Được sự kết nối của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga Dương Hoàng Minh với Chủ tịch HBA-VACOD TS Nguyễn Hồng Sơn, ban lãnh đạo hai hiệp hội đã tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương Việt – Nga nhằm tiếp đón, trao đổi cơ hội hợp tác với đoàn doanh nghiệp của Nga đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chương trình hội nghị diễn ra vào chiều ngày 2/4 tại Hà Nội, sự kiện do Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn giao cho bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hanel chủ trì cùng với ông Artur Dmitrievich Leer, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga.
Tham gia sự kiện Hội nghị Kết nối giao thương Việt – Nga gồm có gần 70 đại biểu đến từ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Về phía Việt Nam, bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hanel, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực VACOD và bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cùng sự tham dự của 33 đại biểu là đại diện của 25 doanh nghiệp hội viên HBA-VACOD trên toàn quốc.
Về phía đoàn doanh nghiệp Nga gồm 15 đại biểu đến từ 12 doanh nghiệp do ông Artur Dmitrievich Leer, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga – AEI làm trưởng đoàn; Bà Irina Valeryevna Zasedatel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu và nhập khẩu Nga, Điều phối viên Ủy ban Thường trực thuộc Hội đồng tư vấn chuyên gia về thực hiện chính sách hải quan thuộc Cơ quan Hải quan Liên bang Nga.
Hội nghị còn có Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông ông Nguyễn Hồng Thành – người giữ vai trò kết nối quan trọng đối với nhiều hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nga . Sự hưởng ứng nhiệt tình này là một tín hiệu tích cực, hứa hẹn một hội nghị thành công và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầy tiềm năng giữa hai bên.
Các doanh nghiệp đến từ Nga hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghiệp hóa chất, cung ứng than và các sản phẩm luyện cốc, cung ứng vật liệu xây dựng từ gỗ, cung ứng sản phẩm vệ sinh thân thiện với môi trường, cung ứng sản phẩm thuộc danh mục superfood, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng, cây thuốc nguyên liệu, thảo dược, mỹ phẩm tự nhiên, thiết bị làm lạnh cho sản xuất, nhà hàng, khách sạn; tìm kiếm nhà cung cấp than gáo dừa, trái cây, trái cây xay nhuyễn (puree), cà phê, ca cao, sản phẩm kẹo bánh…, nhà cung ứng cao su và sản phẩm từ cao su, lốp xe, thủy hải sản, mỹ phẩm và các ngành hàng tiềm năng khác.
HBA-VACOD CẦU NỐI GIAO THƯƠNG, ĐƯA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VƯƠN TẦM QUỐC TẾ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Bùi Thị Hải Yến giới thiệu đến các đối tác Nga, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội HBA là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nơi quy tụ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội. Một trong những chức năng chính của Hiệp hội HBA là vai trò cầu nối, giúp nâng cao năng lực kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp hội viên, thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa doanh nghiệp hội viên với cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước.

Bà nhấn mạnh, Trong mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, thời gian vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội - HBA và Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD đã có nhiều hoạt động kết nối, hợp tác.
Sau khi điểm lại một số sự kiện quan trọng thể hiện sự kết nối, hợp tác giữa HBA-VACOD và các đối tác của Liên bang Nga trong thời gian qua, một lần nữa đại diện ban lãnh đạo HBA-VACOD khẳng định Hội nghị Kết nối giao thương Việt – Nga là hoạt động tiếp theo trong chuỗi các hoạt động nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác giữa HBA – VACOD với các đối tác đến từ Liên Bang Nga nói chung và thành phố St. Petersburg nói riêng.
“Chúng tôi tin rằng, với sự tham gia của 15 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các Nhà xuất nhập khẩu Nga và sự hiện diện của hơn 25 Doanh nghiệp hội viên HBA và VACOD, Hội nghị hôm nay sẽ mang lại nhiều thông tin thiết thực cho doanh nghiệp hai nước, làm cơ sở cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước chúng ta trong thời gian tới”, bà Yến bày tỏ kỳ vọng.
Tiếp sau bà Yến, trước khi hội nghị bước sang phần giới thiệu của các doanh nghiệp hai nước, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực VACOD, đã phát biểu, giới thiệu một cách toàn diện về các hoạt động đa dạng và sứ mệnh của VACOD trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam.

VACOD đã có 15 năm hình thành và phát triển (2010 – 2025) đến nay với hàng nghìn hội viên đa ngành nghề tại ba miền Bắc – Trung – Nam. Với tôn chỉ: “Xây dựng liên kết giữa Nhà nghiên cứu – Nhà sản xuất - Nhà phân phối. Mỗi hội viên vừa là khách hàng, vừa là đối tác, vừa là nhà đầu tư chiến lược của nhau”.
Hiệp hội là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp nội địa và các đơn vị nước ngoài, mang đến những cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thị trường và tăng cường tiếp cận khách hàng toàn cầu. Đồng thời, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ giữa các Doanh nghiệp với doanh nghiệp, với các tổ chức khác trong và ngoài nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và Quốc tế.
Nêu bật những ưu thế của VACOD, bà Thủy nhấn mạnh, các doanh nghiệp hội viên của hiệp hội có rất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ: Sản phẩm may mặc, nông sản của Tập đoàn Hồ Gươm, các sản phẩm từ Dừa thuộc Công ty CP đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO)...
Trong kỷ nguyên vươn mình, hội nhập kinh tế toàn cầu, tiềm năng cũng như việc hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Nga là một cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ.
Nga là một thị trường lớn, với nhu cầu tiêu dùng đa dạng, với sự kết hợp giữa những sản phẩm chất lượng của Việt Nam từ các Doanh nghiệp hội viên VACOD có thể tạo ra những giá trị thiết thực, con số ấn tượng về doanh thu cho cả hai bên.
Đặc biệt, với số lượng hội viên hoạt động đa ngành và trải dài khắp ba miền, kết hợp việc hiện nay VACOD đã kí thoả thuận hợp tác chung và chủ trì điều phối 38 Hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Hiệp hội khẳng định có thể hợp tác và kết nối với các đối tác Nga ở bất cứ lĩnh vực nào.
“Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam và Nga sẽ tìm thấy những mảnh ghép phù hợp để cùng bắt tay phát triển, từ đó thúc đẩy thương mại song phương ngày càng tăng trưởng”, đại diện lãnh đạo VACOD nêu rõ.
CƠ HỘI HỢP TÁC VỚI 5.000 DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU LIÊN BANG NGA
Ông Artur Dmitrievich Leer, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga – AEI cảm ơn sâu sắc ban lãnh đạo HBA-VACOD. Ông cho biết cực kỳ ấn tượng và ngưỡng mộ sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp và quy mô hoành tráng của chương trình Hội nghị Kết nối giao thương Việt - Nga.

Sự kiện này không chỉ thể hiện sự nỗ lực và tâm huyết của ban tổ chức mà còn là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác bền chặt và ngày càng phát triển giữa hai quốc gia. Đặc biệt, ông khẳng định sự hiện diện đông đảo của các doanh nghiệp hội viên đến từ cả hai hiệp hội, cho thấy sức hút mạnh mẽ và tiềm năng hợp tác to lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nga.
Ông Artur Leer cũng bày tỏ ngưỡng mộ trước những hoạt động năng nổ và hiệu quả của TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA, cùng đoàn doanh nghiệp trong chuyến công tác đáng nhớ tại Nga hồi tháng 11/2024. Ông không giấu được sự bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ trước tinh thần làm việc chuyên nghiệp, sự tận tâm và những thành quả đáng khích lệ mà hai hiệp hội đã đạt được.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga nhấn mạnh sự trân trọng đối với những chuyến viếng thăm và lịch làm việc dày đặc, thể hiện sự kết nối chặt chẽ và sâu rộng giữa hai hiệp hội với các đối tác tại Liên bang Nga. Ông cho biết, lịch trình làm việc bận rộn và sự chủ động trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ hợp tác của VACOD-HBA là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược và quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga lên một tầm cao mới.
“Ngoài hai thành phố xinh đẹp của nước Nga mà đoàn công tác VACOD-HBA đã đặt chân đến là Moscow và St. Petersburg thì chúng tôi còn có 89 tỉnh, thành phố khác. Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga sẵn sàng là cánh cửa để hỗ trợ doanh nghiệp hai hiệp hội VACOD-HBA tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp ở tất cả các địa phương trên đất nước Nga”, ông Artur Leer chia sẻ.
Theo lời giới thiệu của ông Artur Leer, Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Liên bang Nga được biết đến là tổ chức lớn nhất tại Liên bang Nga, sở hữu chuyên môn đặc biệt và kinh nghiệm thực tiễn trong các hoạt động kinh tế đối ngoại tại Liên bang Nga với hơn 5.000 thành viên.

Với kinh nghiệm dày dặn tích lũy qua nhiều năm hoạt động, Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu tự tin khẳng định rằng đơn vị sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào mong muốn chinh phục thị trường Nga đầy tiềm năng. Hiệp hội còn có khả năng kết nối không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ kết nối với các tổ chức chính quyền và tổ chức xã hội của Liên bang Nga theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi thấu hiểu những thách thức và khó khăn mà các doanh nghiệp có thể gặp phải, đặc biệt là trong quá trình xuất khẩu hàng hóa vào Liên bang Nga. Vì vậy, chúng tôi cam kết sẽ cung cấp sự hỗ trợ toàn diện, từ tư vấn pháp lý, tìm kiếm đối tác, đến giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia ngày càng bền chặt và phát triển”, ông Artur Leer nói.
Ngoài ra, ông Artur Leer cũng giới thiệu thêm về 2 sự kiện được tổ chức thường niên của hiệp hội là hội nghị được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại thành phố Vladivostok và một hội nghị, hội thảo lớn nhất được tổ chức vào tháng 9 tại Moscow.
Nhân đây, ông Leer cũng trực tiếp gửi lời mới đến Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, các Phó chủ tịch HBA Bùi Thị Hải Yến, Ninh Thị Ty; Phó Chủ tịch Thường trực VACOD Nguyễn Thị Thu Thủy cùng các doanh nghiệp hội viên tổ chức phái đoàn sang tham dự hội nghị, diễn đàn được Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Nga tổ chức vào ngày 19/9.
Tại diễn đàn, hiệp hội phía Nga sẽ tổ chức các diễn đàn, các chương trình làm việc để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với chính quyền và các doanh nghiệp của địa phương.
Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh kết nối giao thương giữa các thành viên của hai hiệp hội, đoàn công tác phía đối tác Nga cũng nhận thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành du lịch Việt Nam. Các thành viên trong đoàn thực sự ấn tượng trước sự đa dạng và vẻ đẹp của các điểm đến du lịch của Việt Nam.
Ông Leer cũng nói thêm: “Sau chuyến công tác này, chúng tôi sẽ dành thời gian để khám phá và trải nghiệm các tỉnh thành nổi tiếng với du lịch nghỉ dưỡng. Chúng tôi tin rằng, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên”.
DOANH NGHIỆP NGA ĐA NGÀNH NGHỀ TÌM KIẾM CƠ HỘI TẠI VIỆT NAM
Tiếp lời Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và nhập khẩu, bà Anastasia Yuryevna Sayanok, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác với Việt Nam thuộc AEI – người được đánh giá là có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kết nối giữa AEI với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu lần lượt các thành viên trong đoàn công tác Liên bang Nga.

