Ở tập này, sau khi thí sinh James Nelson giành phần thắng với Chiếc hộp bí mật, anh được an toàn, không phải tham gia thi đấu loại. Thêm vào đó, James được quyền lựa chọn đề bài dành cho các thí sinh còn lại.
Đề bài mà James được chọn là một trong 3 món ăn do 3 vị giám khảo của chương trình đưa ra.
Giám khảo Joe Bastianich đưa ra đề bài là món hải sản của Singapore gồm tôm - cầu gai - trứng cá muối.
Giám khảo Graham Elliot đưa ra món bánh sandwich cua.
Giám khảo Gordon Ramsay đưa ra đề bài là món hủ tiếu Việt Nam.
Đối với 3 vị giám khảo, đây là những món ăn “ý nghĩa” đối với bản
thân họ, “những món ăn ngon nhất mà mỗi chúng tôi từng được ăn trong
cuộc đời mình”.
Giám khảo - đầu bếp Gordon Ramsay là một trong những đầu bếp danh tiếng nhất tại Anh, ông cũng nổi tiếng khó tính và “quái tính”. Việc Ramsay lựa chọn món hủ tiếu Việt Nam đã cho thấy mức độ trân trọng của ông dành cho món ăn này.
Chia sẻ về món ăn mình đưa ra, giám khảo Gordon Ramsay nhớ lại: “Món hủ tiếu này được bán khá nhiều trên những con ghe nhỏ ở chợ nổi trên sông tại Việt Nam. Tôi từng tới thăm một chợ nổi như thế ở khu vực đồng bằng sông Mekong, ngồi trên ghe và ăn một bát hủ tiếu như thế này. Đây là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn. Cách nấu khá kỳ công, tỉ mỉ”.
Sau khi 3 vị giám khảo đưa ra đề bài, thí sinh James Nelson được mời nếm thử từng món. James đã dừng lại khá lâu trước bát hủ tiếu của giám khảo Gordon Ramsay. Anh nếm thử nước dùng, mì, thịt… và tấm tắc khen “nước dùng ngon quá”.
Giám khảo Ramsay vắt chanh vào bát hủ tiếu trước khi mời thí sinh James Nelson nếm thử.
Cuối cùng, James chọn hủ tiếu Việt Nam làm đề bài cho 4 thí sinh còn lại. Đối với cả 4 thí sinh tham gia vào vòng đấu loại, họ rất hoang mang, lo lắng, coi đây là một thử thách khó nhằn vì không biết nước dùng được chế biến như thế nào.
Họ căng thẳng nếm thử món mì lạ và phân tích các thành phần làm nên bát mì.
Sau đó cẩn thận ghi lại các ý tưởng về thành phần nguyên liệu.
Trước khi các thí sinh bắt tay vào việc chế biến món hủ tiếu, giám khảo Gordon Ramsay đã dặn dò rằng: “Vì đây là món mà tôi rất yêu thích, xin đừng để tôi phải thất vọng”.
Bát hủ tiếu của Natasha Crnjac hương vị khá nhưng vị ngọt hơi mạnh.
Bát hủ tiếu của Luca Manfe được khen là “hoàn hảo”. Giám khảo Ramsay thậm chí còn húp liên tiếp hai thìa nước dùng và nhận xét “vị này gần gũi quá, nó đã đưa tôi về với bát hủ tiếu ăn năm nào trên con ghe nhỏ ở Việt Nam”.
Bát hủ tiếu của Jessie Lysiak cũng rất được khen nhưng có một điểm trừ là vị chua hơi quá. Jessie không biết rằng chanh phải vắt sau cùng. Ngay từ lúc chế biến xong, Jessie đã ngâm cả miếng chanh trong bát hủ tiếu khiến vị chua lấn át các vị khác.
Bát hủ tiếu của Krissi Biasiello cũng nhận được thiện cảm của cả 3 vị giám khảo nhưng vị cay hơi nồng khiến nó mất đi phần nào sự cân bằng.
Cuối cùng, bát hủ tiếu của Luca Manfe giành chiến thắng trong vòng đấu loại. Jessie được an toàn. Krissi sau khi nghe một vài lời góp ý của giám khảo cũng được lên gác an toàn cùng với những bạn thi khác.
Natasha những tưởng sẽ phải trở về nhà nhưng thay vào đó, cô được khen ngợi và không có lý do nào để phải dừng cuộc chơi, vậy là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi Masterchef Mỹ, tất cả các thí sinh đều an toàn sau vòng đấu loại.
Các thí sinh Luca - James - Jessie - Krissi - Natasha
Trước đây, các món ăn Việt Nam cũng đã xuất hiện khá nhiều tại cuộc thi Masterchef Mỹ.
Christine Hà - nhà vô địch của Masterchef Mỹ mùa thứ 3 năm 2012 - là một phụ nữ gốc Việt. Cô bị khiếm thị nhưng bằng tài năng và sự kiên cường của mình, Christine Hà đã giành chiến thắng.
Điều đặc biệt là trong suốt quá trình tham gia thi Masterchef Mỹ 2012, Christine thực hiện khá nhiều món ăn mang đậm hương vị ẩm thực truyền thống của người Việt.
Có thể kể tới món cá kho tộ hay miến xào sò điệp…
Trong buổi thi chung kết, Christine Hà cũng chọn những món rất Việt Nam: nộm rau đu đủ, cơm - thịt kho, kem chanh dừa - bánh gừng.
Giám khảo Gordon Ramsay dường như rất tường tận về ẩm thực Việt Nam đã nhận xét ngay rằng: “Thực đơn của Christine rất gần gũi với bữa ăn truyền thống của người Việt Nam. Tuy vậy, tôi không sống ở Việt Nam và đây cũng không phải một bữa ăn gia đình của riêng Christine…”
Câu nói như một “đòn phủ đầu” khiến Christine không khỏi lo lắng
nhưng cô khẳng định: “Những món ăn này nghe qua có thể thấy chúng không
sang trọng, không đắt tiền nhưng vị của chúng thì rất ấn tượng”.
Quả vậy, khi nhìn đĩa cơm - thịt kho, các vị giám khảo có thể cảm
thấy ái ngại vì cho rằng nó quá đơn giản so với một bài thi trong vòng
chung kết của Masterchef nhưng chính đĩa cơm đó đã chinh phục họ. Dùng
với món kem chanh dừa, các vị giám khảo chỉ còn có thể nói “Perfect!”
(Hoàn hảo!).
Một nhân vật gốc Việt khác cũng khá nổi tiếng trong giới ẩm thực Úc
là Luke Nguyễn, đầu bếp người Úc gốc Việt, đã thành công tại Úc với hệ
thống nhà hàng Vietnam Red Lantern ở thành phố Sydney, chuyên bán các
món Việt.
Luke còn là người dẫn chương trình của loạt phim truyền hình thực tế
rất được yêu thích - “Luke Nguyen's Vietnam” - chương trình chuyên giới
thiệu về ẩm thực các vùng miền tại Việt Nam, chiếu trên kênh SBS1 của
Úc.
Luke đã từng xuất hiện với tư cách khách mời tại cuộc thi Masterchef Úc. Gần đây, anh cũng trở thành giám khảo của cuộc thi Masterchef Việt Nam.
Luke
Nguyễn đã đi khắp các vùng miền Việt Nam để thực hiện chương trình
truyền hình "Luke Nguyen's Vietnam" chiếu trên kênh SBS1 của Úc.
Dân trí