Hội nghị được tổ chức nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệpđể thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong giai đoạn 2014-2015.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, trao đổi nhằm tìm ra phương thức, giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, cùng doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh và phát triển.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ nghe Báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp và nhiệm vụ kinh tế-xã hội các năm 2014-2015; Báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước; Báo cáo tham luận của các doanh nghiệp Nhà nước và giải đáp của các bộ, ngành chức năng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.
Được biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị chuẩn bị báo cáo tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cơ hội để đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp cũng như đánh giá những mặt thuận lợi, mặt tích cực, mặt làm được và chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, những vướng mắc kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Dựa trên những đánh giá đó, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ bàn luận và đưa ra những giải pháp thết thực, cụ thể để phát huy các mặt mạnh và tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
224.200 doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2011-2013
Theo Báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp và nhiệm vụ kinh tế - xã hội các năm 2014 - 2015 được trình bày trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong giai đoạn 2011-2013, cả nước có thêm 224.200 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm gần 41% tổng số doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 20 năm (từ 1991-2010).
Năm 2013, kinh tế có dấu hiệu phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại (tăng 10% so với năm 2012).
Trong quý I/2014, cả nước có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số doanh nghiệp và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, cũng trong quý I năm nay, vẫn còn gần 17.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước). Nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.
Tình hình khó khăn những năm gần đây cũng khiến quy mô đăng ký bình quân của 1 doanh nghiệp có xu hướng giảm. Năm 2011, bình quân 1 doanh nghiệp đăng ký với 6,63 tỷ đồng, nhưng đã giảm xuống còn 5,13 tỷ đồng trong năm 2013.
Về lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là lực lượng chính trong nền kinh tế, luôn chiếm 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong giai đoạn 2010-2012.Về đóng góp của doanh nghiệp trong GDP, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời.
Về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, doanh nghiệp ngoài Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, ở mức 48-49% GDP toàn xã hội giai đoạn 2009-2012.
Tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước chiếm vị trí thứ 2 nhưng đang có xu hướng giảm dần theo chương trình cổ phần hóa của Chính phủ, theo đó, tỷ trọng GDP của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ 37,72% năm 2009 xuống còn 32,57% năm 2012.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ trọng thấp nhất, tương đối ổn định ở mức 17-18% trong giai đoạn 2009-2012.
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có những chuyển biến tích cực thời gian qua nhưng sự phát triển còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên quy mô doanh nghiệp vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa; hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp, cần được cải thiện; thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; khả năng hấp thụ vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn;...
8 nhóm kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng
Tại Hội nghị, trình bày trước Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)cũng sẽ trình bày báo cáo tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, trong 300 kiến nghị, qua tổng hợp VCCI sẽ đặt lên bàn Thủ tướng 8 nhóm kiến nghị lớn. Cụ thể: Tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật về kinh doanh để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Trọng tâm là sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thông thoáng hơn nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về chính sách tài khóa, cần thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt; rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Chính sách tín dụng, cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng.
Về chính sách công nghệ, đề nghị cần định hướng giúp các doanh nghiệp tạo ra bước bứt phát, đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng được hàng rào công nghệ để bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về chính sách thị trường phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm.
Đề nghị công bố bộ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên cơ sở rà xét, loại bỏ trùng lặp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.
Về việc tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. VCCI đề nghị cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường niên.
Theo DDDN