Trong lời nói đầu, bà Anastasia “bật mí”, trong kế hoạch hoạt động sắp tới của AEI, đơn vị dự định sẽ tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VIETNAM EXPO 2026). Đơn vị cũng dự kiến sẽ mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các thành viên trong hiệp hội. Đặc biệt, trong những chuyến công tác sắp tới đến Việt Nam, Hiệp hội AEI sẽ huy động số lượng doanh nghiệp đông đảo hơn nữa để mở rộng lĩnh vực quan tâm và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nói riêng về Ủy ban Hợp tác với Việt Nam thuộc AEI, bà Anastasia cho biết, Ủy ban được thành lập với sứ mệnh cao cả là tạo dựng một cầu nối vững chắc, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thành viên trong việc tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Ủy ban sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự kết nối và trao đổi tích cực giữa cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung”, bà Anastasia nói.
Một trong những ưu thế vượt trội của Ủy ban Hợp tác với Việt Nam thuộc AEI là khả năng cung cấp thông tin toàn diện và chính xác cho các doanh nghiệp Nga khi họ quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Việt Nam. Ngược lại, đơn vị cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận và khai thác thị trường Nga đầy tiềm năng.
Với mạng lưới đối tác rộng khắp và kinh nghiệm chuyên sâu, đơn vị kết nối cam kết sẽ mang đến những thông tin hữu ích và những giải pháp tối ưu, giúp các doanh nghiệp vượt qua mọi rào cản và đạt được thành công trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh thêm về việc những sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam muốn tiến sâu vào thị trường Nga, Ủy ban Hợp tác sẵn sàng hỗ trợ về mặt tìm hiểu pháp lý cũng như các thủ tục cần thiết và chứng nhận đặc thù cho các sản phẩm này.
Đoàn công tác của Nga đến Việt Nam lần này, với sự góp mặt của 13 doanh nghiệp thành viên với một mục tiêu rõ ràng và quyết tâm cao độ. Các doanh nghiệp đều hiểu rằng, để đạt được thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế đầy cạnh tranh, việc xác định rõ nhu cầu và mong muốn hợp tác là vô cùng quan trọng. Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ, họ đến đây không chỉ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mà còn để xây dựng những mối quan hệ đối tác bền vững và lâu dài.
Lần lượt từng đại diện trong đoàn công tác Nga giới thiệu cụ thể lĩnh vực hoạt động và nguyện vọng tìm kiếm đối tác của mình:
Đầu tiên là phần giới thiệu của Luật sư Yury Alexandrovich Koval giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp lý. Ông Yury cho biết, doanh nghiệp của ông có rất nhiều các luật sư, chuyên gia pháp lý chuyên tư vấn, đồng hành cùng các doanh nghiệp Nga giải quyết những vấn đề kinh doanh, kinh tế và kế toán.

Vị luật sư chia sẻ rằng họ làm việc với những công ty hàng đầu tại Nga, do đó, các đối tác của công ty ông đều là những đối tác đáng tin cậy. Về cá nhân mình, ông Yury không chỉ là một luật sư mà còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhân văn khác.
Ông cũng nhấn mạnh, mặc dù công ty của ông đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian hoạt động, nhưng họ không chỉ muốn hợp tác với các tập đoàn lớn mà còn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty ông là hỗ trợ pháp lý, tư vấn kết nối với các cơ quan chính phủ và quản lý rủi ro, giúp các doanh nghiệp phân tích và giảm thiểu rủi ro.
Ông bày tỏ sự mong đợi được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam và hy vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ không chỉ trong buổi hội nghị này mà còn tại thành phố Moscow trong tháng 9 tới.
Tiếp theo, ông Aleksandr Vladimirovich Bachevsky, Giám đốc Thương mại Công ty Refettoi, giới thiệu hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thiết bị tủ lạnh, tủ trưng bày thực phẩm trong khách sạn…
Đại diện công ty Nga đã chia sẻ rằng họ có một nhà máy với bề dày lịch sử hoạt động từ năm 1950, tích lũy được nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thiết bị cho hệ thống khách sạn và nhà hàng.

