Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (theo Quyết định 365/2004/QĐ-NHNN) và lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên là 7,2%/năm (0,6%/tháng).
Trước đó, mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và học sinh, sinh viên là 7,8%/năm (0,65%/tháng).
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2012 đạt gần 114 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm 2005. Tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách giai đoạn 2005 - 2012 đạt hơn 199 nghìn tỷ đồng. Vốn tập trung cho vùng có tỷ lệ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách tín dụng trực tiếp hộ nghèo thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với 15 chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, như: Cho vay theo Nghị quyết 30a, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long lãi suất 0%; cho vay làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ (3%/năm); cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay học sinh, sinh viên…
Trong đó, chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo là chương trình được triển khai rộng rãi, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Nhờ chính sách này thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2005 - 2012, đã có gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này sẽ góp phần tiếp tục giúp người nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay dễ hơn, giúp công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả cao...