Theo một khảo sát của Nikkei, trong khoảng 1 năm qua, đã có hơn 50 doanh nghiệp toàn cầu, gồm Apple, Nintendo đã chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang nơi khác hoặc trở về quê nhà vì chính tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bên cạnh các doanh nghiệp Mỹ, Nhật và Đài Loan, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang theo xu hướng này, bao gồm các nhà sản xuất máy tính cá nhân, di động thông minh và thiết bị điện tử khác.
"Chúng tôi cần các biện pháp dài hạn để tránh rủi ro thuế quan và thuộc diện bị đánh thuế của Mỹ", Kiyofumi Kakudo, CEO của nhà sản xuất máy tính Dynabook, cho biết. Công ty thuộc Sharp Corp này đang cân nhắc chuyển sản xuất dòng máy tính xách tay xuất khẩu Mỹ sang một nhà máy mới xây tại Việt Nam. Dynabook hiện sản xuất gần như toàn bộ các dòng máy tính của mình tại Trung Quốc, chủ yếu tại nhà máy ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. "Dù đợt áp thuế thứ 4 của Mỹ đã tạm thời được hoãn lại, chúng ta không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra và khi nào", Kakudo cho biết.
Nhiều doanh nghiệp toàn cầu đã chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc - (Ảnh: Financial Times) |
Trong khi đó, Apple cũng đang yêu cầu các nhà cung cấp chính xem xét việc chuyển 15 - 30% dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Theo nguồn tin mới đây của Nikkei, Apple đang chuẩn bị sản xuất thử tai nghe không dây Airpod tại khu vực Đông Nam Á.
Các nhà sản xuất máy tính của Mỹ gồm HP và Dell cũng đang cân nhắc việc chuyển tới 30% dây chuyền sản xuất máy tính xách tay từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và một số nơi khác. Còn công ty Nintendo của Nhật sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy chơi game Nintendo Switch ra khỏi Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích quan ngại rằng động thái của các công ty này có thể gây ảnh hưởng tới tiêu dùng và việc làm tại Trung Quốc. Phản ứng lại xu hướng này, Bắc Kinh đang nỗ lực giữ chân doanh nghiệp toàn cầu bằng việc đưa ra những đãi ngộ đặc biệt để lợi ích của việc ở lại lớn hơn so với thiệt hại do thuế quan của Mỹ.
Trung Quốc đang dần mở cửa hơn với các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đã tăng 3,5% lên khoảng 70,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Cuối tháng 6 vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế với đầu tư nước ngoài trong 7 lĩnh vực, trong đó có dầu khí. Nước này cũng đang thúc đẩy các kế hoạch để mở cửa lĩnh vực tài chính.
Chưa rõ những biện pháp này có thể giúp Trung Quốc giữ chân các nhà sản xuất nước ngoài hay không, nhưng trước mắt, nhiều người lao động nước này đã chịu ảnh hưởng.
Tại nhà máy của công ty UE Furniture, cách Thượng Hải 200 km về phía tây, nhân viên tan ca vào lúc 16h30. "Chúng tôi không còn làm thêm giờ nữa bởi vấn đề thuế quan. Công ty đã quyết định mở cơ sở sản xuất mới tại nước khác để tránh thuế của Mỹ. Đến nay chưa có nhân viên nào bị sa thải, nhưng thu nhập của nhiều người bị giảm vì giờ làm việc ngắn hơn", một nhân viên cho biết.
Hồi tháng 5/2019, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc quyết định thành lập tổ công tác để chỉ đạo các biện pháp giải quyết vấn đề việc làm và thúc đẩy các chương trình đào tạo việc làm với ngân sách từ các chương trình bảo hiểm của nhà nước./.
Theo Ngọc Trang/VnEconomy/VOV