Nhà máy của họ áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất, với 40 hệ thống màu sắc đa dạng và 380 phương án sản xuất mặt tiền cùng các thiết bị khác. Với hơn 70 năm kinh nghiệm, họ tự tin rằng các sản phẩm của mình hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp đã giới thiệu một số sản phẩm của họ, những sản phẩm đang được sử dụng rộng rãi trong chuỗi các khách sạn lớn tại Liên bang Nga, bao gồm cả các khách sạn 5 sao sang trọng. Bên cạnh đó, họ cũng cung cấp một số thiết bị chiếu sáng đặc biệt sử dụng đèn LED, phù hợp cho việc lắp đặt trong các nhà hàng. Đặc biệt, họ nhấn mạnh về hệ thống thiết bị chuyên dụng cho các chuỗi nhà hàng tự chọn, một giải pháp đã được họ triển khai thành công tại nhiều địa điểm.
Sau đó là phần giới thiệu của bà Kira Sergeevna Koval, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến thảo dược hoang dã và Superfood Nga “Tài nguyên sinh thái quốc gia” về năng lực cung cấp nguyên liệu, sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hữu cơ…
Bà Kira Sergeevna Koval chia sẻ rằng hiệp hội của họ quy tụ nhiều doanh nghiệp thành viên, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh đó cũng có sự tham gia của một số tập đoàn lớn.

Hiệp hội chuyên cung cấp các nguyên liệu và sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm các loại quả mọng và thực vật, đồng thời sản xuất thực phẩm hữu cơ từ những nguyên liệu này. Hiệp hội là nơi kết nối các công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Hiệp hội sẽ tiến hành đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Liên bang Nga.
Theo đánh giá, tiềm năng tài nguyên thực vật hoang dã của Liên bang Nga ước tính khoảng 15 tỷ USD. Họ tin rằng, từ nguồn tài nguyên quý giá này, họ có thể sản xuất ra các sản phẩm thuộc dòng Superfood, một loại siêu thực phẩm tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật hoang dã. Họ ước tính rằng, tiềm năng thị trường của các sản phẩm này có thể đạt tới 30 tỷ USD, và bày tỏ mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực pháp lý và marketing để đưa sản phẩm của họ vào thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung.
Về phần mình, ông Maksim Valeryevich Rudev, Giám đốc phát triển Công ty TNHH Forbard – Trans giới thiệu về hoạt động logistics, dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Đại diện công ty logistics Nga cho biết họ hợp tác với các công ty hàng đầu tại Liên bang Nga, bao gồm các nhà phân phối và chuỗi bán lẻ lớn, những đối tác đã hoạt động từ năm 2000. Ngoài các đối tác tại Nga, họ còn mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, minh chứng là việc thành lập văn phòng chi nhánh tại Dubai, UAE, Trung Quốc và Uzbekistan.

Hiện tại, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ logistics, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa quốc tế, với khối lượng công việc lên đến khoảng 1.500 hợp đồng vận chuyển mỗi tháng.
Do đặc thù là doanh nghiệp vận tải, họ cung cấp đa dạng các dịch vụ, không chỉ giới hạn ở vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trong container mà còn bao gồm vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường bộ.
Ông Maksim cũng nhận định rằng, trong bối cảnh hiện tại, quan hệ hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, dựa trên nền tảng lịch sử và quan hệ đối tác thương mại hữu nghị giữa hai nước. Họ nhận thấy Việt Nam là một thị trường xuất nhập khẩu đầy tiềm năng với kim ngạch lớn. Do đó, họ bày tỏ mong muốn được thâm nhập thị trường Việt Nam và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Doanh nghiệp Nga bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các cảng lớn của Việt Nam, đặc biệt là cảng Hải Phòng và TP.HCM. Sau khi đã mở rộng mạng lưới với các văn phòng chi nhánh tại ba quốc gia trên thế giới, họ mong muốn tiếp tục mở văn phòng tại Việt Nam. Họ tin rằng, việc thiết lập văn phòng tại Việt Nam sẽ là một bước tiến quan trọng, mang lại cơ hội hợp tác và lợi nhuận lớn cho cả họ và các đối tác Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp tư vấn quản lý rủi ro kinh doanh, ông Maksim Vladimirovich Gmyrya, Chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm thuộc AEI giới thiệu đa lĩnh vực hoạt động.
Lĩnh vực hoạt động chính của họ là hợp tác với các công ty vận tải logistics và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Ngoài ra, với 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và là chủ sở hữu của công ty bảo hiểm, ông cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam với những điều kiện tốt nhất trên thị trường về bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu sang Nga, cũng như các gói bảo hiểm doanh nghiệp khi hợp tác với đối tác Nga.
Dựa trên uy tín của Hiệp hội và Ủy ban Bảo hiểm, ông đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi thâm nhập thị trường Nga. Ông tin rằng đội ngũ của mình có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hợp tác với đối tác Nga.
Ông khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam gửi yêu cầu đến Hiệp hội và Ủy ban Bảo hiểm để được tư vấn và tìm ra giải pháp tối ưu cho các dự án đầu tư và hợp tác. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Lĩnh vực thứ hai, ông Maksim cho biết doanh nghiệp của mình là một trong số ít những công ty tại Liên bang Nga chuyên sản xuất các sản phẩm tẩy rửa và khử trùng hữu cơ. Ông nhấn mạnh rằng, gần như tất cả các sản phẩm của họ đều được sản xuất từ các thành phần hữu cơ và thiên nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và khẳng định rằng, sản phẩm của họ 100% không độc hại, không chỉ có nguồn gốc tự nhiên mà còn chứa các hoạt chất tẩy rửa hiệu quả. Ông chia sẻ rằng, ông đã sử dụng chính những sản phẩm này trong gia đình mình hơn hai năm qua.
Các sản phẩm của họ phù hợp cho nhiều lĩnh vực, bao gồm các cơ sở sản xuất thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, văn phòng, doanh nghiệp chế biến và chuỗi sản xuất thực phẩm chăn nuôi. Sản phẩm của họ cũng được phân phối trong danh mục hàng hóa của các công ty thương mại lớn như JET. Nhân sự kiện hôm nay, họ muốn tìm đối tác phân phối những sản phẩm này tại Việt Nam.
Tiếp đến là phần giới thiệu của ông Roman Vasilievich Burlachuck, chủ sở hữu Công ty TNHH CRS về hoạt động phân phối sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng tại các chuỗi bán lẻ.
Đại diện công ty phân phối thực phẩm và đồ uống Nga cho biết họ là một nhà phân phối lớn tại Liên bang Nga. Năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ của bà Anastasia, họ đã có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm từ Việt Nam.

