Ở mỗi quốc gia vai trò của DNNVV đối với nền kinh tế có thể ở mức độ khác nhau. Nhưng tựu trung lại chúng luôn giữ vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Bởi số lượng DN chiếm tỷ trọng lớn và sử dụng nhiều lao động, là trụ cột của nền kinh tế địa phương; Hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển bằng việc cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ, cung cấp các nguồn nguyên liệu, gia công sản phẩm, phân phối và bán lẻ sản phẩm…
Ảnh minh họa |
Đối với Việt Nam, DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động, sử dụng 51% lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 40% GDP. Các công ty nhỏ hoạt động ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ thương mại, nông nghiệp, nông thôn. Nhất là khu vực nuôi trồng và chế biến nông thủy sản, thực phẩm, vận tải, công nghiệp phụ trợ...
Vì vậy, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển. Với mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNVV trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hệ thống chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho DNNVV về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển như: tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, chính sách phát triển phù hợp trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của DNNVV hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có 2 khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và vấn đề thuê đất đai.
Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và Phát triển DN đến năm 2020 đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhất là DNNVV, đang tạo được sự hứng khởi rất lớn trong cộng đồng DN.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ ngành tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng một cách thuận lợi nhất, nhưng phải đảm bảo an toàn vốn. Với chỉ đạo này, các biện pháp triển khai cần phải xuất phát từ thực tế vướng mắc của DN.
Ví như hiện nay các công ty xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế nên lãi suất cho vay vốn bằng VND không thể ở mức 7-10%/năm. Chính vì vậy NHNN nên nghiên cứu xây dựng chính sách dài hạn 5-10 năm cho các công ty xuất khẩu vay ngoại tệ với lãi suất bằng lãi suất huy động +1% đến 2%. Cân nhắc cho vay 50-70% doanh số xuất khẩu của DN và có biện pháp chế tài bằng cách chuyển sang lãi suất cao nếu không đạt doanh số xuất khẩu đăng ký.
Thực hiện hình thức bảo lãnh thanh toán (L/C) nội địa: Các nhà thầu phụ cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các nhà thầu chính hoặc chủ đầu tư có nguồn vốn Chính phủ hoặc vốn vay được đảm bảo (ODA, vay ngân hàng) thì ngân hàng sẽ tự động giải ngân cho nhà thầu phụ khi họ hoàn thành công việc. Quy định này xuất phát từ thực trạng hiện nay là DN lớn nợ dây chuyền và DN nhỏ chết vì lãi suất của các khoản nợ kéo dài.
Trong khi hiện nay các chủ đầu tư khu công nghiệp được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm, vay tín dụng trung hạn để đầu tư nhưng khi cho DN thuê lại thì đòi thanh toán một lần cho cả thời gian thuê (40-50 năm).
Điều này gây khó khăn rất lớn cho DNNVV, do nguồn vốn hạn hẹp, vì vậy giải pháp cho vấn đề này là cho vay đầu tư đối với các chủ đầu tư khu công nghiệp với yêu cầu cho các DN thuê lại được chọn hình thức thanh toán theo luật định: trả hàng năm, trả chậm 10 năm... Đồng thời cho DNNVV vay tín chấp theo hợp đồng thương mại.
Nếu điều này trở thành thực tiễn, môi trường kinh doanh sẽ như “ngọn lửa trong đêm” mở đường cho các DNNVV vượt qua những khó khăn, thách thức trên đường phát triển.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh