Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu (GCI).
Mỗi điểm phần trăm Chỉ số Kết nối toàn cầu (GCI) tăng thêm GDP bình quân đầu người cũng sẽ tăng theo khoảng 1,4 - 1,9%, trong đó các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có mức tăng cao hơn quốc gia phát triển.
Con số ấn tượng này vừa được công bố trong Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu (GCI) do Tập đoàn Huawei thực hiện trên phạm vi khảo sát toàn cầu.
Cụ thể, báo cáo là kết quả nghiên cứu từ 25 quốc gia phát triển, các quốc gia mới nổi và 10 ngành công nghiệp bao gồm: Tài chính, sản xuất, giáo dục, giao thông vận tải và hậu cần.
Các quốc gia thuộc nhóm được nghiên cứu hiện đang chiếm tới 78% GDP và 68% dân số toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp từ cả các quốc gia phát triển và mới nổi đều được đưa vào nghiên cứu này.
Đây cũng là bản đánh giá định lượng đầu tiên về kết nối toàn cầu và có giá trị từ cả hai quan điểm quốc gia và công nghiệp.
Báo cáo GCI cho thấy kết nối GCI quốc gia có liên quan chặt chẽ tới GDP.
Phân tích của Huawei chỉ rõ, qua phân tích 16 chỉ số của GCI, cứ mỗi điểm phần trăm GCI tăng thêm thì GDP bình quân theo đầu người cũng sẽ tăng theo khoảng 1,4 - 1,9%. Chