Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Thành viên TPP cam kết về thuế nhập khẩu dành cho Việt Nam ra sao?

Ngày 5/10/2015, 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và đến ngày 6/11/2015 công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. Mới đây, tại cuộc họp báo chuyên đề hôm 9/11, Bộ Tài chính cũng đã công bố những cam kết về thuế nhập khẩu mà các nước thành viên TPP dành cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính), các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… Về cơ bản, hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Hoa Kỳ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP.

Bên cạnh việc công bố chi tiết nội dung toàn văn bản Hiệp định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (http://www.mof.gov.vn), trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều hôm 9/11/2015, đại diện Bộ Tài chính cũng đã cung cấp thêm các thông tin về cam kết thuế nhập khẩu mà các nước dành cho Việt Nam một khi Hiệp định TPP chính thức đi vào hiệu lực, cụ thể:

Cam kết của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Về nông nghiệp, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay. Vào năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp mà Hoa Kỳ xóa bỏ cho Việt Nam là 97,4%. Quốc gia này cũng áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường.

Về công nghiệp (trừ dệt may), sẽ có 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp cho Việt Nam.

Đối với Thủy sản, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).

Đối với giày dép, 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế có kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40% - 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 12.

Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5). Điện, điện tử: khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10. Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau tối đa vào năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với dệt may, 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD). Vào năm thứ 5 sau khi Hiệp định được triển khai, sẽ có thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết của Canada

Canada cam kết xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4. Tuy nhiên, Canada vẫn duy trì hạn ngạch thuế đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: (i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa.

Nông sản, điện, điện tử của Việt Nam được Canada xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Mặt hàng đồ nội thất, cao su sẽ được xóa bỏ hoàn toàn ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc vào năm thứ 5. Các mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Canada sẽ xóa bỏ đa số thuế đối với mặt hàng giày dép ngay khi Hiệp định có hiệu lực (chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu giày dép), 12% kim ngạch xuất khẩu sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 7, 01 dòng thuế có có kim ngạch lớn (chiếm 10,7% kim ngạch giày dép) sẽ được cắt giảm 75% so với mức hiện hành và 09 dòng cam kết xóa bỏ vào năm thứ 12 (9,5% kim ngạch xuất khẩu giày dép).

Cam kết của Nhật Bản

Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tương đương 10,5 tỷ USD) và xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế vào năm thứ 11.

Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật Bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng.

Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ.... Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong khi đó, mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Mặt hàng mật ong: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 8; Mặt hàng giày dép: 79,5 % kim ngạch các xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16; và Mặt hàng vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

Đối với dệt may, 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.

Cam kết của Mexico

Tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay (chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD). Vào năm thứ 10 sau khi Hiệp định có hiệu lực, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng với 440 triệu USD. Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ.

Đối với Thủy sản như cá tra, basa, Mexico sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Tôm đông lạnh xóa bỏ vào vào năm thứ 13; Tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 12. Cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%.

Đối với nông sản, thóc, gạo lứt và gạo tấm xóa bỏ thuê ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng gạo xay xát sẽ giảm về 0% vào năm thứ 10. Gạo: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. Cà phê: Xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với Dệt may, Mexico xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 16. Giày dép, xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 13; Túi xách cũng được xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.

Cam kết của Peru

Peru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Peru duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường.

Các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điều, chè, tiêu, rau quả và một số loại cà phê cũng đều được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Nhóm mặt hàng dệt may, giày dép lại có lộ trình cắt giảm dài, xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đến năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết của Australia

Tổng số 93% số dòng thuế của Australia, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

Cam kết của New Zealand

New Zealand sẽ xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). Vào năm thứ 7 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

Cam kết của Malaysia

Malaysia cam kết xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Malaysia lên tới 99,9%. Tuy nhiên, Malaysia áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, thịt lợn và thịt bò.

Cam kết của Chi-lê

Chi-lê cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi-lê (76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chi-lê sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Giày dép, cao su sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình tối đa vào năm thứ 4. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ tối đa vào năm thứ 8.

Cam kết của Brunei

Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Brunei sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Cam kết của Singapore

Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi thực hiện Hiệp định.

TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Pêru, Chi-lê, Canađa, Mexico và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới.

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/