(DĐDN) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/5/2014, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 6,53%. Chỉ còn ba năm gói tín dụng này phải chấm dứt (1/6/2016) điều đó có nghĩa tốc độ giải ngân quá chậm.
Làm sao để thúc đẩy việc giải ngân gói tín dụng này hiệu quả và kết hợp với thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo Chương trình mục tiêu Nhà ở quốc gia? Xin đề xuất thêm một số giải pháp:
Gia hạn thời gian giải ngân
Trong trường hợp từ nay đến tháng 6/2016 gói tín dụng vẫn chậm và chưa được giải ngân hết, vậy có nên “khóa” phần chưa giải ngân? Theo quan điểm của tôi, nên gia hạn thêm thời gian, nếu gói tín dụng còn tiền.
Nhưng trước khi gia hạn thời gian, cần tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Để đẩy nhanh việc này, có thể “rút” bớt khâu xét duyệt thủ tục hiện nay đang khá rườm rà, đặc biệt đối với việc thẩm định và xét duyệt cho vay với các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội của DN. Nên để UBND các tỉnh thành địa phương có thể xem xét, lên danh mục các dự án và làm việc trực tiếp với đại diện Ngân hàng Nhà nước tại các chi nhánh địa phương. Theo đó, thời gian sẽ rút ngắn hơn và tạo điều kiện tốt hơn để DN nhanh chóng được thông qua thủ tục tiến đến tiếp cận vốn giải ngân cho dự án phát triển nhà ở xã hội. Qua đó, thị trường sẽ sớm có thêm sản phẩm mới.
Song song, ưu đãi cho các DN đang phát triển các dự án nhà ở thương mại có diện tích căn hộ dưới 70 m2, giá thành dưới 15 triệu đồng và đặc biệt những DN đang có dự án dở dang, sản phẩm quy mô nhỏ được tiếp cận gói tín dụng này.
Ân hạn cho người vay
Theo quy định, thời hạn người vay được hưởng khoản vay thuộc gói tín dụng là 10 năm, từ 2013 tới 2023. Thực tế thì chỉ những ai đã được kí kết hợp đồng vay và được giải ngân trong năm 2013 mới được hưởng thời hạn 10 năm của gói, những ai vay càng muộn, thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi của gói tín dụng càng rút ngắn. Trên thực tế nếu nhìn sang các nước đã đi trước phát triển nhà ở xã hội, đều có chính sách cho vay đối tượng nhà ở xã hội với thời hạn vay trên 20 năm. Hi vọng sắp tới cơ hội được tiếp cận gói vay này sẽ tăng thêm nếu các nhà quản lí có thể cân nhắc nới thời hạn lên ít nhất 15 năm, như một trong những nội dung mà HoREA đã kiến nghị.
Đối với DN, thời hạn được vay gói tín dụng lãi suất ưu đãi trong vòng 5 năm hiệ là hợp lí. Nhiều DN có dự án khởi công và có kế hoạch bàn giao sản phẩm trong vòng 24 tháng, do đó cũng nên xem xét tránh trường hợp việc nguồn lực giá rẻ khi được kéo dài thời gian vay cho mục đích ngoài dự án.
Ngoài ra, nên chăng có chính sách ân hạn cho các khoản vay từ gói tín dụng này. Cụ thể thời gian ân hạn lãi suất + nợ gốc của khoản vay là là trong 3 năm đầu tiên sau khi vay, không trả ngay. Sau ba năm, người dân có thêm một khoản tích lũy, tài chính vững vàng hơn, bắt đầu tính thời gian trả lãi + nợ gốc. Đây là một giải pháp khả thi nếu NHNN tính toán các chính sách để điều tiết sao cho có thể hỗ trợ tối đa người vay cũng như ngân hàng.
Niềm tin và cam kết
Theo tôi, NHNN nên có văn bản cụ thể hướng dẫn các ngân hàng về xét điều kiện cho vay trên phạm vi toàn hệ thống đối với đối tượng của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đặc biệt trong điều kiện chứng minh khả năng trả nợ. Theo khảo sát, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu người vay phải cung cấp bảng lương để chứng minh năng lực tài chính. Câu hỏi đặt ra là với những đối tượng mà bảng lương thấp, nhưng có thu nhập làm thêm tăng cao, thì cách nào để chứng minh?
Ở TP HCM vào năm 1989, Sở nhà đất TP đã bán 1.000 căn hộ trả góp đầu tiên cho người thu nhập thấp và 1.000 đối tượng đều đã trả nợ vay đúng hạn. Điều đó cho thấy người thu nhập thấp đô thị nói chung có danh dự của mình, và với những ai có khả năng một khi được vay, họ đều thực thi cam kết. Chúng ta cần có niềm tin vào người thu nhập thấp. Như vậy DN và ngân hàng cũng không lo “mất cả chì lẫn chài” nếu khoản nợ vay trở thành nợ xấu.
Về lâu dài, để phát triển nhà ở xã hội bền vững đúng mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia, các nhà quản lí cần tính đến chương trình Nhà nước xây nhà cho thuê. Điều đó sẽ giúp chuyển đổi tâm lí sở hữu nhà ở muôn thuở của người dân. Chương trình mục tiêu thứ hai là nhà bán trả góp dài hạn (nhà thuê mua) với thời gian tối thiểu từ 20 năm trở lên và Nhà nước không làm nhà ở xã hội bán ngay, đồng thời có chính sách khuyến khích cho DN làm nhà ở thương mại giá bình dân để tạo sự công bằng, giúp DN tham gia công cuộc phát triển nhà ở giá bình dân, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có nhà ở. |
Sửa Nghị quyết 02 để khơi thông gói 30.000 tỷ đồngTại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị Chính phủ sớm ra Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở. Giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra là kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn vay gói 30.000 tỷ đồng tối đa từ 10 năm lên 15 năm. Vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước rất ủng hộ. Một nội dung được kiến nghị sửa đổi là mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cho rằng, cần bổ sung thêm đối tượng được vay là hộ gia đình, cá nhân, tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188. Bộ trưởng cũng đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đô thị có khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, đã có đất ở phù hợp với quy hoạch thì cũng được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ để xây dựng nhà ở. Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính cũng nhất trí với chủ trương của Bộ Xây dựng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu đề xuất mở rộng diện hỗ trợ nhà ở đến các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở tại đô thị được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở thương mại là chung cư có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã quy định. Về phía địa phương, ông Dũng đề nghị tiếp tục rà soát các dự án bất động sản đang triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như quy định tại Nghị định 11 của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị. Cụ thể, quan điểm đưa ra lần này nhấn mạnh yêu cầu quản lý đô thị không chỉ theo quy hoạch mà phải có kế hoạch để tránh tình trạng quy hoạch treo. "Việc rà soát để định ra khu vực phát triển và đề ra kế hoạch phát triển để từ đó yêu cầu những dự án nào cần dừng hoặc tiếp tục triển khai để phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường, đảm bảo cho phát triển bền vững của thị trường" - Bộ trưởng khăng định. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương ủng hộ, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện để các DN đầu tư nhà ở xã hội được tiếp cận với các thủ tục đất đai, để có thể triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện cho các DN sử dụng lao động được có đất để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân. |
Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM(HoREA