Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước mới tăng 0,63%; bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. Đây là mức tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 đến nay. Lạm phát cả năm 2015 chưa đạt 1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra.
Lý giải về nguyên nhân lạm phát thấp, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, lý do chính vẫn là do giá các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, giá dầu thô giảm liên tục đã khiến CPI cả năm tăng thấp. Tuy vậy, chi phí đẩy giảm kích thích sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Trước nhiều ý kiến lo ngại lạm phát thấp có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, thực tế chưa có dấu hiệu chứng minh lạm phát thấp ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Theo bà Thủy, mặc dù lạm phát thấp nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao nhất trong 5 năm vừa qua.
“Trước đây, lạm phát xảy ra rồi mới kiềm chế. Bây giờ, một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ là kiềm chế lạm phát và tác động tích cực để lạm phát tăng không cao. Lạm phát không phải là yếu tố duy nhất tác động đến nền kinh tế. Lạm phát thấp, tăng trưởng cao nghĩa là đồng tiền vẫn giữ giá mà nền kinh tế vẫn phát triển. Có thể xem đó là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế”, bà Thủy phân tích.
Bàn về nguy cơ thiểu phát, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, xét theo một số dấu hiệu của nền kinh tế thiểu phát bao gồm lạm phát thấp, GDP âm hay tỷ lệ huy động tiết kiệm giảm, hiện nay Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn lạm phát chứ chưa phải lạm phát âm. Bên cạnh đó, GDP của Việt Nam ở mức cao, tỷ lệ huy động tiết kiệm cũng đang có xu hướng tăng lên.
“Việt Nam chưa có dấu hiệu xảy ra thiểu phát, ngược lại, nền kinh tế đang tăng trưởng rất tốt”, bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chất lượng tăng trưởng của năm 2015 đã được khẳng định qua những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, không phải chỉ phụ thuộc vào yếu tố giá.
Theo đó, ông Lâm nhận định, yếu tố giá chỉ là một yếu tố kích thích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và bán được nhiều sản phẩm để thu lợi. Một yếu tố khác để kích thích các nhà sản xuất mở rộng quy mô là sức mua của nền kinh tế. Giá thấp nên thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng, chi tiêu của người dân sẽ tăng lên làm tăng tổng cầu kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Dự báo về chỉ số CPI năm 2016, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, các yếu tố giá có thể tăng đến từ sự điều chỉnh một số nhóm hàng thiết yếu như giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, giá điện cũng có khả năng tăng, lương cơ bản tăng với mức tăng khoảng 5%. Tuy vậy, giá dầu thô và mặt hàng nông sản có khả năng tiếp tục giảm.
“CPI ở mức cao thường duy trì dài hơn CPI ở mức thấp. Nhiều khả năng CPI năm 2016 sẽ tăng cao trên mức dự báo 5%”, bà Thủy kết luận.
Theo Tuyết Nhung/Bizlive.vn