
Lạc vào xứ cát
Tạm biệt Jaipur - thành phố màu hồng, chúng tôi bắt chuyến tàu đêm đến với xứ cát huyền bí. Tôi dần mường tượng về mảnh đất tôi sắp tới - thành phố Jaisalmer ở bang Rajasthan của Ấn Độ, cách Jaipur 575km về phía Tây, gần biên giới với Pakistan. Thành phố nằm ở trung tâm của sa mạc Thar, trên sườn núi đá sa thạch màu vàng với một pháo đài và các cung điện ở trên đỉnh núi. Jaisalmer là quê hương của Rajputs - một bộ tộc của các chiến binh và thương nhân, trong nhiều thế kỷ phồn thịnh bởi những dòng người qua lại buôn bán hàng hóa giữa Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ, hẳn đây từng là một vùng đất giàu có và sung túc.
Đặt chân xuống nhà ga Jaisalmer, bắt xe tuktuk đi thêm khoảng hơn 1km để đến pháo đài, lượn qua các con phố, chúng tôi choáng ngợp với sắc vàng lung linh - màu vàng của đá sa thạch, của sơn, của những tia nắng mặt trời hiện trên những công trình kiến trúc, những ngôi nhà.

Nhà ga Jaisalmer - nơi bắt đầu hành trình của chúng tôi

Chúng tôi ăn trưa ngay trong nhà nghỉ Surya. Cách trang trí trong phòng ăn ở đây gợi nhớ đến thành phố của xứ sở câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, thanh bình nhưng rực rỡ với đầy những điều bí ẩn. Phòng ăn là một vị trí lý tưởng để ngắm toàn bộ thành phố vàng rực trong nắng. Tuy đã gọi những món ăn Ấn như Thali, cơm rang cà ri, … nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác thiêu thiếu một điều gì. Cả đoàn bắt đầu thấy nhớ nhà nên đã thương lượng với đầu bếp để được nấu món ăn quê hương – món canh trứng. Hương vị của nó lúc này thật tuyệt, thứ “gia vị” làm chúng tôi nguôi ngoai cảm giác xa quê. Chia sẻ với người quản lý nhà nghỉ đang tò mò theo dõi chúng tôi và đôi bạn “tây” trẻ đang nhâm nhi các món thali, họ có vẻ hào hứng với hương vị món mới và tấm tắc khen.
Đặt tour đi cắm trại trên sa mạc ngay tại nhà nghỉ, chúng tôi háo hức xuất phát ngay trong buổi chiều. Sa mạc Thar hay còn gọi là sa mạc đại Ấn Độ là một khu vực khô cằn rộng lớn tại phần tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, tạo thành một đường ranh giới tự nhiên chạy dọc đường biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Với diện tích trên 200.000 km2 đây là sa mạc cận nhiệt đới lớn thứ 18 trên thế giới.
Từ Jaisalmer, chúng tôi đi khoảng 40km là đến sa mạc Thar. Một giờ cưỡi lạc đà, lắc lư trên lưng, vắt vẻo nhìn chiều dần buông, những cơn gió cát ào đến đám du khách, rít khe khẽ từng hồi. Không chỉ có lạc đà, nhiều dân địa phương cũng mang nước khoáng và nước ngọt có ga để bán với giá cả chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với trong thành phố.

Toàn bộ khu phố được nhuộm vàng trong nắng sa mạc
Khi hoàng hôn xuống dần trong những luồng gió cát, đoàn lạc đà đưa chúng tôi đi tiếp đến khu cắm trại. Những túp lều được dựng trên nền xi măng giăng bằng bạt có thiết kế khá chắc chắn, có hành lang, cửa chính, cửa sổ, cả phòng vệ sinh. Hai dãy lều bên trái và phải được đánh số. Chúng tôi vội nhận phòng, rồi tò mò hướng về người đàn ông đang đánh trống và cô gái mặc trang phục sa mạc đang chào đón khách trước con đường nhỏ với hai hàng Trúc đào (Nerium oleander) dẫn lối vào khu trung tâm – sân khấu đêm nay sẽ tổ chức tiệc buffer những đồ ăn Ấn và xem múa, ca nhạc. Cô gái bê một cái âu chứa bột màu vàng nâu, thấy tôi đến, cô nhẹ nhàng chấm thứ bột màu vàng đó vào chính giữa trán giống như khi chúng tôi vào các khu đền và được chúc may mắn.

Cưỡi lạc đà vượt sa mạc giữa ánh hoàng hôn là trải nghiệm thú vị cho mỗi ai đến Thar
Tôi lan man đi chân trần trên nền cát mịn khám phá quanh khu trại, rồi tiếng nhạc bắt đầu nổi lên, những tiếng rối rít gọi nhau dự tiệc đêm. Du khách sẽ được phục vụ cốc Chai (là loại đồ uống chế từ cà phê, sữa tươi và quế) nhâm nhi cùng một món bánh, vừa nghe ca nhạc. Tiệc buffer gồm những món thali của Ấn, mùi cà-ri nồng nhưng ăn khá ngon, nước uống với vị lờ lợ của xứ cát. Chương trình văn nghệ được biểu diễn bởi những tay chơi nhạc cụ truyền thống cùng giọng hát trầm bổng, những vũ công nhảy những điệu múa bốc lửa đúng chất dân du mục trên sa mạc. Xen lẫn vào đó là tiết mục múa kết hợp xiếc như vừa múa trong khi xếp rất nhiều bình trên đầu, hay uốn dẻo để cắp một vật nào đó ở phía sau,…
Điện được lấy từ máy phát nên không được ổn định, cứ sáng đèn được một lúc lại tắt, khi tiếng máy nổ vang lên là ánh sáng lại trở về với khu trại. Những điệu nhạc lại tiếp tục, sau cùng, cả khu trại nhộn nhịp trong điệu nhảy giao lưu giữa những vũ công với du khách, mỗi người một điệu nhảy nhưng lại cùng nhau nhịp nụ cười.

Thali - món ăn đặc trưng của Ấn Độ
Chúng tôi lên xe về lại thành phố vào sáng sớm hôm sau, chiếc xe Jeep lướt vèo qua sa mạc, cựa mình tung cát trong ánh bình minh. Ngoài thành phố lớn cuối cùng là Jaisalmer, sa mạc trải dài đến tận chân trời, rải rác với các khu định cư nhỏ, những ngôi nhà thấp bé xây bằng đá sa thạch hay những túp lều xây tròn với mái nhọn, lác đác vài đàn gia súc cần mẫn kiếm ăn trên những thảm cỏ lưa thưa.
Đoá hồng sa mạc
Trở lại thành phố, giờ chúng tôi mới có thời gian để nhìn ngắm Jaisalmer kỹ hơn, sợ rằng nó sẽ mất đi cùng với thời gian. Ngày nay, pháo đài Jaisalmer đang đối mặt với những nguy cơ xuống cấp do nó được xây dựng trên một chân đồi đá trầm tích yếu.

Vũ công của sa mạc
Chúng tôi lang thang và nếm thử món lassi béo ngậy được làm từ sữa dê và các loại hoa quả. Lassi shop có cả tour đi sa mạc, anh chủ quán nhiệt tình giới thiệu các tour với giá cả hợp lý, chỉ bằng 2/3 so với đặt tour qua nhà nghỉ. Như vậy, các tay quản lý hay chủ nhà nghỉ đã kiếm được những món hời qua việc môi giới các tour với khách đến nghỉ. Điều này đáng lưu tâm để bạn có chi phí hợp lý hơn cho việc đặt tour khi khám phá sa mạc.

Khu chợ nhỏ với nhiều sản vật địa phương
Ngoài đồ da, du khách có thể tìm mua những tấm chăn ga, thảm thêu tuyệt đẹp với nhiều hoạ tiết cầu kỳ và màu sắc sặc sỡ được yêu thích tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ đá sa thạch, từ kim loại cũng khá đặc sắc được bày bán đa dạng tại các cửa hàng lưu niệm.
Buổi trưa, thành phố nhòa trong thứ màu vàng ảo ảnh. Chúng tôi lang thang vào một quán ăn JaiSal Italiy trên cổng thành, thưởng thức món pizza trong không gian màu sắc Ấn Độ. View (tầm nhìn) ở đây khá lý tưởng. Từ trên nhà hàng, bạn có thể ngắm nhìn cuộc sống nhộn nhịp ngoài thành và có phần bình lặng hơn của cư dân trong thành…Chúng tôi lang thang tiếp trong những con ngõ nhỏ của pháo đài, thăm ngôi đền đạo Jain, chuyện trò với những con người hồn hậu nơi đây.

Người nghệ sĩ hát rong bài Cloudia
Hoàng hôn hắt nắng, chiều dần loang trên những mái nhà, Jaisalmer hiện ra rực rỡ với một màu vàng tinh khiết làm nhạt nhòa cả vầng mặt trời. Lên chuyến tàu đêm đi tiếp đến New Dehli mà tâm trí chúng tôi miên man và văng vẳng âm vang bản nhạc,… cloudia,…cloudia,…
Hoa Vương miện có tên khoa học là Calotropis gigantea (L.) W.T.Aiton, ở Việt Nam có tên là cây Lá hen, cây Bồng bồng hoặc Bàng biển, một trong 5 loại lá được sử dụng trong Panch Pallava, một nghi lễ của nền văn hoá Maratha ở Ấn Độ.
Khí hậu ở Jaisalmer khá khô và nóng vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông. Lượng mưa trung bình hàng năm chỉ 150mm. Tháng 9, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 40-45 độ.
Sonar Killar là pháo đài duy nhất trong rất nhiều pháo đài còn lại ở Ấn Độ hiện nay vẫn còn khoảng 2.000 cư dân và giữ nguyên nếp sống như hàng trăm năm nay họ vẫn có.
Tuktuk: một loại xe giống như xe lam, là phương tiện chủ yếu ở Jaisalmer đưa du khách đi lại trong thành phố.