Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt, được ví như “đất nước Việt Nam thu nhỏ”, là cơ hội để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, đa dạng và phong phú, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là “Di sản thiên nhiên của thế giới” về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo, vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, là cơ hội để phát triển công nghiệp hiện đại, dịch vụ tiên tiến và sản xuất sạch, sản xuất công nghệ cao, nhất là phát triển công nghiệp giải trí.
Phát huy lợi thế, tiềm năng
Năm 2013, trước những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, ngành Công Thương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tham mưu linh hoạt, bám sát thực tế, nắm bắt kịp thời những khó khăn của các DN, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường... Vì vậy, nhiều chỉ tiêu trong năm 2013 đạt cao so với cùng kỳ như: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 31.830 tỷ đồng (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2012); kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt 2.892 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 43.708 tỷ đồng; hoàn thành 100% kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia.
Đáng chú ý là trong năm 2013, thực hiện quyết tâm chính trị của tỉnh, Sở Công Thương đã chủ trì với các sở, ngành, địa phương hoàn thành những dự án quan trọng như: đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn của tỉnh. Việc hoàn thành 2 dự án trọng điểm trên đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa điện lưới đến tất cả các thôn bản, góp phần quan trọng trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan.
Năm 2014, để tiếp tục thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh giao cũng như các nhiệm vụ mà Bộ Công Thương yêu cầu, ngành Công Thương đã đề ra những giải pháp trọng tâm như: tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; làm tốt công tác dự báo, tham mưu để chỉ đạo, điều hành linh hoạt; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; thúc đẩy hoạt động thương mại; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý của ngành...
Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới; phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 14%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS), chế biến thực phẩm quy mô lớn kết hợp với phát triển mạnh các DNNVV trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, khai thác than bền vững, đảm bảo hoạt động khai thác phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch và chất lượng sống. Tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, tận thu tối đa nguồn tài nguyên, cải thiện điều kiện cho người lao động; chú trọng giải quyết môi trường. Phấn đấu tăng trưởng giá trị gia tăng ngành than là 3,5%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 3,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
Theo mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ đảm bảo cung cấp điện bền vững, ổn định và thân thiện với môi trường tới tất cả các hộ gia đình vào năm 2015 để giảm thiểu mức độ lãng phí điện. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành điện tăng trưởng với tốc độ 25,3%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 22,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Tiếp tục duy trì phát triển các tiểu ngành như: Khai thác khoáng sản phi kim loại (vật liệu xây dựng); gốm sứ và hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt để hỗ trợ ngành du lịch; ngành sản xuất vật liệu xây dựng và ngành cơ khí.
Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Để phát triển công nghiệp hiện đại, ngành công nghiệp Quảng Ninh đang tập trung phát triển theo 3 nhóm ngành với những cơ chế, chính sách khác nhau gồm: Nhóm ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; Nhóm ngành công nghiệp nền tảng; Nhóm ngành công nghiệp tiềm năng. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản và thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng như may mặc, giày dép, đồ gỗ, công nghiệp nặng như cơ khí đóng tàu, máy động lực và máy nông nghiệp, chế tạo thiết bị, lắp ráp cơ điện tử, xe máy, ngành tiểu thủ công nghiệp... Nhóm ngành công nghiệp nền tảng hay còn gọi là trọng yếu bao gồm các ngành công nghiệp cơ bản sản xuất tư liệu sản xuất như các ngành hạ tầng và năng lượng; một số ngành cơ khí, hoá chất cơ bản... để đảm bảo đáp ứng nhu cầu an ninh, an sinh, bảo đảm tự chủ trong điều kiện có biến động lớn trên thị trường trong nước và thế giới; đồng thời làm nền tảng cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhóm ngành công nghiệp có tiềm năng bao gồm các ngành công nghiệp sử dụng hàm lượng tri thức và công nghệ cao như điện tử - viễn thông tin học, cơ khí chế tạo, hoá chất... là nhóm các ngành công nghiệp tuy hiện nay giá trị sản xuất còn khiêm tốn nhưng có lợi thế cạnh tranh so sánh động mà ngành công nghiệp cần phải thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Hà cho biết.
Tuy nhiên ông Hà cho rằng: Để tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn gồm những ngành có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế, trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới đầu tư. Các ngành công nghiệp mũi nhọn có thể phân thành các nhóm theo tính chất đặc thù như: Nhóm công nghiệp mũi nhọn công nghệ cao: Sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin... Nhóm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế: Công nghiệp chế biến, nông, lâm, thuỷ hải sản, công nghiệp du lịch, công nghiệp vật liệu… Nhóm công nghiệp mũi nhọn cơ hội: công nghiệp điện tử, công nghiệp giải trí, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải đa phương thức...
Song song với phát triển công nghiệp hiện đại, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại tiên tiến. |
Song song với phát triển công nghiệp hiện đại, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại tiên tiến. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. Góp phần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm khu vực nông lâm, thủy sản và tăng khu vực công nghiệp, dịch vụ; cụ thể, về tài chính năm 2013 so với 2012 nông nghiệp 866/827 tỷ đồng, CN - XD 8.682/8.210 tỷ đồng, dịch vụ 7.618/6937 tỷ đồng; Về tỷ trọng nông nghiệp, CN-XD, dịch vụ năm 2013 so với năm 2012 tương ứng là: 5,05%/5,17%; 50,24%/51,4%; 44,7%/43,43%.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 15 siêu thị và 4 trung tâm thương mại đang hoạt động và xây dựng. Sự phát triển của hệ thống thương mại hiện đại đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đồng thời hoàn thiện thêm cho bức tranh kinh tế - thương mại của tỉnh.
Nam Trang