Cụ thể, lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng 2015 tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/5/2015 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.
Đánh giá tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm 2015, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các hạn chế, khó khăn như sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế -xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được khi tình hình thế giới còn khó khăn, diễn biến khó lường mà cần tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu năm 2015 đã trình Trung ương, Quốc hội.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và theo tín hiệu thị trường.
Các bộ ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách; phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự phục hồi vững chắc của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Bộ Công Thương nghiên cứu đánh giá tình hình xuất khẩu suy giảm của khu vực kinh tế trong nước để kịp thời có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch - một ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập Quỹ phát triển du lịch.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
“Cổ phần hóa không phải là lấy tiền về cho ngân sách Nhà nước mà quan trọng là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Tài chính