Chiều ngày 8/1/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025.
Tham dự hội nghị có: Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long; Chủ tịch Công đoàn Bộ Nguyễn Minh Huệ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quang Huy và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ và đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.
Tại Hội nghị đã bầu ra Đoàn chủ tịch bao gồm Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương Nguyễn Minh Huệ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quang Huy.
Phát huy quyền làm chủ của cán bộ đảng viên, công chức và người lao động
Tại hội nghị, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã Báo cáo tổng kết, kiểm điểm công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương; việc thực hiện Nghị quyết hội nghị năm 2024 và thực hiện quy chế dân chủ của Bộ; Báo cáo công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW và thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo đó, năm 2024 mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, việc triển khai cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng nhất định tới các nước thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư FDI như Việt Nam, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương năm 2024 thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Cùng với sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã cơ bản đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển của Ngành năm 2024.
Đối với kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan Bộ, ông Trần Quang Huy cho biết, căn cứ quy định tại Luật số 10/2022/QH15 về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 01/2016/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 04, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo xây dựng ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan Bộ năm 2024, phát huy quyền làm chủ của cán bộ đảng viên, công chức và người lao động.
Năm 2024, Đảng ủy Bộ định kỳ làm việc với các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cơ quan để lắng nghe báo cáo tình hình hoạt động và có ý kiến lãnh đạo chỉ đạo, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của các tổ chức đoàn thể, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng; xây dựng tinh thần đoàn kết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong quan hệ với công dân và các cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan Bộ; sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực và yêu cầu đổi mới; cải tiến cách thức làm việc theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát huy quyền dân chủ của mình, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đề xuất của cán bộ, công chức trong xử lý giải quyết công việc... Công tác tiếp công dân, đối thoại luôn được lãnh đạo Bộ coi trọng, quan tâm chỉ đạo kịp thời nên đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
"Đáng chú ý, trong năm 2024, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, đối thoại thường kỳ hàng năm giữa Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ nhằm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân viên chức, qua đó có giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, các chính sách tốt đãi ngộ, trọng dụng người tài, đề ra hướng giải quyết dứt điểm đối với những vấn đề nổi cộm trong Bộ" - ông Trần Quang Huy chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe Báo cáo tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách của Bộ năm 2024; Báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Đồng thời, thông qua hội nghị cũng giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bàn biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phát động phong trào thi đua năm 2025; ký kết giao ước thi đua; bầu Ban Thanh tra nhân dân…
10 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2024 là năm nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Công Thương đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, có thể nói là ngoạn mục.
“Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, năm 2024 là năm khá trọn vẹn khi chúng ta đã hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Với phương châm được quán triệt ngay từ đầu năm 2024 là “Kế thừa, đổi mới, vươn tới đỉnh cao”, chúng ta đã đạt được những đỉnh cao mới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định và dẫn chứng về những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua.
Cụ thể, ngành công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tới 8,4%, cao hơn nhiều so với các năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10%; thương mại điện tử đạt quy mô 25 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 20%, là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới; xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD (chưa kể thương mại qua biên giới) cao kỷ lục trong 40 năm qua; cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu gần 25 tỷ USD, là 1 trong 18 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất; chỉ số tăng trưởng công nghiệp cao ở cả 63/63 tỉnh, thành phố, thậm chí có những địa phương tăng tới khoảng 27 - 28% so với cùng kỳ năm.
“Những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng, tích cực của các cơ quan chức năng thuộc Bộ, cả đơn vị quản lý và các đơn vị sự nghiệp” - Bộ trưởng đánh giá và nhấn mạnh thêm, trong năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc 03 chức năng cơ bản của cơ quan quản lý nhà nước là: (i) Tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch; (ii) Tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách; (iii) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại.
Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, thống nhất và tính dân chủ trong toàn cơ quan và trong mỗi đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được phát huy. Các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm. Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều được xem xét, giải đáp và xử lý một cách phù hợp.
“Mỗi năm chúng ta có ít nhất hai kỳ để lắng nghe, giải quyết ý kiến của người lao động. Đó là hội nghị cán bộ, công chức thường tổ chức đầu năm dương lịch và cuộc đối thoại giữa Ban cán sự lãnh đạo Bộ với tất cả lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ vào tháng 7 hoặc tháng 8. Những bức xúc, kiến nghị, đề xuất đều được xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng trong điều kiện có thể. Bộ Công Thương cũng phát huy tính dân chủ tương đối cao, cơ bản giải quyết được những kiến nghị, đề xuất chính đáng, không tạo ra những bức xúc mới”- Bộ trưởng một lần nữa khẳng định.
Bộ trưởng cũng đánh giá, nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng, nổi cộm hoặc mới phát sinh đều đã và đang được xem xét, giải quyết một các bài bản, đúng quy định, phù hợp tình hình, không khí dân chủ, đoàn kết được phát huy ở nhiều đơn vị.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện, điều kiện làm việc của toàn cơ quan và các đơn vị tiếp tục được nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện (như việc sửa chữa trụ sở làm việc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, mua sắm trang thiết bị…).