Mục đích của chuyến công tác lần này là tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ, để có thể nhập khẩu những sản phẩm đó vào thị trường Nga. Mặc dù trình bày ngắn gọn, nhưng ông đã nêu rõ mục đích của mình và bày tỏ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Đại diện cuối cùng trong đoàn công tác chia sẻ lĩnh vực hoạt động là ông Maksim Aleksandrovich Kolomiyets, chủ sở hữu một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm từ dừa.
Doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng tại Việt Nam cho một số mặt hàng: Sữa dừa và trái cây nghiền đông lạnh. Đối tác doanh nghiệp tìm kiếm là các nhà cung cấp có khả năng sản xuất các sản phẩm từ sữa dừa và trái cây nghiền đông lạnh, nước dừa, sữa dừa và các sản phẩm liên quan.
Ông mong muốn hợp tác với các nhà cung cấp chuyên về nước dừa, sữa dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa, các loại sốt, đồ chấm. Than dừa chất lượng cao cũng là sản phẩm mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP HỘI VIÊN HBA-VACOD
Vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO) lập tức lên xe chạy một mạch tới ngay tới Hội nghị. Doanh nhân xứ dừa là chủ nhà máy của BEINCO được đặt tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, địa phương có vùng nguyên liệu chất lượng cao, cũng là địa phương có nghề chế biến dừa truyền thống lâu năm.

BEINCO là đơn vị sản xuất và xuất khẩu thực phẩm và thức uống từ dừa lớn tại Việt Nam, với quy mô 2 nhà máy, 8 dây chuyền sản xuất, tổng diện tích trên 2 hecta đất, hơn 200 người lao động, và kinh nghiệm hơn 7 năm hoạt động.
Sản phẩm của BEINCO với 7 dòng sản phẩm bao gồm: Nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc, creamer dừa béo đặc, cơm dừa sấy khô, dầu dừa nguyên chất, sữa dừa uống có thạch dừa, nước dừa có ga, nước dừa có cơm dừa. Sản phẩm đã xuất khẩu đến hơn 42 quốc gia trên thế giới, đạt nhiều chứng nhận quốc tế đối với chất lượng sản phẩm.
Nhấn mạnh thêm phần giới thiệu của ông Đức, bà Bùi Thị Hải Yến với vai trò chủ trì cho hay, doanh nghiệp của ông Đức là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, với tư cách Uỷ viên thường vụ VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, ông Đức chắc chắn sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp Nga và các doanh nghiệp đa ngành nghề hoạt động trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Tiếp theo là phần đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp là bà Ninh Thị Ty, cũng là Phó Chủ tịch HBA.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hồ Gươm giới thiệu doanh nghiệp với các đối tác Tập đoàn Hồ Gươm được thành lập từ năm 1992 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc và nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Đặc biệt, thị trường Nga được đánh giá là một thị trường tiềm năng lớn, hiện đang chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của công ty. Công ty cũng đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Nga từ rất sớm, với hơn 10 năm hoạt động.
Ngoài lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, Tập đoàn Hồ Gươm còn là một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm nông nghiệp của công ty đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Hiện tại, công ty đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng trái cây như thanh long và bưởi, đặc biệt là thị trường Nga.
Thông qua buổi hội nghị này, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm thêm các đối tác và khách hàng trong cả hai lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và nông nghiệp công nghệ cao.
Về phần mình, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Ủy viên BCH VACOD, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại New Sake Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong ngành ẩm thực Nhật Bản tại Việt Nam

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ba Thành, bà Đào Thị Hương, Giám đốc kinh doanh đã giới thiệu thêm về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Theo bà Hương, Ba Thành là thương hiệu may mặc nổi tiếng của Thủ đô, ba thế hệ làm nghề may veston handmade. Đặc thù của sản phẩm là sự sáng tạo mang tính cá nhân nên doanh nghiệp cũng hướng đến thị trường ngách với khách hàng, đối tác là những doanh nhân, chính trị gia và những người khách hàng có gu thời trang độc bản.

