Trong khuôn khổ của Hội chợ thương mại Quốc tế - VIETNAM EXPO 2025, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Khu gian hàng "Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam - Invest in Vietnam”. Gian hàng không chỉ cung cấp các thông tin cập nhật về môi trường đầu tư tại Việt Nam mà còn giới thiệu tới các nhà đầu tư quốc tế những ngành công nghiệp trọng điểm thu hút đầu tư gắn liền với các điểm đến đầu tư là các địa phương tiêu biểu.
Năm 2025 là năm thứ 34 tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam (VIETNAM EXPO) diễn ra từ ngày 02-05/4/2025 tại Hà Nội. Trải qua hơn 34 năm, VIETNAM EXPO đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư có quy mô lớn nhất và ý nghĩa quan trọng đối với ngành Công Thương Việt Nam, đã tạo dựng được “tiếng vang” tới cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và đông đảo các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Khu gian hàng “Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” có vị trí A168 tại khu mặt tiền của Nhà A1 của Hội chợ, diện tích 8 gian hàng tiêu chuẩn (72m2) nằm ở vị trí Trung tâm Hội chợ VIETNAM EXPO 2025 do Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đóng vai trò quan trọng trong công tác Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, trở thành điểm nhấn quan trọng của Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO. Khu gian hàng không chỉ cung cấp các thông tin cập nhật về môi trường đầu tư tại Việt Nam mà còn giới thiệu tới các nhà đầu tư quốc tế những ngành công nghiệp trọng điểm thu hút đầu tư gắn liền với các điểm đến đầu tư là các địa phương tiêu biểu.
Tại đây, 08 điểm đến trong thu hút đầu tư chuyên sâu sẽ được giới thiệu gồm: tỉnh Sơn La, Khánh Hoà, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, CCN Bắc Lâm Thao và Ban Korea Desk.
Sơn La có diện tích trên 14.000 km, dân số trên 1,3 triệu người có đường biên giới giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang nước VHDCND Lào. Với lợi thế về địa hình và khí hậu đa dạng, tỉnh Sơn La tập trung phát triển các ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với công nghiệp chế biến. Tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu nông - lâm sản, dược liệu và các loại cây ăn quả ôn đới như mận, đào, chè shan tuyết đặc sản, đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Những sản phẩm này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản Sơn La trên trường quốc tế. Sơn La đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Bên cạnh nông nghiệp, Sơn La cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Việc thu hút các nhà máy chế biến nông sản, cơ sở bảo quản và đóng gói hiện đại sẽ giúp tỉnh gia tăng giá trị chuỗi cung ứng, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh cũng thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển các khu du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và mở rộng các dự án năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo và điện sinh khối. Đây đều là những lĩnh vực đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác và đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và triển khai các chính sách ưu đãi vượt trội, bao gồm hỗ trợ về thuế, đất đai và thủ tục hành chính. Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp tiêu biểu đã đầu tư tại Sơn La gồm: Công ty Satoen Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Nafoods Tây Bắc, Tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng và Tập đoàn TH. Với những tiềm năng và định hướng rõ ràng, Sơn La là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn đồng hành phát triển bền vững và lâu dài.
Khánh Hòa sở hữu vị trí chiến lược tại miền Trung với vị trí là cửa ngõ, trung tâm kết nối giao thương quốc tế với hệ thống giao thông hiện đại. Sân bay quốc tế Cam Ranh nằm trong top 4 cảng hàng không bận rộn nhất Việt Nam, cảng biển quốc tế Cam Ranh có thể tiếp nhận tàu 110.000 DWT, cùng tuyến đường sắt Bắc – Nam và hệ thống đường cao tốc đồng bộ. Dự kiến đến năm 2030, sân bay quốc tế Vân Phong sẽ đi vào hoạt động, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với hạ tầng phát triển toàn diện, Khánh Hòa mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào logistics, công nghiệp chế biến và sản xuất công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 09 Cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích là 362,64 ha, 01 CCN đang triển khai thủ tục xin thành lập CCN, 04 CCN chưa thành lập với tổng diện tích 156,81 ha.
