Màu sắc trang trí trên bộ trang phục của cô dâu, chú rể trong ngày trọng đại lấy điểm nhấn là màu vàng, thể hiện mong ước về một cuộc sống giàu có, sung túc cho cặp vợ chồng trẻ.
Con gái thứ 4 của quốc vương Indonesia - Hamengkubuwono X, tức công chúa Gusti Ratu Kanjeng Hayu, năm nay 29 tuổi đã chính thức kết hôn với người bạn trai lâu năm có tên Kanjeng Pangeran Haryo Notonegoro. Mối tình của họ đã kéo dài tròn 10 năm.
Cặp đôi lần đầu tiên gặp nhau ở một buổi dạ hội tại trường trung học, sau đó họ dần dần cảm mến và chính thức hẹn hò sau khi sang du học ở Mỹ.
Lễ cưới kéo dài 3 ngày, trong ngày đầu tiên (thứ 2 - 21/10), công chúa được đích thân mẹ đẻ - Hoàng hậu Gusti Kanjeng Ratu Hemas dội nước thơm để tẩy trần tại cung điện Kraton ở đảo Java. Đây là một nghi thức truyền thống có tên “Siraman”.
Chú rể Kanjeng Pangeran Haryo Notonegoro trong những ngày này phải mặc áo trắng. Anh xuất hiện tại cung điện Kraton cùng với những người đàn ông trong gia đình.
Lễ cưới Hoàng gia kéo dài trong 3 ngày với rất nhiều nghi lễ truyền thống nhằm thể hiện quy tắc lễ nghi cùng sự giàu có, xa hoa trong Hoàng tộc Indonesia. Lễ cưới sẽ kết thúc vào ngày thứ 4 (23/10). Cảnh cô dâu và chú rể thề nguyền sống với nhau trọn đời sẽ được truyền hình trực tiếp tại Indonesia.
Đoàn rước dâu sẽ bao gồm 12 cỗ xe ngựa Hoàng gia. Khoảng 750 khách
mời bao gồm các nhà ngoại giao, các chính khách trong và ngoài nước đã
được mời tới lâu đài Kraton tham dự sự kiện trọng đại này. Ngoài ra còn
có 1.500 vị khách được mời tới dự buổi chiêu đãi diễn ra bên ngoài lâu
đài.
Chú rể cũng được mẹ vợ tẩy trần bằng nước thơm khi đến xin dâu.
Vẻ đẹp của công chúa Hayu. Cô khoác trên mình một chiếc khăn được kết từ các bông hoa trong lúc thực hiện nghi lễ tẩy trần.
Một trong 12 cỗ xe ngựa dùng để đón dâu. Chú rể đang đứng cạnh chiếc xe ngựa quan trọng nhất để công chúa Hayu bước lên.
Trong 3 ngày diễn ra lễ cưới, ngày đầu tiên chỉ dành để cặp đôi nhận
những lời chúc phúc từ các bậc cha chú trong gia đình, đồng thời họ cũng
sẽ được tẩy trần bằng nước thơm ướp các loại hoa.
Chú rể Kanjeng Pangeran Haryo Notonegoro, 29 tuổi, hiện đang làm việc cho tổ chức Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ.
Công chúa Hayu lần thứ 2 quỳ trước cha mẹ để nhận những lời chúc phúc sau khi đã được thực hiện nghi thức tẩy trần “Siraman”.
Những người phục vụ trong lâu đài tích cực chuẩn bị cho một lễ cưới lớn sẽ được diễn ra trong 3 ngày với hàng trăm lượt khách.
Chú rể Kanjeng Pangeran Haryo Notonegoro trong bộ trang phục truyền thống với chiếc áo trắng - màu áo dành riêng cho chú rể trong lễ cưới.
Lễ cưới của công chúa út đã được tổ chức theo đúng phong cách Hoàng gia, thể hiện sự giàu có, sang trọng của Hoàng tộc. Đây là dịp mà mọi người dân Indonesia đều háo hức mong chờ bởi rất hiếm khi họ được chiêm ngưỡng, dù chỉ là qua báo chí và màn hình TV những hình ảnh lung linh, rực rỡ của một lễ cưới Hoàng gia.
Bộ trang sức cưới trong ngày thứ 2 của cặp đôi.
Vào buổi sáng ngày thứ 2, cha cô dâu, tức quốc vương Hamengku Buwono X chính thức gặp gỡ và trò chuyện với con rể mới. Buổi gặp được diễn ra tại đền thờ Hồi giáo Panepen, đặt trong cung điện Yogyakarta. Ở nghi lễ này, cô dâu phải lánh mặt ở bên trong.
Cha cô dâu sẽ yêu cầu chú rể thề nguyền chăm sóc, yêu thương con gái mình cả cuộc đời, sau khi chú rể thề trước mặt cha vợ và các quan khách, họ sẽ cùng ký vào bản hôn ước, chính thức hợp pháp hóa cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng trẻ.
Lễ cưới của công chúa út Gusti Ratu Kanjeng Hayu rất được người dân Indonesia đón chờ bởi phải rất lâu nữa họ mới có thể được chứng kiến một lễ cưới trọng thể như thế này.
Cặp đôi chụp hình lưu niệm.
Sau phần Akad Nikah (những nghi thức long trọng), lễ cưới sẽ được tiếp tục với phần Panggih (những cuộc trò chuyện vui vẻ, thân mật).
Một chi tiết đặc biệt tại lễ cưới là chú rể sẽ đập vỡ một quả trứng dưới bàn chân mình, đó được coi là hành động biểu tượng cho việc cặp đôi đã bước sang một trang mới trong cuộc đời, từ những người độc thân trở thành những người đã có gia đình.
Sau khi chú rể đập vỡ quả trứng sẽ đến phần nghi thức “Wijikan”, cô dâu rửa sạch chân cho chú rể để thể hiện sự chăm sóc tận tụy mà người vợ dành cho chồng.
Nghi thức “Dahar Klimah”, trong đó đôi vợ chồng trẻ cùng nhau dùng trà.
Cô dâu đang chuẩn bị thực hiện nghi thức rửa chân cho chồng.
Cô dâu thực hiện nghi thức “Wijikan” rửa chân cho chú rể sau khi chú rể đập vỡ một quả trứng bằng chân.
Nghi thức cuối cùng trong lễ cưới có tên là “Pondhongan”, lúc này cô dâu sẽ được một người đàn ông là họ hàng thân thiết trong gia đình cùng với chú rể làm kiệu tay để rước. Sau đó là nghi thức “Nayu”, cô đâu được cha chồng và chú rể làm kiệu tay rước đi vòng quanh trước sự chứng kiến của các vị khách mời.
Lễ cưới đón tiếp tổng cộng 750 vị khách tới lâu đài. Họ được tận mắt chiêm ngưỡng các nghi thức cầu kỳ trong lễ cưới của Hoàng gia Indonesia.
Trong cả lễ cưới, cô dâu phải luôn có những người thân là nữ giới đi bên cạnh, vai trò của họ là dẫn dắt cô dâu và chỉ cho cô thực hiện từng nghi lễ. Những người dẫn dắt này sẽ đi bên cạnh và ngoắc ngón tay út với cô dâu.
Cô dâu, chú rể chụp hình lưu niệm cùng họ hàng.
Bích Ngọc