Sáng ngày 02/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do: Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics".
Diễn đàn có sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng số hơn 2.000 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến.
Việt Nam – một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hoá tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), cùng 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của ngành dịch vụ logistics thế giới; quy mô thị trường dịch vụ logistic Việt Nam khoảng 40-42 tỷ USD, tương đương 10% GDP và 5% kim ngạch xuất nhập khẩu, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới). Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 trong khu vực về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua. Ngoài ra, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
“Tiếp nối thành công của các năm trước, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các Khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết thêm, bởi, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại.
Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài. Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt (trong đó có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do) nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, mà còn quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, đồng thời đề nghị tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, các đại biểu từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, hãy tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan); rút ra các bài học kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics ở nước ta thời gian qua, cũng như nhận diện những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; từ đó, hiến kế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics phát huy nội lực, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đón đầu các xu hướng, chính sách thành lập các Khu thương mại tự do tại Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách đủ mạnh, khả thi để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các Khu thương mại tự do, tạo động lực đột phá mới thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
3 mục tiêu, 7 giải pháp phát triển ngành logistics
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn với quyết tâm cao, tinh thần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ. Báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến tham luận trình bày tại Diễn đàn đã đánh giá đầy đủ, khá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia giai đoạn 2017-2023; chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, bao gồm: (i) Giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; (ii) Nâng tỷ trọng thị trường ngành logistics Việt Nam trong GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%; đồng thời nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; (iii) Nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-16%/ năm hiện nay lên 20%/năm.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh 7 giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam, gồm: (i) Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới; (ii) Tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để thúc đẩy phát triển Ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá"; (iii) Xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao; (iv) Xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; (v) Đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa; (vi) Xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; (vii) Kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, thay mặt ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cảm ơn những ý kiến, kiến nghị xác đáng của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế và hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học tại Diễn đàn. Sau Hội nghị này, với vai trò là Cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những nút thắt, vướng mắc, bất cập liên quan đến ngành dịch vụ logistics (nhất là trong công tác sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi) để ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đã tặng hoa và bằng khen cho 14 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam năm 2024./.