Áo dài tham gia biểu tình, áo dài vào trại giam, áo dài trên chính trường quốc tế… Chiếc áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.
Với hơn 120 hiện vật, tư liệu và hình ảnh, triển lãm chuyên
đề: “Áo dài Phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” đang được tổ
chức tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM giúp người xem hiểu biết
thêm về lịch sử chiếc áo dài truyền thống.
Đã có thời, cứ bước chân ra đường là phụ nữ Việt Nam vận áo dài.
Không chỉ duyên dáng, thanh lịch, chiếc áo dài còn gắn bó mật thiết
trong đời sống sinh hoạt, lao động và hoạt động cách mạng của người phụ
nữ Việt Nam. Nhiều chiếc áo dài là kỷ vật quý giá của các nữ cựu chiến
binh, cựu tù chính trị, các chính trị gia được gửi về bảo tàng, mỗi
chiếc áo gắn liền với một câu chuyện lịch sử.
Bộ
trưởng ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973 tại
Paris.
Bà Tống Thị Ba thăm chồng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo năm 1967
Nữ sinh trường Đức Trí bãi khóa phản đối Lon-nol tàn sát Việt Kiều sinh sống ở Campuchia năm 1970
Áo
dài của bà Nguyễn Thị Phi Vân, tham gia phong trào thanh niên, học sinh
– sinh viên khu Sài Gòn – Gia Định từ năm 1960. Bà mặc áo dài đi rải
truyền đơn và vận chuyển vũ khí trong nội thành. Trong suốt 3 ngày đầu
bị bắt vào tháng 5/1966, bà kiên quyết mặc áo dài cho đến khi chiếc áo
rách nát sau các đòn tra tấn.
Chiếc máy may của liệt sĩ Mai Hồng Hạnh (tên thật
Mai Thị Nương, quê Kiên Giang). Bà tham gia cách mạng năm 14 tuổi. Từ
năm 1954-1957, bà sử dụng máy may cho hoạt động chính trị. Đầu tháng
9/1960, bà bị địch bắt và tra tấn dã man rồi giết hại 1 tháng sau đó.
Cựu chiến binh Nguyễn Quế bị bắt năm 1957 tại khu vực Khánh Hội (quận
4) khi đang gây dựng cơ sở tại khu vực Thủ Thiêm, rồi bị giam tại nhà
lao Gia Định 2 năm kể lại một câu chuyện xúc động về áo dài: “Mỗi chủ
nhật, tập thể nam vào nhà lao gom quần áo mang sang tập thể nữ để may
vá. Một lần khi nhận đồ đã may vá xong, tập thể nam phát hiện thừa một
chiếc quần đùi được may từ vải của chiếc áo dài, trên đó có một bài thơ
viết bằng phấn thợ may:
“Cắt đoạn hai thân chiếc áo dài
Em may quần cụt gửi cho ai
Rách lành đùm bọc trong cơn thiếu
Khuyên giữ cho tròn bổn phận trai”
(Tập thể nữ nhà lao Gia Định năm 1959)
Áo dài thêu hoa của phụ nữ mặc tham gia các buổi mitting, hội họp từ năm 1950 – 1960
Áo dài của cựu tù chính trị Côn Đảo – Lê Tú Cẩm mặc trong ngày cưới
Những chiếc áo dài được phụ nữ Việt Nam mặc khi đi biểu tình, hội họp, thăm nuôi chồng con bị bắt giam những năm 1960-1970
Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ được nhà thiết kế Sĩ Hoàng phục chế
Thông qua 30 hiện vật gốc, 90 hình ảnh, 60 câu chuyện kể đặc sắc,
sinh động, triển lãm muốn chuyển tải một thông điệp đến với mọi người:
“Hãy gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa áo dài Việt Nam”.
TheoHồng Nhung
Dân trí