm việc của phụ nữ dài gấp đôi nam giới khi họ còn phải dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc gia đình… Lượng công việc nhà mà phụ nữ làm nhiều gấp 2,5 lần so với nam giới”, bà nhận định.
Chị Ngọc Bích, nhân viên kế toán làm việc tại TP.HCM, chia sẻ rằng thu nhập của chồng cao hơn chị rất nhiều và đương nhiên là chị chấp nhận gánh vác hầu như tất cả việc nhà, chăm sóc con cái… “Thường ông bà mình có nói mạnh vì gạo bạo vì tiền mà. Người nào nắm kinh tế thì có quyền”, chị giải thích. Đây cũng là trường hợp chung của rất nhiều gia đình Việt Nam và một số nước ASEAN.
Với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, tình hình bắt đầu có cơ hội cải thiện. Nhiều chuyên gia nhận định nếu biết nắm bắt cơ hội từ thị trường lao động mở trong khu vực, phụ nữ có thể tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn và không còn mãi là cái bóng sau lưng chồng do mặc cảm thu nhập thấp và bấp bênh.
60 triệu việc làm
Theo dự báo, trong những năm đầu của Cộng đồng kinh tế ASEAN, mức độ di chuyển lao động giữa các nước trong khối chỉ khoảng 1% trong tổng nguồn nhân lực. Riêng Việt Nam, khoảng
5 - 6 triệu người trong tổng số 55 triệu lao động cả nước sẽ di chuyển và chủ yếu là nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, khi thị trường lao động hội nhập hơn, các nước khu vực sẽ chú ý đến việc thu hút lực lượng lao động bậc trung và công nhân ở Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM Trần Anh Tuấn nhận định.
Theo ông, cơ hội chung của lao động các nước ASEAN là có thể tìm được việc làm tốt ở nước bạn nếu đáp ứng được tay nghề, có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh cơ bản và ngôn ngữ nước sở tại. Khi hội nhập, mức độ tăng trưởng về việc làm sẽ tăng lên 28% so với hiện hữu. Trong 10 năm tới, nguồn việc làm của các nước ASEAN sẽ tạo ra 60 triệu chỗ làm việc, trong đó Việt Nam chiếm 1/10, tức là cũng sẽ có thêm 6 triệu việc làm. “Vấn đề việc làm khá rộng lớn và đa ngành nghề, tuy nhiên vấn đề đặt ra cho người lao động, nhất là lao động trẻ và phụ nữ, là phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp với hội nhập”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh 3 điều cơ bản lao động Việt Nam cần có đó là trình độ nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng, phù hợp thực tiễn; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; tác phong công nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp. “Chúng ta thường nói lao động nữ thường có những thiệt thòi hơn so với lao động nam. Trước tiên có thể nói về mặt sức khỏe, thứ hai là về tiếp cận các thông tin xã hội. Và thứ ba là các điều kiện của lao động nữ, đặc biệt họ rất gắn bó với gia đình nên ít có điều kiện phát triển lâu dài”, ông nhận định.
“Tôi cho rằng hội nhập sẽ thúc đẩy quá trình của lớp trẻ nhận thức về việc thị trường lao động ngày càng mở ra sự cạnh tranh giữa nam và nữ, mà tôi cũng hay nói đùa rằng thị trường lao động sắp tới, nếu lực lượng nam không khéo thì cũng có thể thua nữ ngay trên chính sân nhà chúng ta chứ đừng nói đến hội nhập”, ông Tuấn nói thêm.
Trong khi đó, bà Maria Dolores Bernabe kêu gọi chính phủ các nước ASEAN tích cực hơn trong việc tạo điều kiện và trao quyền cho phụ nữ trong hoạt động kinh tế, bao gồm nhìn nhận đóng góp vào những việc không mang lại thu nhập cụ thể và cho họ nhiều ngày phép hơn để chăm sóc gia đình. Những phụ nữ là lao động di cư và làm công nhật cần được tiếp cận các chính sách bảo hộ về chăm sóc sức khỏe, sinh sản và mức thu nhập cơ bản.
“Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra cơ hội cũng như thách thức cho phụ nữ và họ sẽ cần có những chính sách của chính quyền và doanh nghiệp để xóa bỏ khoảng cách thu nhập và phát huy vai trò phụ nữ”, bà nhận định.



Theo Báo Thanh Niên


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/