Hệ thống luật pháp của Việt Nam vừa thiếu, vừa lằng nhằng và phức tạp. Ảnh minh họa.
Ban hành VBQPPL: quá nhiều chủ thể
Phát biểu trong cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm qua, ông Võ Văn Tuyển, Phó vụ trưởng Vụ các vấn chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nói rằng, dự thảo mới Luật Ban hành VBQPPL mà bộ này xây dựng, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua sẽ có nhiều điểm mới làm đơn giản hóa, minh bạch hóa quá trình ban hành VBQPPL của VN.
“ Hiện nay, có thực tế là nhiều khi DN, người dân không phân biệt được văn bản nào là VBQPPL, văn bản nào không phải VBQPPL vì nhiều khi công văn, công điện cũng chứa nội dung quy phạm pháp luật”, ông Võ Văn Tuyển nói. Cho nên, ngay trong dự thảo luật mới,Bộ Tư pháp đưa ra định nghĩa mới lại về VBQPPL: “QPPL là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi người trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước ban hành”.
Theo ông Tuyển, hiện nay, VN có quá nhiều cơ quan ban hành VBQPPL và có rất nhiều hình thức ban hành: có 19 chủ thể và 28 loại VBQPL. Trong đó, hiện nay, 11.000 xã, phường trên cả nước cũng có 3 chủ thể ban hành được VBQPPL…nên khiến hệ thống quá phức tạp. “Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải nghiên cứu giảm bớt để VBQPPL đơn giản hơn, giảm chi phí và tăng tính tuân thủ pháp luật”, ông Tuyển cho biết.
Cụ thể, theo ông Tuyển, dự án luật mới sẽ bỏ đi 6 dạng chủ thể ban hành còn 13 và bỏ đi 15 loại VBQPPL để chỉ còn 13. “Sẽ bỏ các dạng văn bản như: nghị quyết Quốc hội, nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước; chỉ thị của Chủ tịch UBND các cấp, các văn bản liên tịch của các bộ …Hy vọng vì thế, hệ thống VBQPPL đơn giản rất nhiều, sẽ không còn phức tạp nhất thế giới”, ông Tuyển nói.
Ngoài ra, theo đại diện của Bộ Tư pháp, dự thảo mới sẽ tách bạch quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo VBQPPL, quy định rõ ràng 6 bước xây dựng luật. Đặc biệt, liên quan đến các DN, theo luật mới sẽ có quy định kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư của các bộ do dạng văn bản này tác động đến DN rất lớn. “Bất kể quy định nào liên quan đến lợi ích DN, người dân sẽ phải lấy ý kiến bắt buộc từ DN, tránh tình trạng làm thông tư khép kín; nếu có ảnh hưởng đến DN, người dân trên diện rộng thì bắt buộc cơ quan soạn thảo phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định gồm nhiều cơ quan, có ý kiến các chuyên gia nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến của DN…để đảm bảo khách quan”, ông Tuyển cho biết thêm.
Doanh nghiệp: khó thay đổi thực trạng
Theo luật gia Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc tế VN, thời điểm hiện nay, đã có rất nhiều nhóm lợi ích tác động đến quá trình làm chính sách, nên cộng đồng DN không nên thụ động trong quá trình xây dựng luật của cơ quan nhà nước nữa.
“Chúng ta thấy, ở một kỳ họp một hội đồng nhân dân ở TP HCM vừa rồi, có đại biểu vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết thì ông đó đại diện cho lợi ích nào hay không ai cả?”, ông Huỳnh đặt câu hỏi.
Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hiệp hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN ủng hộ việc sớm ban hành Luật Ban hành VBQPPL mới, giảm tình trạng “Hiến pháp nhỏ hơn luật, luật nhỏ hơn nghị định, nghị định nhỏ hơn thông tư” vì Luật cũng phải chờ thông tư có hiệu lực mới áp dụng được như hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện một số DN và hiệp hội DN tại hội thảo tỏ ý nghi ngờ về hiệu lực của Luật Ban hành VBQPPL mới.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng, luật này bản chất quy định về quy trình xây dựng luật nên cần phải làm minh bạch cho cả quy trình. Theo ông Hưng, hiện nay, các bộ cũng có tiếp thu ý kiến DN nhưng cách làm rất hình thức.
“Cơ quan soạn thảo lấy ý kiến dân chủ ở dự thảo 1 nhưng khi sắp ban hành thì không đúng gì bản 1 và khi trình họ nói đã xin ý kiến cho nên, nếu sửa luật, cần ghi rõ là xin ý kiến vào dự thảo cuối cùng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Hưng góp ý.
Ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vechi cho rằng, với dự thảo Luật Ban hành VBQPPL này thì khi ban hành cũng khó thay đổi tình trạng hiện nay vì “cơ quan hành pháp vẫn là cơ quan nắm vai trò chủ đạo trong quy trình làm luật từ đề xuất, soạn thảo, trình. Dấu ấn lạm quyền cơ quan hành pháp, vừa đá bóng vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo ông Hòa, để tránh tình trạng này thì cần tăng cường vai trò của cơ quan lập pháp, khuyến khích sự tham gia của người dân, DN vào quá trình làm luật.
Theo ông Hòa, “Chúng tôi rất trông chờ vào quy định 1 luật sửa nhiều luật như đã ban hành để tiết kiệm nguồn lực, thời gian ban hành và tương tự nên làm thế với các nghị định, thông tư. Hiện nay, DN, người dân tìm văn bản rất khó khăn vì tình trạng sửa đổi liên tục các luật, nghị định…làm cho rối lên như mớ bòng bong. May ra các cơ quan chuyên nghiệp mới tìm đúng quy định. Do vậy, khi sửa đổi nên thiết kế theo phụ lục gốc ban đầu”.
Đại diện Hiệp hội Vận tải VN cho rằng, VN nên tiến tới có các tổ chức chuyên soạn luận như ở nhiều nước, không để cho các bộ, hành xây dựng dự thảo luật rồi lại xây dựng nghị định, thông tư kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội đề nghị cần có những quy định chế tài, xử lý cán bộ, công chức làm chính sách, quy định sai, gây thiệt hại cho DN và người dân.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI công bố kết quả khảo sát của VCCI trên 1.000 doanh nghiệp đầu năm nay. Theo khảo sát này, khoảng 70% DN biết đến VBQPPL qua nguồn tin báo mạng; khoảng 45% biết qua truyền hình, chỉ khoảng 30% biết đến qua website của cơ quan nhà nước; 18% qua báo in, 15% qua đài phát thanh, 10% qua các hội thảo của các cơ quan nhà nước...” Đại đa số DN biết đến VBPL vào thời điểm ban hành, có hiệu lực và triển khai thực hiện. Có rất ít DN biết đến các chính sách khi chính sách đó còn ở dạng ý tưởng (26 ý kiến) và còn ở dạng dự thảo (60 ý kiến). Cũng chỉ có một tỷ lệ rất thấp DN được hỏi ý kiến qua email, công văn, điện thoại…để góp ý, có ý kiến phản hồi với các dự thảo chính sách”, ông Tuấn cho biết. “Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay, ảnh hưởng công nghệ thông tin đến vấn đề phổ biến chính sách rất tích cực. Qua khảo sát cũng thấy, các DN tham gia các tổ chức hiệp hội thì nắm bắt chính sách tốt hơn các DN không tham gia hiệp hội nào. Và các cơ quan nhà nước hiện nay chú ý đến lấy ý kiến doanh nghiệp lớn mà ít chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ. Đây là những điều đáng lưu ý”, VCCI nhận định. |