Chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Việt Nam gần đây đã nhận được sự chú ý rộng lớn của dư luận cũng như người dân hai nước. Liệu nó có ảnh hưởng gì tới mối quan hệ giao thương Việt - Nga trong dài hạn, thưa ông?
Trong chuyến thăm, cả hai bên đã nhất trí về việc quan hệ chính trị đang ở tầm cao giữa hai nước, mang tính chất cởi mở và tin cậy.
Qua quá trình đàm phán giữa những người đứng đầu hai chính phủ, nhiều thỏa thuận đã được thống nhất để thúc đẩy hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực truyền thống như dầu khí, năng lượng, cụ thể là năng lượng hạt nhân, hợp tác đầu tư…
Trong chương trình nghị sự kinh tế giữa hai nước có hàng loạt những dự án lớn. Có thể kể đến việc các công ty Nga tham gia nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; kế hoạch Nga cung cấp dầu thô cho Việt Nam; hợp tác trong việc sản xuất khí gas sử dụng cho các phương tiện giao thông vận tải; sự hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trên lãnh thổ của Nga, đó đều là những dự án mới.
Cuối cùng không thể không kể đến một dự án mang tính chất thương hiệu, đó là công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Đó là những dấu mốc trong chuyến thăm này.
Đồng thời chúng tôi cũng phải đáng tiếc ghi nhận rằng thành phần cấu thành kinh tế giữa hai nước đang tạm thời chưa đuổi kịp đà phát triển trong mối quan hệ chính trị Việt - Nga. Chúng chưa đáp ứng hết lợi ích, tiềm năng giữa hai nước.
Trong lĩnh vực dầu khí, Thủ tướng Medvedev đã lưu ý hai bên cần tìm kiếm những hình thức hợp tác mới thay vì chỉ tập trung khai thác, hai bên đã có kế hoạch gì để triển khai ý tưởng này chưa?
Ngoài công tác thăm dò và khai thác, chúng ta đang thực hiện các kế hoạch khác. Trong lĩnh vực dầu khí này, hai nước đang nỗ lực hình thành một mắt xích liên hoàn, từ khai thác cho đến chế biến.
Chúng ta đang tính đến việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ, cụ thể là một liên doanh tại miền Nam Việt Nam. Liên doanh này có thể đảm bảo về việc cung cấp khí gas hóa lỏng để sử dụng cho các phương tiện giao thông công cộng.
Vì sao ông cho rằng mối quan hệ thương mại hai nước tạm thời chưa đuổi kịp đà phát triển trong mối quan hệ chính trị?
Thực sự chúng tôi chưa hài lòng về những con số phản ánh cấp độ hợp tác thương mại Việt Nam - Nga. Ví dụ, kim ngạch thương mại song phương năm 2013 - 2014 đạt được 4 tỷ USD. Về căn bản, con số này cao hơn 7 năm trước đây, thể hiện sự phát triển rõ ràng. Tuy nhiên so với các đối tác hàng đầu khác của Việt Nam thì nó ít hơn rất nhiều.
Đáng tiếc là phần tham gia giữa kim ngạch Việt Nam với Nga khá nhỏ, và hướng ngược lại cũng chưa phải lớn. Chúng tôi đã nhìn nhận được vấn đề này. Ban lãnh đạo chịu trách nhiệm đã đặt ra các mục tiêu lớn. Dần dần, chúng tôi sẽ tìm ra được phương cách đưa mối quan hệ thương mại giữa hai nước đạt được tầm cao mới và chất.
Một trong số đó là Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đang vào giai đoạn kết thúc. Chúng tôi có hàng loạt các cơ chế hứa hẹn sẽ thực sự thúc đẩy gia tăng theo hướng này. Ví dụ, Nga đã hình thành cơ chế về Tổ công tác chung cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt-Nga. Khuôn khổ của tổ công tác này đã thảo ra một danh mục 17 dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD.
Như chúng ta nhận thấy, kim ngạch thương mại là quan trọng. Nhưng phần cấu thành về đầu tư trong hợp tác cũng quan trọng không kém. Trong ngắn hạn, kim ngạch thương mại có thể vì những dao động, nguyên nhân ngoại lai mà thay đổi, ví dụ sự bất ổn định trong tỷ giá đồng Rúp của chúng tôi cuối năm vừa rồi. Tôi đang nói về các dự án dài hạn chứ không phải các thỏa thuận chớp nhoáng.