Chính vì vậy, thế mạnh của doanh nghiệp chính là những người thợ thủ công có tay nghề cao. Thứ hai, thời gian làm ra sản phẩm trả khách hàng cũng rất nhanh. Ba Thành tự tin có thể phục vụ cho các doanh nhân đến từ nước ngoài chỉ trong vòng 24-48 giờ. Ba Thành cũng mong có cơ hội được hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Nga để có thể mở rộng thương hiệu đến xứ sở Bạch dương.
Đại diện Công ty Cổ phần Hanel, đơn vị tổ chức hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Hanel cho biết, doanh nghiệp đã thành lập hơn 40 năm và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, hạ tầng khu công nghiệp sản xuất, công cụ hỗ trợ sản xuất tại Hà Nội.

Về lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, Hanel tự tin là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Đại diện doanh nghiệp bày tỏ, thông qua Hội nghị giao thương lần này, đơn vị sẽ có cơ hội tìm kiếm các đối tác tiềm năng.
Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm về những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp công nghệ thông tin và hạ tầng logistics. Ông nhận thấy rằng, đoàn doanh nghiệp Nga có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đây là cơ hội lớn để hai bên hợp tác và phát triển. Ông cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác trong các dự án đầu tư hạ tầng, chính sách và phát triển, tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tổng Giám đốc Hanel “bật mí”, doanh nghiệp đang là chủ đầu tư cho một dự án cảng cạn tại Hà Nội rộng 47ha phát triển lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp cũng đang sở hữu một đơn vị logistics hoạt động trên 30 năm.
Cũng đề cập đến lĩnh vực công nghiệp sản xuất phụ trợ, hiện Hanel đang có các công ty thành viên hàng đầu trong lĩnh vực này gồm công ty sản xuất hệ thống dây dẫn cho ô tô. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm các đối tác và khách hàng trong lĩnh vực gia công thiết bị điện tử.
Hanel cũng đang hoạt động trong lĩnh vực khách sạn với một khách sạn có vị trí đắc địa hàng đầu tại Hà Nội, là nơi tiếp đón nhiều vị chính khách quốc tế mỗi lần đến thăm Việt Nam. Tại đây cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao thương, hội nghị, hội thảo quan trọng. Ngoài ra, mảng xuất nhập khẩu và thương mại cũng là một lĩnh vực rất lớn trong tỷ trọng kinh doanh của đơn vị. Lãnh đạo Hanel bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ tìm được đối tác từ Liên bang Nga để hợp tác.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bà Nguyễn Hồng Oanh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Trung Thành cho biết, Trung Thành là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm gia vị, chuyên sản xuất các sản phẩm như nước mắm, gia vị, thực phẩm đóng hộp, dưa muối, gà và măng.

Công ty đã có hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển và xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, đồng thời xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nga, Đức và Tiệp.
Tại hội nghị lần này, Trung Thành mong muốn tìm kiếm các đối tác có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm gia vị của công ty. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng từ đối tác Nga, đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn kết nối với một doanh nghiệp trong đoàn với hy vọng có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác với công ty.
Bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mức kẹo Bảo Minh, một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo truyền thống Việt Nam và bánh kẹo hiện đại giới thiệu, hiện doanh nghiệp đang có 2 nhà máy sản xuất tại Hà Nội và TP.HCM.

Các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, gần đây nhất là thị trường Bắc Mỹ và Indonesia. Đối với các sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, công ty áp dụng phương pháp cấp đông để bảo quản. Các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài có thể bảo quản từ sáu tháng đến một năm.
Tại thị trường trong nước, sản phẩm của Bảo Minh đã có mặt ở tất cả các hệ thống siêu thị lớn nhỏ, cũng như các chợ truyền thống trên toàn quốc.
Đại diện doanh nghiệp tiếp theo là bà Hồ Thị Phúc, Ủy viên BCH VACOD, Giám đốc Công ty TNHH Thái Xuân Việt, tự hào là một nhà khai thác các thảo dược cao cấp của Trung Quốc, trong đó nổi bật là sản phẩm từ nguyên liệu thảo dược tự nhiên như đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, bà còn sở hữu một thương hiệu rượu đang phân phối trên toàn Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Sống Chất Khỏe Đẹp Vui - một doanh nghiệp về hàng thủ công và thực phẩm chức năng hào hứng giới thiệu về lĩnh vực hoạt động của mình.
“Chúng tôi đã nghiên cứu thành công khoảng hơn 100 sản phẩm nano từ hoạt chất thiên nhiên và đã được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam. Vừa mới đây, chúng tôi cũng đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và đã xuất khẩu sang Singapore.

Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đang được bán tại đây. Chúng tôi rất mong muốn tìm kiếm những đối tác trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và hoàn toàn tự tin rằng chúng tôi sẽ hợp tác với quý vị để đưa ra những sản phẩm tiên tiến nhất của thế giới”, bà Tuyết chia sẻ về sản phầm thực phẩm chức năng đang được các đối tác rất quan tâm.
Ngoài ra bà Tuyết cũng giới thiệu các sản phẩm thủ công là khăn vẽ tay 3D và các đồ trang sức đá quý.
Đại diện doanh nghiệp dược phẩm – Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, bà Nguyễn Thị Miên Hà, Giám đốc thị trường nước ngoài của công ty cho biết sau 25 năm thành lập, doanh nghiệp đang có nhà máy sản xuất tại Hà Nội, Hà Nam và một vùng trồng dược liệu tại Sơn La.

