Từ trái qua: TS. Lê Đăng Doanh, TS. Võ Trí Thành, ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh: BizLIVE.
Sự va đập với hội nhập không quá xa lạ với doanh nghiệp Việt
(TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương)
Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cải cách và hội nhập. Theo nghĩa đó, sự “va đập” với hội nhập cũng không quá xa lạ với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu theo nghĩa mức độ sẵn sàng là sự hiểu biết đầy đủ, mức độ các cam kết như TPP và VN-EU FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN,… và cao hơn nữa là đưa sự hiểu biết đó vào xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thì đúng là còn ở mức yếu.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết tương đối tốt về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Để tăng cường sự sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam, cần 3 điều.
Một là tăng cường giao diện, cung cấp thông tin giữa chính phủ, các đoàn đàm phán FTA với cộng đồng doanh nghiệp.
Hai là nỗ lực học hỏi, tìm kiếm thông tin của bản thân doanh nghiệp.
Ba là học hỏi, nhận diện các nghiên cứu tình huống, các trường hợp điển hình (thành công, thất bại trong hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam, nước ngoài).
Hiểu biết về hội nhập của doanh nghiệp còn hạn chế
(Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam)
Năm 2015 tới là một năm quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội Việt Nam hoàn tất các đàm phán thương mại quan trọng như TPP và VN-EU FTA rất lớn.
Nhiều thị trường quan trọng mở ra, cơ hội tăng lên nhưng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những cơ hội này hay không vẫn là câu hỏi rất lớn. Ngoài việc các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực cạnh tranh của chính mình thì việc tìm hiểu và khai thác cơ hội đem lại từ các hiệp định thương mại lớn rất quan trọng.
Theo nhiều khảo sát và nghiên cứu của chúng tôi thì mức độ quan tâm và hiểu biết về các hiệp định thương mại mới này của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa ở mức độ rất hạn chế.
Đây là điều đáng lo ngại nhất và chúng tôi cho rằng cần tăng cường các hoạt động thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ
(Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh)
Theo điều tra của VCCI khoảng 67% doanh nghiệp Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ về các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết cũng như về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, chưa vươn ra thị trường thế giới, chưa gia nhập các chuỗi giá trị cho nên hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do và Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra là rất thấp.
Trong thời gian sắp tới đây các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hội nhập để biết được những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong hội nhập. Bên cạnh cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài, tăng xuất khẩu do thuế nhập khẩu giảm xuống bằng 0% rất có lợi cho các sản phẩm như dệt may, da giày, hàng điện tử, đồ gỗ, gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản…
Mặt khác, các doanh nghiệp cần nắm vững những yêu cầu cao hơn về mẫu mã, bao bì, đóng gói, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội… Những yêu cầu đó là rất cao và rất khắc nghiệt, nếu không đáp ứng được thì không thể mở rộng xuất khẩu được.
Một số doanh nghiệp nước ta đã có những nỗ lực trong việc đáp ứng những yêu cầu trên và đã có kết quả tích cực trong việc mở rộng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu, đã cải tiến mẫu mã và đã thực sự tăng được xuất khẩu như thép, xi măng, thủy sản…
Một cơ hội lớn đối với hàng nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam là cơ hội hợp tác sâu rộng với Nhật Bản, sản xuất các sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như sản xuất rau, củ quả, hoa, gạo, cá ngừ, tôm và các loại thủy sản khác.
Hiện nay, Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Lâm Đồng để sản xuất rau củ, quả, hoa, hợp tác với Phú Yên để đánh bắt cá ngừ đại dương và đã đem lại những kết quả tích cực.
Những điển hình này cần tích cực mở rộng ở các tỉnh khác. Nếu hợp tác thành công, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có thể có những bước tiến nhảy vọt trong xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
VŨ MINH