Sau hơn 80 năm nô lệ, chịu cảnh lầm than, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã thỏa nguyện ý chí độc lập, tự do. Toàn dân tộc hân hoan chào đón thành quả Cách mạng Tháng Tám với niềm hy vọng sẽ có cuộc sống hòa bình để dựng xây đất nước. Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (23/9/1945), mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Trước nguy cơ thành quả cách mạng bị quân thù tước đoạt, toàn thể dân tộc Việt Nam thể hiện ý chí: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ đã thay mặt toàn thể nhân dân nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình để bảo vệ nền độc lập, tự do. Người luôn bày tỏ thiện chí, sẵn sàng đàm phán với phía Pháp để giải quyết các vấn đề quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng những quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam và những quyền lợi hợp lý của nước Pháp về kinh tế, văn hóa với mục đích tránh một cuộc chiến tranh, “mang lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam”. Tiếc thay, phía Pháp đã “khước từ” nguyện vọng tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, nung nấu ý đồ “khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”
Tuy vậy, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đàm phán, việc ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và sau đó là bản Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) đã thể hiện điều đó và mong muốn khai thác những điều khoản được quy định trong hai văn kiện có tính chất pháp lý quốc tế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam để ngăn chặn và đẩy lùi chiến tranh, tạo thêm thời gian, chuẩn bị đối phó với khả năng Pháp gây chiến tranh quy mô lớn.
Khi chúng ta nỗ lực tiến hành các hoạt động vì một nền hòa bình thì phía Pháp làm những điều ngược lại, liên tiếp vi phạm các thỏa thuận bằng những việc đã rồi như: Lập “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”, đánh chiếm Tây Nguyên để lập “xứ Tây Kỳ tự trị”, âm mưu tổ chức đảo chính, đơn phương tổ chức phòng thuế và kiểm soát ngoại thương ở Hải Phòng và cuối cùng là đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn (20/11/1946) hòng bịt đường giao lưu của ta với nước ngoài cả trên bộ và trên biển.
Trước tình hình căng thẳng do phía Pháp gây nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì gửi thư cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Pháp Bi-đôn (Bidault), Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ (D’Argenlieu), cho ông Mô-pha (Moffard), Giám đốc Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và cho nhân dân Pháp. Nội dung chủ yếu vẫn là biểu hiện thiện chí muốn cùng phía Pháp tìm một giải pháp thỏa đáng để cứu vãn tình thế. Ngày 13/12/1946, trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Pa-ri - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng”. Hoạt động thực tế của Người thời gian này càng chứng tỏ sự cố gắng tìm kiếm những khả năng hòa hoãn dù nhỏ nhất.
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế, từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946, đã tám lần Người gửi thông điệp, thư, điện và công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu những phát triển đất nước, tố cáo Pháp trở lại xâm lược, vi phạm các nguyên tắc nêu lên trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên hợp quốc; đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam...
Ngày 16/2/1946, trong thư gửi Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man (Truman), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền dân chủ vĩ đại. Liên hiệp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến” .
Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp đã không “đếm xỉa” đến nguyện vọng chân thành, hợp tác, hòa bình của nhân dân ta. Ngày 18/12/1946, họ gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ và quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội. Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình đã không mang lại kết quả, tiếp tục nhân nhượng là phạm đến độc lập, chủ quyền đất nước. Để bảo vệ thành quả cách mạng, để sớm tạo thế và lực cho cuộc chiến đấu chắc chắn phải kéo dài, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho toàn dân bước vào cuộc kháng chiến. Ngày 19/12/1946, trong lời hịch kêu gọi non sông, Người khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”.
Như vậy, khoảng thời gian 9 tháng kể từ khi ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đến ngày Toàn quốc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam ra sức kiềm chế nhằm tìm giải pháp hòa bình, tránh cho hai bên khỏi một cuộc chiến.
Kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta với đường lối ngoại giao khéo léo, linh hoạt, sáng tạo đã thực hiện thành công chủ trương “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Đồng thời, Đảng chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì mục đích hòa bình. Đó là sự kế tục và vận dụng những kinh nghiệm của quá trình đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám và xuất phát từ thực tiễn phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo qdnd.vn