VN-Index cuối tuần qua đã có lúc rơi xuống dưới 600 điểm, là một phản ứng tiêu cực đối với chuỗi phiên lình xình không thể bứt phá được lên mức cao hơn.
Nếu nhìn xuyên suốt quá trình điều chỉnh của chỉ số từ đỉnh cao 640 điểm xuống dưới 580 điểm, mức phục hồi 14 phiên gần đây vẫn chưa thoát ra được khu vực phục hồi kỹ thuật trong chiều giảm.
Vùng điểm số 604-607 điểm chính là ngưỡng kháng cự kỹ thuật 38,2% của quãng đường giảm nói trên mà trên lý thuyết, vẫn chỉ là trạng thái dao động trong chiều giảm thông thường một khi chỉ số chưa thoát ra được.
“Sóng ngầm” thanh khoản
Tuần qua, những cố gắng tăng giá không thực sự đem lại kết quả. Ngay cả khi chưa xuất hiện phiên biến động mạnh ngày 14/11, thị trường cũng không cho thấy được những kết quả tăng thuyết phục. Suốt 4 phiên đầu tuần, VN-Index không tài nào vượt được vùng kháng cự nói trên.
Tuy vậy đã có những đợt “sóng ngầm” của thị trường với khả năng bứt phá khác nhau của các cổ phiếu khỏe. Đặc biệt thanh khoản đang thể hiện được sự hấp dẫn nhất định đối với dòng tiền.
Yếu tố nổi trội trong thanh khoản chính là biểu hiện của lượng tiền thực tế nằm trong thị trường đang rất lớn và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận đang bức bối.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh của hai sàn tuần qua đạt trên 1.041,9 triệu cổ phiếu, tăng khoảng 30% so với tuần trước và đạt đỉnh trong vòng 5 tuần liên tục. Kể từ khi VN-Index chạm đáy dưới 580 điểm lần đầu tiên ngày 17/10, đây là tuần mà thanh khoản thị trường tăng tốt nhất và đạt quy mô tuyệt đối cao nhất.
Về lượng tiền, tuần qua cũng chứng kiến mức độ giao dịch cao, khoảng 18.077 tỷ đồng trong 5 phiên, cũng là mức cao nhất trong 5 tuần. Trong lượng vốn này, có khoảng 1.525 tỷ đồng là các giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên ngay cả khi trừ đi lượng vốn từ giao dịch thỏa thuận, các giao dịch khớp lệnh cũng rất thuyết phục, đạt mức tăng 23% (16.552 tỷ đồng).
Thanh khoản cao với khả năng bứt phá không rõ ràng về giá có thể xem là dấu hiệu tiêu cực. Tuy nhiên nếu nhìn dài hơn trong cả quá trình chạm đáy ngắn hạn và phục hồi, đến tận lúc này lượng vốn vào thị trường mới có biểu hiện tăng rõ ràng như vậy.
Nếu nhà đầu tư không có kỳ vọng cao thì chiến thuật phòng thủ phổ biến sẽ khiến lượng tiền vào thị trường thấp.Có thể nhìn vào tuần giao dịch từ 20-24/10, những nỗ lực tăng đầu tiên kể từ khi VN-Index chạm đáy 580 điểm, thanh khoản thị trường tính theo giá trị khớp lệnh thấp hơn hiện tại khoảng 25%, tương đương trên 4.100 tỷ đồng. Bất kỳ đợt phục hồi đầu tiên nào khi thị trường mới chạm đáy đều chưa nhận được sự tin tưởng cao của nhà đầu tư.
Sự tham lam hiện diện?
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến những cổ phiếu siêu thanh khoản, thậm chí quan điểm cực đoan còn cho rằng những mã này hút sạch tiền trên thị trường! Có thể kể đến những cái tên rất đình đám: KLF, FLC, SSI, KBC, FIT.
Hai cổ phiếu KLF, FLC đã ghi nhận một tuần giao dịch với cường độ cao chưa từng thấy. KLF hút một lượng tiền đâu đó 1.603 tỷ đồng và FLC là 1.287 tỷ đồng chỉ trong vòng 5 phiên. Đây cũng là hai cổ phiếu gặp “rắc rối” với nguồn margin đột ngột bị cắt giảm đúng vào thời điểm cao trào nhất.
Rất có thể thanh khoản của FLC, KLF đang có sự hỗ trợ rất lớn của đòn bẩy. Quả thực nhà đầu tư quan sát không tài nào hiểu nổi nguồn vốn ở đâu có thể tạo nên mức thanh khoản khổng lồ như vậy. Đây có thể là một khía cạnh tiêu cực của thanh khoản quá đột biến.
Khía cạnh ngược, những cổ phiếu như FLC, KLF cho thấy nguồn vốn trên thị trường đang rất dồi dào. Nói không đâu xa, ngay khi có công ty chứng khoán hạ tỷ lệ hỗ trợ vốn, lập tức có công ty khác thông báo tăng tỷ lệ lên.
Mặt khác, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận đòn bẩy ở những cổ phiếu có mức tăng giá đã rất mạnh như KLF hay FIT cũng cho thấy lòng tham đang diện diện. Nói một cách bớt tiêu cực hơn thì là sức ép tìm kiếm lợi nhuận cao hơn cho đồng vốn đang hiện diện.
Thị trường gần đây liên tục xuất hiện những con số về lượng margin đang được cung cấp ra thị trường. Các con số margin đó rất khó để đánh giá là xấu hay tốt mà cần phải nhìn vào mối tương quan với các yếu tố khác, chẳng hạn tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán. Đó là chưa kể xu thế chung của nguồn vốn rẻ đang chịu sức ép tung vào nền kinh tế.
Bản thân việc chấp nhận rủi ro cao của nhà đầu tư thông qua việc sử dụng đòn bẩy tài chính và lựa chọn hướng dòng vốn vào các cổ phiếu tăng trưởng cao về giá cũng đã thể hiện mức độ kỳ vọng lớn.
Lòng tham nảy sinh và chấp nhận giải ngân cũng đã là sự thay đổi lớn trong mức độ tự tin. Lòng tham xuất hiện mà không dám xuống tiền mua thì rốt cục vẫn chỉ để lại một bức tranh thanh khoản thấp trên thị trường.
NGƯỜI QUAN SÁT