Các sản phẩm của công ty Sang Thái Dương bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng được chiết xuất từ các thảo dược Việt Nam. Sản phẩm của doanh nghiệp có mặt hầu hết ở tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cũng như các bệnh viện trên khắp Việt Nam và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sao Thái Dương hiện tại đã có các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Anh, châu Âu và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó phòng đầu tư và phát triển Tổng Công ty Du lịch Hà Nội giới thiệu, đơn vị là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tại Việt Nam.

Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hiện tại họ có gần 30 doanh nghiệp thành viên, hoạt động trên 6 lĩnh vực chính, bao gồm lữ hành, khách sạn, thương mại, giải trí và cho thuê sân khấu. Trong lĩnh vực lữ hành, Tổng công ty có 3 doanh nghiệp thành viên, đơn vị cũng từng có văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, nhưng đã đóng cửa sau đại dịch COVID-19.
Tổng công ty cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý và vận hành các khách sạn từ trung đến cao cấp. “Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với tất cả các doanh nghiệp Nga trong sáu lĩnh vực của Tổng công ty Du lịch Hà Nội”, ông Ngọc đại diện cho doanh nghiệp bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Hảo, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) giới thiệu với các đối tác Nga, công ty là một nhà sản xuất và xuất khẩu chuyên nghiệp các giải pháp nông sản, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Thị trường xuất khẩu của công ty đã mở rộng đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Công ty cung cấp đa dạng các sản phẩm, bao gồm hàng nông sản, thực phẩm nguyên liệu và chế biến, các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, đóng gói và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất làm từ nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam.
Hapro đã liên tiếp 7 năm liền đạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia và nhiều năm liền đạt danh hiệu Nhà xuất khẩu uy tín của Việt Nam do Bộ Công Thương trao tặng. Công ty có hơn 25 năm kinh nghiệm xuất khẩu và hoạt động trên nhiều thị trường quốc tế. Hapro cam kết cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị trường, với giá cả cạnh tranh và chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Trong lĩnh vực thiết kế nội thất, bà Nguyễn Thị Bích Xuyến, Giám đốc Công ty CP Thiết kế và thi công nội thất XGREENHOME chia sẻ, doanh nghiệp hướng đến dòng sản phẩm sofa cao cấp, được chế tác từ các chất liệu truyền thống của Việt Nam như gỗ tự nhiên chạm khắc tinh xảo, kết hợp với sơn mài và da bò nhập khẩu từ Italia, một chất liệu nổi tiếng trên thế giới.

Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm sofa với chất lượng cao cấp, đáp ứng nhu cầu của các công trình đòi hỏi độ tỉ mỉ cao. Họ bày tỏ mong muốn tìm kiếm đại diện tại Nga để nhập khẩu và phân phối sản phẩm của mình, đồng thời giới thiệu sản phẩm đến các công trình và khách hàng có nhu cầu cụ thể.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Công ty Bảo Việt Tràng An giới thiệu là đơn vị thành viên của Bảo hiểm Bảo Việt, một trong những doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Bà Hà cho biết công ty vừa kỷ niệm 60 năm thành lập vào tháng 1/2025 và nhấn mạnh rằng đây là công ty bảo hiểm lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Bảo hiểm Bảo Việt là bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm bảo hiểm nhà xưởng, tàu thủy, hàng không, máy móc thiết bị, hàng hóa và xe cộ. Công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tất cả các hoạt động kinh doanh diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Họ bày tỏ sự sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp Nga và Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Di sản văn hóa Phương Đông, Giám đốc Công ty CP TM&DV XNK Phương Nam Group, bà Trần Thị Phương Mai giới thiệu công ty có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất trà và hiện đang tập trung phát triển dòng trà nghệ nhân từ cây trà cổ thụ Việt Nam, với mong muốn đưa sản phẩm mang giá trị văn hóa này ra thị trường quốc tế.

Đại diện doanh nghiệp cũng giới thiệu về thương hiệu Kim Yến, chuyên sản xuất và kinh doanh các dòng yến chưng sẵn và yến tinh chế, hướng đến đối tượng khách hàng quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á.
Tại hội nghị này, công ty trà mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác để cùng phát triển và xuất khẩu dòng trà thủ công cao cấp, đặc biệt là thị trường Nga. Họ cũng bày tỏ mong muốn được kết nối với các đối tác uy tín trong lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử và logistics để mở rộng thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Trà, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn BSC, một tập đoàn đa ngày hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư và xúc tiến thương mại. Đại diện công ty cho biết, doanh nghiệp đã có những bước tiến lớn trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Từ năm ngoái, họ đã thành công trong việc thâm nhập vào các thị trường tiềm năng như Dubai (Trung Đông), Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi.

Với tham vọng tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, mục tiêu của công ty trong năm nay là chinh phục thêm nhiều thị trường mới.
Chủ doanh nghiệp sơn mài Thanh Bình, bà Nguyễn Thanh Bình giới thiệu, công ty của bà có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện tại, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu với sự hợp tác của nhiều nghệ nhân.

