Trong 2 tháng gần đây, biểu đồ giá dầu thế giới liên tục đi xuống. Giá dầu những ngày qua có lúc về dưới 40 USD/thùng - mức thấp nhất hơn 10 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu khó có thể tăng mạnh trở lại, thậm chí với kịch bản xấu nhất, giá dầu có thể xuống 30 USD/thùng, khiến ngân sách năm nay hụt thu nặng và tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Là một quốc gia xuất khẩu dầu thô, đồng thời cũng nhập khẩu dầu tinh, việc giá nguyên liệu biến động ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam tăng, song do đơn giá dầu thô giảm gần 48% so với cùng kỳ nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng khiến thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này cũng bị hụt hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh tác động tiêu cực, sự sụt giảm của giá dầu thô cũng mang đến những lợi ích trước mắt cho người dân và doanh nghiệp, khi giá xăng dầu bán lẻ liên tục hạ trong những tuần qua. Việc giá xăng trong nước giảm 5 lần liên tiếp từ giữa tháng 6 và giảm 7 lần kể từ đầu năm với tổng giảm là 5.588 đồng/lít đã giúp chi phí đầu vào của các ngành sản xuất - kinh doanh giảm, doanh nghiệp được kích thích hoạt động tốt hơn, kéo theo tăng trưởng kinh tế và tăng thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho biết, khi dự toán thu ngân sách, riêng dự toán thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng và giá dầu là 100 USD/thùng. Như vậy mỗi khi giá dầu thô giảm 1 USD/thùng sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị hụt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đó chỉ là con số tương đối. Nguồn thu từ dầu thô không chỉ là việc bán dầu thu lợi nhuận, nó còn liên quan đến nhiều thứ khác như thuế xuất nhập khẩu, khi giá dầu giảm nguồn thu thuế từ dầu cũng bị giảm theo.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc giá dầu thế giới giảm sâu có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến Việt Nam khi nền kinh tế có một phần dựa vào dầu mỏ. Tác động tích cực có thể coi là lớn nhất cả về ngắn hạn, trung và dài hạn vì sẽ làm cho chi phí đầu vào giảm, qua đó làm tăng khả năng sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp. Đây là tác động được nhiều nhà kinh tế đánh giá rất lớn.
Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với kịch bản xấu nhất, giá dầu thế giới xuống 30 USD/thùng sẽ khiến GDP toàn cầu quý IV năm nay giảm 2,43%.
Do tăng trưởng của các nền kinh tế là đối tác quan trọng với Việt Nam giảm, nên cầu nhập khẩu hàng hóa cũng giảm, tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước, khiến GDP Việt Nam quý IV năm nay giảm 1,1% và cả năm 2016 giảm 0,29%. Song, cũng giống như ở các kịch bản khác, giá dầu giảm tiếp tục được nhìn nhận ở cả 2 mặt là tích cực và tiêu cực.
TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng: Chính phủ cần có những biện pháp nhằm khai thác triệt để các lợi ích từ giá dầu giảm mang lại.
“Giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách của Trung ương, do đó chúng ta phải có 1 giải pháp toàn diện để có thể cải cách cơ cấu kinh tế và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Hiện nay giá xăng dầu trong nước chưa giảm phù hợp với giá xăng dầu quốc tế. Theo tôi, Chính phủ cần có những biện pháp can thiệp để làm sao cho giá xăng dầu giảm xuống, kích thích những ngành nghề sử dụng xăng dầu nhiều để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, TS. Lương Văn Khôi cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Ngân sách Nhà nước cần chú trọng hơn vào nguồn thu từ hoạt động sản xuất trong nước và thương mại để đạt sự ổn định hơn. Bên cạnh đó, để đối phó với giá dầu thô giảm, ngành dầu khí nên xem xét giải pháp dừng khai thác những giếng dầu có chi phí cao hơn giá dầu thế giới. Đồng thời, cần cân đối giảm giá xăng dầu trong nước tương ứng với giá thế giới để kích thích sản xuất, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn tốc độ hồi phục kinh tế.