Khánh Hòa còn được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Đây là khu vực có chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và phát triển đô thị thông minh. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FPT, Sumitomo Corporation và HD Hyundai Mipo đã chọn Khánh Hòa làm điểm đến chiến lược cho các dự án quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước với hơn 385 km, cùng ba vịnh biển lớn gồm Vân Phong, Cam Ranh và Nha Trang – những địa danh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về kinh tế biển. Đây là lợi thế quan trọng để thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch biển, khai thác thủy sản, vận tải biển và năng lượng tái tạo. Với hệ thống hơn 1.180 cơ sở lưu trú, trong đó 40% là khách sạn 4-5 sao thuộc các thương hiệu quốc tế như InterContinental, Six Senses, Radisson, Khánh Hòa là điểm đến lý tưởng cho đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Với sự cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư và chính sách ưu đãi vượt trội, Khánh Hòa sẵn sàng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiền Giang nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km và thành phố Cần Thơ khoảng 100 km. Với vị trí chiến lược, tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nam Bộ qua các tuyến đường huyết mạch như cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, quốc lộ 1A, quốc lộ 50 và quốc lộ 60. Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, logistics và giao thương quốc tế.
Tiền Giang có thế mạnh về nông nghiệp với các vùng chuyên canh lớn như thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Cai Lậy và xoài cát Hòa Lộc. Đây là nền tảng để phát triển công nghiệp chế biến nông – thủy sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại Cái Bè, Thới Sơn thu hút đông đảo du khách, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ của tỉnh.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Tiền Giang đã đạt nhiều thành công với chính sách cởi mở và các ưu đãi hấp dẫn. Tỉnh hiện có các khu công nghiệp lớn như KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương và KCN Long Giang, thu hút nhiều dự án FDI trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm và linh kiện điện tử. Đặc biệt, KCN Long Giang là điểm sáng với tỷ lệ lấp đầy cao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa của tỉnh.
Với môi trường đầu tư minh bạch, chính sách ưu đãi hấp dẫn và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Tiền Giang đang khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới phát triển kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Với vị trí chiến lược thuận lợi, TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các khu vực kinh tế như miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Thành phố Hồ Chí Minh duy trì vị thế là động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì vai trò đầu tàu tăng trưởng, đóng góp khoảng 17% GDP cả nước và trên 1/4 tổng thu ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Thành phố định hướng thu hút FDI tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả tích cực, kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cụ thể, về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, Thành phố ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin; tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch... Về đối tác, Thành phố tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam, cũng như tích cực mời gọi các Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) bình chọn.
Với sự hỗ trợ của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố sẽ có cơ hội xây dựng các cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa... và triển khai các chính sách phát triển bền vững. TP.HCM tin tưởng rằng với những cơ chế này, thành phố sẽ tạo ra những bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và ghi dấu những thành tựu mới trong thời gian tới.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, giữ vai trò trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vị trí chiến lược nằm trên trục giao thương quan trọng. Thành phố kết nối thuận lợi với TP.HCM và các tỉnh trong vùng thông qua các tuyến đường huyết mạch như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ và sắp tới là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển logistics, thương mại và giao thương quốc tế. Là trung tâm tài chính, thương mại, giáo dục và y tế của vùng, Cần Thơ chú trọng phát triển các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics và du lịch sinh thái. Thành phố có các khu công nghiệp lớn đang hoạt động như KCN Trà Nóc 1, KCN Trà Nóc 2, KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2 và KCN Thốt Nốt, thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước. Đặc biệt, dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với diện tích 250 ha sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Cần Thơ được đánh giá cao với môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách ưu đãi hấp dẫn và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu đăng ký đến triển khai dự án. Theo Nghị quyết số 45/2022/QH15, Cần Thơ được thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, logistics và thương mại quốc tế.
Với định hướng trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa Tây Đô, Cần Thơ đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò quan trọng trong kết nối nội vùng và hội nhập quốc tế.
Kiên Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh có vị trí chiến lược và điều kiện tự nhiên đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch. Tỉnh sở hữu lợi thế nổi bật về nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo và phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Thành phố Phú Quốc – trung tâm kinh tế biển và du lịch cao cấp, là điểm đến quan trọng thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Các tập đoàn hàng đầu như Vingroup, Sun Group, BIM Group, Mik Group và CEO Group đã chọn Kiên Giang làm nơi triển khai các dự án chiến lược cấp quốc gia.
Hiện nay, Kiên Giang tập trung mời gọi đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nhà máy chế biến như KCN Thạnh Lộc, KCN Thuận Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Cụm Công nghiệp Rạch Giá, Kiên Giang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, logistics và phát triển hạ tầng cảng biển. Với chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng, Tỉnh Kiên Giang cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, Đặt biệt, tập trung nguồn lực tăng cường tiếp cận, trao đổi, chia sẻ, tiến tới hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế lớn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “tiến kịp, đi cùng và vượt lên”.
Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao nằm tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, sở hữu vị trí chiến lược với hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với Hà Nội, Hải Phòng và các cửa khẩu biên giới. CCN tiếp giáp Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến đường sắt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển và mở rộng thị trường. Với tổng diện tích được quy hoạch bài bản, CCN Bắc Lâm Thao được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hệ thống giao thông nội bộ rộng rãi, nguồn điện ổn định, nước sạch dồi dào và hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Cụm công nghiệp ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến và sản xuất phụ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và thủ tục hành chính đơn giản, CCN Bắc Lâm Thao hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ban Korea Desk được thành lập dựa trên Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA). Ban Korea Desk là đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong quá trình hoạt động, Ban Korea Desk đã đóng vai trò tích cực trong việc cập nhật và cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, cũng như giới thiệu các cơ hội hợp tác tại Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc. Đồng thời, Ban phối hợp với KOTRA phát hành bản tin tiếng Hàn định kỳ hàng tháng, gửi tới hàng nghìn nhà đầu tư Hàn Quốc, giới thiệu thông tin chi tiết về các địa phương tiềm năng nhằm thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ban Korea Desk tổ chức các chương trình tư vấn đầu tư trực tiếp tại các địa phương, đồng thời chủ trì các hội thảo và tọa đàm chính sách chuyên sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc đối thoại trực tiếp với cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, logistics, công nghiệp thực phẩm và khởi nghiệp.
Ngoài ra, Ban cũng tích cực kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua các hội thảo trực tuyến và sự kiện xúc tiến đầu tư được tổ chức tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Song song với đó, Ban Korea Desk tham gia biên soạn các báo cáo chuyên ngành phục vụ công tác xúc tiến, đồng thời tư vấn, hỗ trợ các khu công nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và kết nối hiệu quả với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Với vai trò là cầu nối tin cậy, Ban Korea Desk đã và đang góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đồng hành cùng sự phát triển chung của doanh nghiệp hai nước.
Việc xây dựng khu gian hàng “INVEST IN VIETNAM” là hoạt động thiết thực nhằm xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Đây là lần thứ chín Khu gian hàng “INVEST IN VIETNAM” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đến với Vietnam Expo, số lượng khách đến tham quan và làm việc tại Khu gian hàng không chỉ tăng lên về số lượng mà chất lượng của các buổi giao dịch trực tiếp tại gian hàng cũng được đầu tư kỹ lưỡng.
Với thiết kế ấn tượng, dàn dựng công phu, cùng sự tham gia tích cực của các địa phương, khu công nghiệp, Khu gian hàng “Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” đã nhận được sự đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, các Đại sứ quán, lãnh đạo của các địa phương cũng như thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Khu gian hàng “Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” nói riêng, Hội chợ VIETNAM EXPO nói chung đã trở thành cầu nối quan trọng trong xúc tiến thương mại - đầu tư vào Việt Nam.