Năm 1990 là thời kỳ đỉnh cao xuất khẩu của công ty sang thị trường Nga. Tuy nhiên, sau những thay đổi của thị trường, hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của công ty là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các sản phẩm của công ty bao gồm đĩa, lọ và túi đựng đồ…
Thị trường trong nước của công ty chủ yếu tập trung vào việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng và khách du lịch. Bà Bình cũng nói thêm xưởng đã sản xuất một số mặt hàng mang phong cách và mẫu mã Nga để bán cho bạn bè và các cơ sở nhỏ lẻ ở Nga. Bà bày tỏ mong muốn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ với số lượng lớn, gợi nhớ về thời kỳ hợp tác trước năm 1990.
Chốt lại phần giới thiệu của các đại diện doanh nghiệp Việt Nam, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MB Travek Invest cảm ơn ông Nguyễn Hồng Thành, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông đã kết nối để doanh nghiệp có những hợp đồng hợp tác đầu tiên với đối tác trong khu vực.
Ông Tuấn cũng “khoe” nhờ sự kết nối làm tiền đề, năm nay công ty đã tổ chức các đoàn du lịch đến Viễn Đông, với sự tham gia của các người mẫu, thần tượng showbiz và các đối tác trong ngành giải trí của Việt Nam, những chuyến đi đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ông cũng đề cập đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 năm ngoái. Trong chuyến thăm đó, có người đã hỏi ông về khả năng mở đường bay thẳng giữa hai thủ đô. Ông thông báo, đường bay thẳng sẽ được khôi phục vào tháng 5/2025, chào đón du khách Nga đến Việt Nam.
Sau phần giới thiệu sôi nổi từ đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Nga, bà Bùi Thị Hải Yến tiếp tục vai trò điều hành chương trình. Với sự chuyên nghiệp và nhạy bén, bà Yến đã khéo léo đúc kết những điểm chính yếu trong bài phát biểu của ông Artur Dmitrievich Leer, nhấn mạnh vào tiềm năng và triển vọng của quan hệ hợp tác song phương.
Bà Yến nêu bật 3 điểm nhấn trong phần phát biểu của trưởng đoàn doanh nghiệp đến từ Nga: Thứ nhất, AEI sẵn sàng là “cánh cửa” để các doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường Nga. Thứ hai với hơn 5.000 doanh nghiệp thành viên, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đa ngành nghề giữa Việt Nam và Nga. Cuối cùng, AEI sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong khả năng để tư vấn giúp nếu những doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng vào Nga hoặc muốn tìm những bạn hàng để nhập khẩu về Việt Nam.
Ngược lại, bà Yến cũng nhấn mạnh để đối tác hiểu rõ, HBA-VACOD với hơn 1.500 hội viên cũng sẽ là “cánh cửa” để các doanh nghiệp Nga tìm hướng vào thị trường Việt Nam. Chỉ ngay trong khuôn khổ hội nghị, đã thấy rất rõ các doanh nghiệp hai nước đã tìm thấy “điểm chạm” ở nhau và sẵn sàng kết nối B2B trực tiếp.
Về phần mình, ông Artur Leer đã bày tỏ những cảm xúc sâu đậm trước khi sự kiện kết thúc. Ông bộc bạch, bản thân được nghe giới thiệu và trực tiếp gặp gỡ, chứng kiến nhiều doanh nghiệp của hai hiệp hội là những doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng của Việt Nam.
Việc thiết lập mối quan hệ và hợp tác với những doanh nghiệp hội viên của VACOD-HBA là một bước tiến quan trọng cho các công ty và doanh nghiệp tại Liên bang Nga khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông Artur Dmitrievich Leer khẳng định, qua những kênh thông tin được nghe, ông thực sự nhận thấy đây là một kênh thông tin vô cùng quan trọng đối với hiệp hội xuất nhập khẩu Nga.


Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng đầy ắp tinh thần hợp tác, trách nhiệm và đạt được những kết quả khả quan khi doanh nghiệp hai bên vẫn nán lại trao đổi thông tin và kết nối rất lâu. Thay mặt hai hiệp hội, bà Bùi Thị Hải Yến và bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã trân trọng gửi tặng ông Artur Dmitrievich Leer và đoàn công tác những món quà lưu niệm đặc biệt. Đó là biểu tượng của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội và Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam, những minh chứng cho sự gắn kết và tinh thần hợp tác bền chặt giữa hai bên.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc chính thức, tận dụng tối đa thời gian gặp gỡ hạn chế, bỏ qua những rào cản ngôn ngữ, các doanh nghiệp từ VACOD-HBA và Nga đã nhanh chóng thể hiện tinh thần hợp tác cao. Đặc biệt, nhờ ban tổ chức sắp xếp khoa học, rõ ràng và có số thứ tự cụ thể nên các doanh nghiệp hai nước đã nhanh chóng tìm đến nhau kết nối.
Họ chủ động tìm đến nhau thông qua những nội dung đã giới thiệu, trao đổi thêm thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ. Sự nhiệt tình này cho thấy mong muốn mạnh mẽ trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác bền vững.
Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa thời gian để khám phá những cơ hội hợp tác tiềm năng, từ đó mở ra những hướng đi mới trong kinh doanh. Những cuộc gặp gỡ này không chỉ là cơ hội để tìm hiểu về thị trường của nhau mà còn là dịp để xây dựng lòng tin và tạo dựng mối quan hệ lâu dài.
Sự nhanh chóng và hiệu quả trong việc kết nối các doanh nghiệp VACOD-HBA và doanh nghiệp Nga đã chứng minh vai trò quan trọng của hai hiệp hội trong việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích tức thì mà còn tạo nền tảng cho sự hợp tác bền vững.
Một số hình ảnh các doanh nghiệp hai nước giao lưu tại Hội nghị:





