Kinh doanh trên mạng xã hội: Người ảo, hàng ảo, quản sao?

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 47 ngày 5/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử, có hiệu lực thi hành từ 20/1/2015. Do đối tượng chịu điều chỉnh của thông tư bao gồm cả các thương nhân bán hàng qua mạng xã hội, nên lập tức đã có nhiều ý kiến khẳng định thông tư khó khả thi khi đi vào áp dụng thực sự

Kinh doanh trên mạng xã hội: Người ảo, hàng ảo, quản sao?

Nền tảng công nghệ thông tin chính là nền tảng của quản lý thương mại điện tử. Nguồn: internet

Theo Luật sư Trương Thanh Đức thuộc Công ty Luật Basico, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội hiện phát triển và dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau, với đối tượng tham gia kinh doanh có thể là cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có hoặc chưa có đăng ký kinh doanh, đặc biệt có tỷ lệ khá lớn là những cá nhân kinh doanh với quy mô nhỏ, chỉ dùng đến mạng xã hội làm phương tiện quảng cáo và kinh doanh sản phẩm.

Quy định nên có 

Do đặc trưng này mà yêu cầu quản lý do Thông tư 47 đưa ra trở thành khó khả thi. Vì hiện không có khái niệm kinh doanh trên mạng xã hội. Đồng thời, theo luật sư Đức, với những cá nhân bán hàng với quy mô nhỏ, tranh thủ làm thêm thì không cần thiết phải quản lý. Và theo quy định thuế, thì các hộ kinh doanh doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không cần đóng thuế.

Tuy nhiên, quản lý, theo dõi mọi hoạt động mua bán là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Nhiệm vụ ấy cũng không chỉ là quản lý thuế, mà còn bao gồm việc theo dõi nguồn gốc hàng hóa, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tập hợp các căn cứ xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Do đó, dù có thể khái niệm kinh doanh trên mạng xã hội chưa chính thức được ghi nhận tại các văn bản quản lý, thì vẫn cần có phương tiện, công cụ để theo dõi và nếu có thể thì quản lý loại hình kinh doanh này. Đó là mục đích chính khi ban hành Thông tư 47 của Bộ Công thương.

Quảng cáo

Chẳng hạn với những cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội quy mô nhỏ, bán thời gian, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức là không thuộc diện bắt buộc đóng thuế. Đây là hình thức kinh doanh hiện rất phổ biến trong giới nhân viên văn phòng, với các hàng hóa đa dạng từ thực phẩm đặc sản vùng miền, cho tới các sản phẩm cao cấp như mỹ phẩm, điện thoại, đồng hồ, máy tính… Hiện mua bán theo phương thức này đầy rủi ro với người mua, do không có cách nào “cột” được trách nhiệm người bán. Không yêu cầu bảo hành được, cũng không chắc chắn được nhận hàng hóa đúng với quảng cáo tại trang bán hàng… Do vậy, dù ít hay nhiều, thì thông tư 47 sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua việc yêu cầu người bán hàng qua mạng phải phần nào công khai danh tính và chịu trách nhiệm với hàng hóa do họ bán ra.

Ở góc độ quản lý, hiện chưa có thống kê hay nghiên cứu cụ thể, nhưng đến nay không có công cụ pháp lý để kiểm tra nguồn gốc hàng hóa được chào bán trên mạng. Vì thế cũng có thể nhận xét rằng, bán hàng qua mạng hoàn toàn có thể biến tướng trở thành khu vực màu mỡ cho hàng hóa nhập lậu, trộm cắp, không rõ nguồn gốc… Từ đây sẽ thấy, yêu cầu quản lý hàng hóa bán qua mạng là bắt buộc phải thực hiện, và chỉ có thể quản lý được thông qua quản lý thông tin người bán.

Có khó quản?

Về lý thuyết, hiện hoạt động thương mại, mua bán tại Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua giao dịch tiền mặt. Thực tế này là nguyên nhân lớn nhất gây khó cho cơ quan quản lý, ngay cả để quản lý những hoạt động kinh doanh không sử dụng mạng xã hội. Vài năm gần đây Nhà nước đã yêu cầu bắt buộc các giao dịch giá trị trên 50.000 đồng phải có hóa đơn giá trị gia tăng, giao dịch trên 20 triệu đồng phải thực hiện chuyển tiền qua ngân hàng. Mục tiêu là để gia tăng hiệu quả quản lý thuế trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, việc quản lý này mới thực hiện tương đối trong khu vực những doanh nghiệp, thương nhân có đăng ký kinh doanh, mã số thuế và tài khoản ngân hàng. Mà vẫn chưa “với” được tới đối tượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc các đối tượng kinh doanh bán thời gian… Hi vọng đặt vào việc ban hành thông tư 47 chính là để có công cụ quản lý những thành phần tham gia kinh doanh này. Và quản lý được là không hề khó.

Vì thực tế, do đặc trưng bán hàng qua mạng thường sử dụng hoạt động chuyển tiền điện tử. Theo một nhân viên văn phòng có mở gian bán hàng “xách tay” từ Hàn Quốc, có đến 70% giao dịch mua bán của nhân viên này thực hiện theo hình thức người mua chuyển tiền vào tài khoản người bán, sau đó mới nhận hàng qua chuyển phát nhanh. Như vậy, phương thức quản lý “tài nguyên” thông tin người bán hàng là không khó thực hiện, vì tương đối giống thông tin đăng ký mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Mặt khác, để thông tư 47 có thể thành hiện thực, thì cũng bắt buộc phải “liên thông” được thông tin người bán hàng với thông tin đăng ký mở tài khoản, vì đây là cơ sở để xác định các tính chất giao dịch giữa người mua và người bán. Và cũng là cơ sở xác định nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa, từ đó là trách nhiệm của người bán với hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Tất nhiên, hiện tài nguyên mã số thuế cá nhân, tài khoản cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ chưa lớn trong quy mô dân số. Nhưng thực tế, các chương trình quản lý của chính phủ và các ngành chức năng trong những năm gần đây đang được đầu tư và hướng rất mạnh theo mô hình chính phủ điện từ, số hóa thông tin công dân. Mà đây cũng chính là cơ sở để thực hiện quản lý được các cá nhân tham gia và quản lý các giao dịch thương mại qua mạng xã hội. Có nghĩa là thông tư 47 có cơ hội khai thác được lợi thế đầu tư của chính phủ và các cơ quan chức năng. Mặt khác, thực tế tại các nước cho thấy, trình độ phát triển càng cao thì thông tin hạ tầng xã hội, kinh doanh, thương mại càng được số hóa mạnh mẽ. Nói cách khác, nền tảng công nghệ thông tin chính là nền tảng của quản lý xã hội, trong đó có quản lý thương mại điện tử, đó là xu thế và thuận lợi, chứ không hề là hạn chế.

Trần Duy - thoibakinhdoanh.vn

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/