hu hồi hơn 22.000 tỷ đồng nợ thuế
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm vừa diễn ra ngày 11/7, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 31/5/2017, toàn ngành Thuế đã đôn đốc, thu được 22.076 tỷ đồng nợ thuế, đạt tỷ lệ 46,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thu bằng biện pháp đôn đốc nợ là 16.513 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.563 tỷ đồng.
Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, có 22/63 địa phương thu đạt khá, trên mức 42%, tiêu biểu như: Quảng Nam, Đồng Nai, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Hà Nam, Sơn La, Ninh Thuận, Quảng Bình, Vĩnh Long, Long An, Phú Yên, An Giang, Lai Châu, Trà Vinh...
Làm thủ tục hành chính về thuế tại bộ phận "một cửa" của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NM. |
Theo ông Toản, để công tác thu hồi nợ thuế đạt kết quả như thời gian qua, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ cho từng cục thuế ngay từ đầu năm. Đến ngày 10/2/2017, tất cả 63/63 cục thuế đã hoàn thành việc giao chỉ tiêu thu nợ thuế đối với các đơn vị trực thuộc, đến từng bộ phận tham gia trực tiếp thực hiện quy trình quản lý nợ. Phấn đấu tổng tiền thuế nợ trên tổng thu NSNN đến không vượt quá 5%.
Công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế cũng được toàn ngành thực hiện thường xuyên, liên tục. “Hàng tháng, Tổng cục Thuế thông báo danh sách các DN nợ thuế để các cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế; giám sát chặt chẽ các cục thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng ngày, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng... Do đó, số nợ thuế thu được tăng 13,5% so với cùng kỳ”, ông Toản cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến số nợ thuế thu được tăng thời gian qua, đó là “ngành Thuế đã tiến hành rà soát, phân loại tiền thuế nợ theo các tiêu chí phân tích nợ thuế, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế, từ đó áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp để thu hồi nợ thuế”.
Tháo gỡ vướng mắc để DN tự giác nộp thuế
Còn 75.534 tỷ đồng nợ thuế
Tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/5/2017 là 75.534 tỷ đồng; tỷ lệ tổng nợ trên tổng dự toán thu nội địa là 8,1%, trên tổng thu ngân sách nhà nước là 6,2%. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu đến 90 ngày và trên 90 ngày là 29.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% tổng số tiền thuế nợ; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 18.738 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,8% tổng số tiền thuế nợ; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 27.327 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,2% tổng số tiền thuế nợ.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, một trong những giải pháp đầu tiên mà Tổng cục Thuế sẽ thực hiện 6 tháng cuối năm, đó là kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các DN gặp khó khăn do yếu tố khách quan, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đang thực hiện rà soát, tính toán giao bổ sung chỉ tiêu thu nợ thuế trong 6 tháng cuối năm cho từng cục thuế. “Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, từng chi cục thuế, từng đội thuế, từng công chức thuế. Hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra”, ông Toản cho biết.
Hàng tháng ngay sau ngày khóa sổ, kết xuất danh sách nợ thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo danh sách các DN nợ thuế, yêu cầu các cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.
“Đối với các trường hợp thuộc diện cưỡng chế thì kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tổng cục Thuế sẽ tổ chức kiểm điểm định kỳ hàng tháng việc thực hiện cưỡng chế nợ của các cục thuế địa phương”, ông Toản cho biết.
Để giải quyết tận gốc vấn đề nợ thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đang tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư 215/2013/TT-BTC về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, quy trình quản lý nợ, quy trình cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, thực hiện điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ, thu gọn lại các nhóm nợ thuế, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ và tình hình thực tế, khắc phục các vướng mắc, tăng cường hiệu lực hiệu quả việc quản lý nợ./.