Được biết Bản dự thảo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu sắp được hoàn tất và chuẩn bị được đưa vào ký kết, xin ông cập nhật tình hình mới nhất về quá trình này?
Đúng như vậy, tiến trình đàm phán đã hầu như được hoàn tất. Việc đàm phán bắt đầu từ tháng 3/2013, từ đó tới tháng 12/2014 đã diễn ra 8 vòng, ngoài ra còn có hàng loạt các buổi tham vấn về kỹ thuật.
Kết quả, hai bên đã thống nhất được toàn văn hiệp định, các chi tiết kỹ thuật cuối cùng đang được hoàn thiện để đưa vào ký kết, hy vọng là trong năm 2015 này.
Đáng lưu ý, phải thừa nhận đối với Nga và các đối tác trong Liên minh kinh tế Á Âu, kinh nghiệm ban đầu trong việc thành lập cơ chế cho cho một nền thương mại được ưu đãi còn mới mẻ.
Tôi muốn đặc biệt chú ý là Nga không chạy theo thời gian, mà hướng tới một văn bản có chất lượng, tính đến lợi ích của tất cả các bên, về phía Liên minh kinh tế Á Âu bao gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, và tới đây là Tajikistan. Đây là một thị trường rộng lớn với hơn 180 triệu người tiêu dùng.
Ông có nhắc đến tỷ giá đồng Rúp khiến hoạt động giao thương giữa hai nước biến động. Trong một phát biểu gần đây, ông Medvedev cũng đã thừa nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea làm dấy lên một cuộc khủng hoảng vượt dự đoán của Moscow. Liệu các bất ổn kinh tế nội tại của Nga có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đang và sắp hoạt động tại Nga không?
Trước hết, tôi muốn nói rằng những khó khăn về kinh tế không chỉ bắt nguồn từ các biện pháp trừng phạt từ phương Tây áp vào Nga. Đương nhiên, chúng có ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế, nhưng ngược lại, nó cũng phương hại đến các nước thuộc Liên minh châu Âu. Các biện pháp trừng phạt này không mang tính chất xây dựng.
Những khó khăn về kinh tế của Nga liên quan đến các vấn đề nội bộ, đó là sự mất cân đối trong nền kinh tế.
Nga phụ thuộc quá lớn vào việc xuất khẩu dầu khí, chưa chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhiều nguyên nhân khác. Moscow đang có các biện pháp để dần khắc phục vấn đề này. Chúng tôi tin tưởng kết quả sẽ sớm thể hiện.
Một số ngân hàng quốc doanh của Nga đang nằm trong danh sách đen của Mỹ và EU, hiện trạng này liệu có ảnh hưởng gì tới triển vọng thanh toán bằng bản tệ giữa hai nước Việt Nam và Nga trong giao thương?
Các đòn trừng phạt không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng trong thanh toán hiện thời giữa hai nước.
Liên quan đến tỷ giá đồng Rúp, về cơ bản Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. (Trong trong vòng 3 tháng, rúp Nga (RUB) tăng lần lượt 20% và 35% giá trị so với đồng đô la và euro – PV).
Nga có quỹ dự trữ vàng tương đối lớn, lại là nước có tỷ lệ nợ nước ngoài thấp bậc nhất, chỉ chiếm 14% GDP. Ngân hàng Trung ương Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng, một phía hướng tới ổn định đồng nội tệ, hạn chế lạm phát, ví dụ định chế này đã giảm lãi suất 3 lần từ đầu năm 2015 tới nay.
Từ trước khi các đòn trừng phạt xuất hiện, giới chức Nga đã nói đến sự cần thiết trong việc chuyển đổi thanh toán xuất nhập khẩu sang Rúp và VND. Chúng tôi biết cần nghiên cứu soạn thảo các cơ chế, điều này sẽ giúp hệ thống ngân hàng hai nước trở nên độc lập, tránh được giao động lớn về tỷ giá của nước thứ 3 như USD, euro.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Lê Huyền