Chị Lê Thị Hằng đang tìm kiếm địa điểm để mở thêm hai cửa hàng tiện lợi nữa ở Hà Nội. Dù mới chỉ hoạt động được 1 năm, cửa hàng của chị đang chứng kiến doanh thu tăng lên khá mạnh.
“Tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này”, chị Hằng hi vọng với kế hoạch mở rộng doanh thu sẽ tăng lên gấp rưỡi. Những mặt hàng như mì ăn liền, nước mắm, đường, bánh mì và sữa đang bán rất chạy, chị nói.
Trong khi những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang suy giảm, theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng vững chắc ở mức 7% trong năm 2016 sẽ giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Lực cầu nội địa tăng trưởng tốt và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ đang giúp Việt Nam chống chọi được với các rủi ro đến từ kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu chính thức, năm 2015 tiêu dùng của khu vực tư nhân tăng trưởng 9,3%. Lượng vốn FDI giải tăng 17,4%, lên mức cao kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Bloomberg dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh thứ hai thế giới
Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm. Trao đổi với Bloomberg, Trinh Nguyen - chuyên gia cao cấp nghiên cứu về châu Á tại ngân hàng Natixis – nhận định trong môi trường toàn cầu khá khó khăn như hiện nay, lực cầu nội địa chính là “vua”. Theo ông, người dân Việt Nam đang ngày càng lạc quan hơn về tương lai và do đó kinh tế Việt Nam sẽ vượt trội cả ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Kết quả khảo sát của Bloomberg cho thấy các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, bằng với tốc độ của năm 2015.
Đồng quan điểm với Bloomberg, trong báo cáo được công bố hồi đầu tháng, nhóm chuyên gia kinh tế dẫn đầu bởi Eugenia Victorino của ngân hàng ANZ cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm “tỏa sáng”. “Trong 2 năm 2016 và 2017, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.
Bà cũng đánh giá cao các nỗ lực điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn của Ngân hàng Nhà nước. “Điều này sẽ giúp củng cố sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối”, bà nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam sẽ bị cản đường nếu như thâm hụt thương mại tăng lên do kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng quá mạnh.
Trên con đường tăng trưởng, Việt Nam cũng phải tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là tình trạng tín dụng tăng trưởng quá nóng khiến các ngân hàng ngập trong nợ xấu hay tình trạng doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả dù được hưởng nhiều ưu đãi.