Công tác cán bộ được chú trọng kiện toàn, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng quy định. Công tác thi tuyển, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị quan tâm hơn, nhờ đó công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Vai trò của các thiết chế trong bộ máy lãnh đạo từ cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể đã được phát huy để chăm lo quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từng bước đã được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các đơn vị cần được khắc phục và nguyên nhân (đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan), để tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nhấn mạnh năm 2025, nhiệm vụ của ngành là vô cùng lớn, khi Trung ương, Quốc hội xác định tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và phấn đấu tăng hai con số, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để GDP tăng như vậy thì ngành Công Thương phải tăng hệ số 1,2; trong lĩnh vực năng lượng phải tăng hệ số 1,5. Điều này có nghĩa chúng ta phải tăng ít nhất 10 - 12% trong lĩnh vực công nghiệp và trong lĩnh vực năng lượng phải tăng từ 12 - 16% thì mới đáp ứng được tăng trưởng.
“Trong khi bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, với nền kinh tế nó có độ mở như Việt Nam, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã khó, 10% trở lên còn khó hơn nữa. Chính vì thế chúng ta cần phải đổi mới tư duy và cách làm để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao” - Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 để tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả thì mới đạt được mục tiêu đề ra.
Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
“Trong tuần này, Bộ sẽ ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị” - Bộ trưởng cho hay.
Thứ hai, từng đơn vị thuộc Bộ cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, Chương trình làm việc và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ để xây dựng kế hoạch hành động, phân công, phân nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, giám sát cụ thể, thường xuyên.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, tuyệt đối tin tưởng vào các đường lối, chủ trương Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ.
Các đoàn thể cần phát động, tổ chức nhiều hơn các phong trào thi đua và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào ấy, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
Thứ tư, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần chú trọng nâng cao tính chủ động, kịp thời trong tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Bộ và quyết liệt, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm: Chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không được để công việc bị bê trễ, không đùn đẩy giữa các đơn vị, giữa các cá nhân với nhau; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các sai sót, vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong mọi hoạt động công tác, nhất là việc xây dựng, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung; sử dụng chữ ký số và tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cấp độ 4 để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bổ sung, thay thế kịp thời các trang thiết bị còn thiếu, xuống cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị, bộ phận, cá nhân; đồng thời, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong từng đơn vị.
Thứ bảy, chủ động rà soát, đánh giá, nắm bắt đúng tình hình trong từng đơn vị để có giải pháp giải quyết phù hợp, dựa trên quy định của pháp luật, nguyên tắc điều lệ Đảng và phù hợp với bối cảnh, tình hình cụ thể, không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, bức xúc, mất đoàn kết nội bộ.
Thứ tám, chú trọng phát huy dân chủ trong thảo luận, hành động; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các đơn vị với phương châm “Lãnh đạo toàn diện; Việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo ở đơn vị đó chỉ đạo giải quyết là chính”.
Bộ trưởng thông tin, sau khi thành lập lại tổ chức Đảng trong các cơ quan nhà nước thì cấp ủy, tổ chức Đảng sắp tới sẽ lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị.
“Như vậy, cấp ủy, tổ chức Đảng trong từng đơn vị sẽ lãnh đạo cả nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cấp ủy của Bộ Công Thương lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Cho nên, chúng ta cần nhận thức mới về chức trách, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng và xác định việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo ở đơn vị đó chỉ đạo giải quyết là chính, không đùn đẩy lên cấp trên”- tư lệnh ngành Công Thương chỉ rõ quan điểm.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đề cao vai trò các tổ chức đoàn thể và tinh thần nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong từng đơn vị. Đồng thời phát huy tốt vai trò thanh tra nhân dân, chuẩn bị tốt cho các cuộc đối thoại của lãnh đạo Bộ để giải quyết các vấn đề của các đơn vị.
Thứ chín, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, các quy chế, quy định của Ban cán sự đảng (tới đây là Đảng uỷ Bộ) và Lãnh đạo Bộ để phù hợp với thiết chế mới theo quy định mới.
Thứ mười, tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của Nghị định 178/2024/NĐ-CP và các chế độ, chính sách khác có liên quan về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị. Ngay sau Tết, Bộ sẽ triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 178 và chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm chỉ tiêu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu, từng đơn vị sẽ phải lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt để giữ được người tài, người giỏi, người có trách nhiệm với công việc, nhưng đồng thời cũng phải giải quyết một cách thỏa đáng về chế độ, chính sách đối với những người thuộc các nhóm hưởng chính sách theo quy định hiện hành.
Nhấn mạnh lại phương châm đề ra của năm 2024 là “Kế thừa, đổi mới, vươn tới đỉnh cao”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ngành Công Thương đã đạt được những đỉnh cao. Vì vậy, trong năm 2025, phương châm hành động của ngành Công Thương là “Mục tiêu trên giao/ Cao thêm mấy mức/ Công Thương gắng sức/ Quyết liệt mỗi ngày/ Người người hăng say/ Ra tay quyết thắng.
Về những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị tại Hội nghị hôm nay, Bộ trưởng cho biết, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận và giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Công đoàn Bộ tổng hợp, tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết kịp thời theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định).
Đoàn chủ tịch đã chỉ đạo Đoàn thư ký tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Hội nghị và đã được 100% đại biểu thống nhất thông qua.