Tối nay (23/6), trong khi người Anh chính thức bước vào cuộc bỏ phiếu quyết định ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), các nhà giao dịch cũng như giới phân tích tiền tệ ở cách xứ sở sương mù hàng nghìn dặm sẽ phải thay đổi lịch trình ngủ nghỉ.
Theo dự kiến, các điểm bỏ phiếu ở Anh sẽ đóng cửa vào lúc 10h tối 23/6 theo giờ London, tức 5h sáng ngày 24/6 theo giờ Singapore và 6h sáng theo giờ Việt Nam.
Ở Singapore – trung tâm giao dịch tiền tệ lớn nhất của khu vực châu Á, các nhà giao dịch và giới phân tích đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chờ đón kết quả và chuẩn bị cho cả những tình huống xấu nhất. Với kết quả thăm dò ý kiến cho thấy cuộc chiến giữa 2 phe ở lại và ra đi quá sát sao như hiện nay, người Anh chọn ra đi là điều không phải là không thể xảy ra.
UBS Group – tập đoàn tài chính có vị thế là nhà giao dịch tiền tệ lớn thứ 3 thế giới – yêu cầu toàn bộ nhân viên bộ phận trading ở Singapore phải có mặt tại bàn làm việc từ 5h sáng – sớm hơn 1 tiếng so với thường lệ. Tại Oanda Corp., một công ty môi giới tiền tệ, nhân viên còn phải đến từ 3h sáng.
Trong 2 năm qua, các trader châu Á đã quá quen với việc phải làm việc thâu đêm vì lệch múi giờ. Những sự kiện như Scotland bỏ phiếu đòi độc lập, NHTW Thụy Sĩ công bố chính sách quản lý vàng hay gói cứu trợ dành cho Hy Lạp đều được công bố vào thời điểm ngoài giờ giao dịch trên thị trường châu Á.
Anthony Hall – người dẫn đầu nhóm theo dõi tiền tệ, lãi suất và tín dụng tại UBS chi nhánh Singapore – chia sẻ rằng Brexit là sự kiện mà UBS chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay. “Kinh nghiệm cho thấy thị trường sẽ biến động rất mạnh vào những thời khắc này”.
Nhiều vị lãnh đạo Chính phủ, các NHTW và nhà đầu tư (trong đó có tỉ phú George Soros) đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu của người Anh sẽ làm chao đảo thị trường tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa toàn cầu chứ không chỉ giới hạn ở thị trường châu Âu. Kể từ đầu năm đến nay chỉ số đo lường mức độ biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế do JPMorgan Chase tính toán đạt trung bình 11%, cao nhất kể từ khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011.
Stephen Innes – một trader tại Oanda (Singapore) – dự định sẽ tới văn phòng từ 3h sáng. Đồng nghiệp của Oanda ở New York thì sẽ thức đến tận đêm muộn. Innes cho biết Oanda có đội ngũ nhân viên rải trên toàn cầu để có thể theo dõi kỹ các sự kiện đầy rủi ro như Brexit. “Chúng tôi phải chuẩn bị tốt trước khi sự kiện diễn ra. Ngoài việc vạch ra chiến lược đối phó còn phải đảm bảo chắc chắn hệ thống giao dịch sẽ hoạt động tốt để không xảy ra lỗi kỹ thuật đáng tiếng”.
Vài tiếng trước cuộc bỏ phiếu lịch sử, đồng bảng Anh chạm mốc cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính đến 10h13 sáng nay trên thị trường Singapore đồng bảng tăng 0,7%, lên 1,4811 USD đổi 1 bảng sau khi chạm mức 1,4844 – cao nhất kể từ ngày 31/12/2015. Dẫu vậy bảng vẫn là đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong top 10 đồng tiền mạnh nhất thế giới.
Trong khi Innes dự đoán thị trường sẽ biến động rất mạnh, các NHTW mới đây đã tuyên bố sẵn sàng bơm thanh khoản vào hệ thống để “giảm xóc” cho thị trường. Chủ tịch NHTW Thụy Sĩ Thomas Jordan tuần trước nói rằng SNB sẵn sàng can thiệp để ngăn đồng franc tăng giá quá mạnh.
“Chúng tôi đã siết chặt hơn mức giới hạn giao dịch”, lãnh đạo INTL FCStone Inc., công ty chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq, cho biết.
Fabrizio Fiorini – CIO của quỹ đầu tư Aletti Getielle SGR – cho rằng thị trường dường như đang quá chủ quan với sự kiện Brexit. “Rủi ro của sự kiện này là chúng ta không phòng vệ. “Nếu xảy ra, tác động có thể lớn bằng hậu quả của sự kiện ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ”.
Đối với Fiorini, người Anh chọn lựa ra đi sẽ khiến giá USD tăng vọt, giá hàng hóa lao dốc và thị trường mới nổi bị xáo trộn. Sau đó các rắc rối sẽ lan ra toàn cầu.
Ở UBS, phòng công nghệ hệ thống cũng phải tăng cường độ làm việc vì khối lượng giao dịch được dự đoán sẽ tăng đột biến. Họ còn phải chuẩn bị cho cả thứ Hai tuần sau vì những diễn biến bất lợi của cuối tuần này có thể kéo dài sang cả tuần sau và thậm chí còn lâu hơn nữa.
Theo Thu Hương/Trí thức trẻ/Bloomberg