Đài MBC, một trong những đài truyền hình lớn mạnh nhất Hàn Quốc trong lĩnh vực truyền hình giải trí, hiện đang sở hữu chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng - “Bố, bố đi đâu đấy?” - chương trình có tỉ lệ người xem cao nhất tại Hàn Quốc trong năm nay.
Nhân vật bố là một nhóm những nghệ sĩ nam nổi tiếng và con của họ. Bố
và các con sẽ cùng tham gia cắm trại và hoàn thành những nhiệm vụ được
chương trình đặt ra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sẽ có nhiều
tình huống gây cười được nhà đài ghi lại.
Chương trình “Bố, bố đi đâu đấy?”
Chương trình lần đầu lên sóng hồi đầu năm 2013 và ngay lập tức trở thành “vua” của các chương trình truyền hình thực tế, được phát sóng trong khung giờ vàng của ngày chủ nhật.
Chính thành công này đã khiến hàng loạt những đài truyền hình khác sản xuất những chương trình truyền hình thực tế tương tự, trong đó, đối tượng trẻ em được khai thác triệt để với những tình huống ngộ nghĩnh, gây cười để thu hút khán giả Hàn Quốc.
Đài KBS thậm chí còn tung ra hàng loạt chương trình như “Siêu nhân trở lại”, trong đó khai thác cuộc sống gia đình của những ông bố nổi tiếng hay “Chào bé con” với sự tham gia của các nghệ sĩ nam trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Họ được trao cho những đứa trẻ để chăm sóc và trải nghiệm cảm giác làm bố.
Chương trình “Chào bé con”
Các nhà sản xuất đều khẳng định rằng chương trình của họ là những
minh chứng rõ ràng của tiến bộ xã hội, trong đó những người đàn ông nổi
tiếng cũng phải đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc gia đình, con cái - những
nhiệm vụ trước đây vốn được người dân Hàn Quốc tin rằng chỉ dành cho nữ
giới.
Bỏ qua những lời giới thiệu hoa mỹ về ý nghĩa của chương trình, tờ
Korea Times của Hàn Quốc đặt ra nghi vấn: Liệu những đài truyền hình này
có đang khai thác sức lao động của đối tượng trẻ em nhằm mục đích tăng
lượng người xem?
Cô bé Yoon Da Young, một cô bé xinh xắn mang hai dòng máu Hàn - Việt đã trở nên nổi tiếng tại Hàn Quốc sau khi tham gia vào chương trình “Chào bé con”, em bắt đầu nhận được những lời mời làm người mẫu thời trang nhí và tham gia đóng phim.
Trước đó, nhiều chuyên gia giáo dục của Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự lo lắng khi có những em nhỏ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được người dân cả nước biết đến sau khi góp mặt trong chương trình truyền hình thực tế. Điều này có thể gây áp lực không cần thiết đối với các em.
Mô-típ chương trình truyền hình thực tế kết hợp giữa các nghệ sĩ nam nổi tiếng và các em nhỏ dễ thương hiện đang được nhà đài Hàn Quốc khai thác triệt để.
Mức độ phủ sóng rộng khắp của các chương trình truyền hình cũng đem lại những yếu tố bất lợi không ngờ cho các em nhỏ. Thực tế, khán giả khi xem chương trình luôn dành tình cảm rất cá nhân cho các em. Họ bình luận, yêu ghét theo cảm tính của riêng mình.
Thực tế, đã có những em nhỏ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội Hàn Quốc.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội nước này cho rằng luật pháp Hàn Quốc hiện chưa theo kịp sự phát triển của truyền thông. Hiện nước này đang thiếu luật bảo vệ đối tượng trẻ em khi làm việc trong môi trường truyền hình.
Nếu không được điều chỉnh kịp thời, những vấn đề nhức nhối sẽ xuất
hiện trong tương lai khi đối tượng trẻ em bị khai thác sức lao động thái
quá.
Nhiều người hiện đang nhầm lẫn khi cho rằng các em chỉ đơn thuần đang vui chơi trong một show truyền hình thực tế trong khi sau khuôn hình, các em bị yêu cầu thực hiện đi thực hiện lại những cảnh quay không đạt và phải hoàn thành những yêu cầu do đơn vị sản xuất chương trình đặt ra không khác gì người lớn.
Chẳng hạn, nhà đài có trách nhiệm phải giữ kín thông tin cá nhân của các em, hạn chế khung giờ làm việc của các em trong ngày và phải tôn trọng thời gian đi học của các em. Trong các điều luật này, trẻ em được coi như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm bảo vệ.
Bích Ngọc