Theo đó, KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã tham gia công tác quy hoạch Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (được giải thưởng danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ), Khu đô thị Bắc Hà Nội, Quy hoạch Đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc),...
Và gần đây nhất, dự án Khu đô thị Phú Mỹ An (Thừa Thiên - Huế) do Công ty NgoViet Architects & Planners (NVD Co.Ltd) của KTS.Ngô Viết Nam quy hoạch, thiết kế theo tiêu chuẩn xanh cũng đã được phê duyệt và hiện đang triển khai xây dựng.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Berkeley (California, Mỹ), KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã có khoảng 4 năm (1997 - 2001) làm việc tại Công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM, Mỹ), một trong những công ty hàng đầu thế giới về kiến trúc, quy hoạch đô thị, thiết kế nội thất, đồng thời là công ty triển khai các phần việc chi tiết của dự án Khu đô thị mới Nam Sài Gòn sau khi đoạt giải cao nhất trong cuộc thi thiết kế khu đô thị này...
Rời SOM, trong khoảng thời gian từ 2001 - 2005, KTS. Ngô Viết Nam Sơn tham gia học tiến sĩ và làm thỉnh giảng tại Đại học Washington (Mỹ), đây là công việc mà hiện nay ông vẫn còn theo đuổi, dù không thường xuyên như trước.
Dù lịch làm việc dày đặc và di chuyển khá nhiều nơi nhưng KTS. Ngô Viết Nam Sơn vẫn dành thời gian để đóng góp kinh nghiệm làm việc quốc tế cho công tác quy hoạch ở Việt Nam thông qua những bài phân tích, đối chiếu mang tính thực tiễn cao.
Chẳng hạn, về quy hoạch các khu đô thị biển, hiện nay đang có dấu hiệu "mạnh ai nấy làm", ông cho rằng, việc tổ chức các đô thị này cần có những chính sách chung tạo chuẩn mực về chất lượng cho toàn quốc, lẫn chính sách riêng phù hợp cho điều kiện thực tế của từng địa phương.
Trong đó, chính sách chung phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường xanh và sạch của khu vực biển trước các nguy cơ về rác thải và ô nhiễm từ các khu đô thị và dự án phát triển hay tính đến nguy cơ nước biển dâng do biến động khí hậu, song song đó là bảo vệ sự cân bằng sinh thái biển cũng như sự sinh tồn của các sinh vật biển đa dạng.
Còn chính sách riêng, có thể kể đến như trường hợp Vịnh Hạ Long, tầm nhìn ra vịnh di sản thế giới là vốn quý nhất của đô thị biển, do đó cần có chính sách không cấp phép cho các công trình xây sát biển và án ngữ tầm nhìn thoáng ra vịnh hoặc tạo ra tranh chấp về quy mô với các hòn đảo lớn nhỏ...
Là người có tư tưởng phóng khoáng và phong thái khiêm tốn, hậu duệ nhà Ngô Viết bày tỏ quan điểm rằng, mọi thứ trong cuộc sống đều có tính hai mặt, ở đâu cũng có điều hay để học hỏi, quan trọng là mình phải biết chắt lọc, nhưng quê hương thì chỉ có một.
Hơn nữa, ngày ba ông còn sống vẫn dặn đi dặn lại đứa con trai duy nhất trong số 8 người con theo nghiệp kiến trúc rằng, đi đâu thì đi nhưng phải trở về quê hương và nhất định phải có đóng góp một điều gì đó cho xứng đáng, đàn ông phải có chí hướng rõ ràng.
Có thể đó là lý do mà vị kiến trúc sư tài hoa nhà Ngô Viết vẫn miệt mài theo đuổi khao khát tham gia tạo dựng nên nhiều khu đô thị mới, hiện đại cho Việt Nam nhưng không đánh mất những công trình mang dấu ấn của thời gian, không bị tình trạng "bê tông hóa" hay những thành phố vắng bóng cây xanh.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, hiện nay, tuy chưa phải về Việt Nam ở hẳn nhưng nếu so với cách đây 5 năm, ông đã dành phần lớn quỹ thời gian cho các dự án ở quê hương, ông gần như đi khắp Bắc - Trung - Nam, bắt tay quy hoạch, thiết kế nhiều dự án có quy mô lớn như dự án Bệnh viện quốc tế Đà Nẵng hay sắp tới có thể là quy hoạch đảo Lý Sơn.
Theo doanhnhansaigon.vn