Bắc Cực Quang xuất hiện trên bầu trời thành phố Whitehorse, Yukon, một miền đất thuộc cực Tây Canada, giáp với Alaska. (Ngày 3/9/2012)
Các dải sáng liên tục chuyển động trên bầu trời tựa như những dải lụa
màu. Đây có thể coi là một trong những kỳ quan thiên văn của tự nhiên.
Cực quang được quan sát rõ nét nhất ở gần các cực từ. Cực quang diễn ra ở
Bắc bán cầu được gọi là Bắc Cực Quang, ở Nam bán cầu được gọi là Nam
Cực Quang.
Cực quang xuất hiện là do các hạt mang điện trong luồng vật chất từ Mặt Trời phóng tới hành tinh, khi các hạt này tiếp xúc với từ trường của hành tinh, chúng bị đổi hướng và chuyển động theo quỹ đạo xoắn ốc.
Bắc Cực Quang ở bang Alaska, Mỹ.
Khi đi sâu vào khí quyển các hạt mang điện va chạm với các phân tử, nguyên tử trong khí quyển hành tinh và kích thích các phân tử này phát sáng. Do khí quyển chứa nhiều loại khí khác nhau nên khi bị kích thích, mỗi loại khí phát ra một loại ánh sáng có bước sóng khác nhau, màu sắc khác nhau, tạo thành nhiều dải sáng đa sắc trên bầu trời hai cực.
Nhìn thấy cực quang bao giờ cũng kèm theo nghe thấy các tiếng nổ lách tách hay tiếng kêu rền rền. Các âm thanh này được nghe thấy khi người quan sát đứng ở nơi yên tĩnh, lạnh giá và không có gió. Việc nghe thấy các âm thanh lạ xưa kia thường được lý giải bằng các hiện tượng tâm linh và thường được so sánh như bản hợp xướng rạng đông.
Bắc Cực Quang nhìn từ bang Kentucky, Mỹ trong ngày 3/10 vừa qua.
Bắc Cực Quang ở bang South Dakota, Mỹ.
Hiện tượng Bắc Cực Quang đã đi vào văn hóa dân gian ở nhiều nước thuộc vùng cực. Chẳng hạn thần thoại Na Uy lý giải hiện tượng thiên văn này như sau: Các nữ chiến binh cưỡi ngựa trời, áo giáp và giáo mác của họ tỏa ra thứ ánh sáng diệu kỳ, chiếu sáng toàn bộ bầu trời phương Bắc.
Một từ cổ trong tiếng Thụy Điển dành để gọi hiện tượng Bắc Cực Quang - “sillblixt”, nghĩa là ánh sáng cá trích. Người Thụy Điển xưa kia tin rằng ánh sáng phương Bắc được tạo ra do sự phản chiếu ánh sáng từ vảy của đàn cá trích lên bầu trời.
Hiện tượng Bắc Cực Quang xảy ra gần đây nhất được ghi nhận là vào rạng sáng ngày 3/10 vừa qua.
Trong tiếng Phần Lan, tên gọi của ánh sáng phương Bắc là “revontulet”, nghĩa là cáo lửa. Theo truyền thuyết, có những con cáo biết tạo ra lửa, chúng sống ở vùng đất thần tiên cổ tích Lapland, khi chúng phất đuôi, những tia lửa được tạo ra và phản chiếu ánh sáng lên nền trời.
Trong văn hóa dân gian của người Eskimo tại Greenland và miền bắc Canada, ánh sáng phương Bắc được coi là hiện thân của linh hồn người đã khuất. Ở trên trời, họ đang chơi bóng, những quả bóng bay qua bay lại trên bầu trời tạo thành những vệt sáng rực rỡ. Họ gọi hiện tượng này là “aqsalijaat”, nghĩa là dấu vết của những người chơi bóng.
Hai người đàn ông Mỹ dậy đi làm từ lúc trời còn chưa sáng, họ dừng lại ven đường để chiêm ngưỡng hiện tượng Bắc Cực Quang từ thị trấn Easton, bang Maine, Mỹ ngày 3/10 vừa qua. Đây là một trong những dịp hiếm hoi khi ánh sáng quét rộng xuống phía Nam, vượt qua cả lãnh thổ Canada để đến Mỹ.
Dù hiện tượng Bắc Cực Quang đã được giới khoa học nghiên cứu và lý giải từ hàng trăm năm nay nhưng xung quanh hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này vẫn có nhiều bí ẩn không thể giải đáp. Các nhà khoa học khẳng định có một nguồn năng lượng mạnh đến từ ngoài hành tinh giúp tạo nên hiện tượng ánh sáng rực rỡ này trên Trái Đất.
Iceland là một trong những đất nước hiếm hoi trên thế giới được chiêm ngưỡng rõ nét hiện tượng Bắc Cực Quang một cách thường xuyên. Người Iceland ví hiện tượng này như vũ hội của ánh sáng với các chùm sáng đa sắc nhảy múa trên bầu trời đêm.
Bích Ngọc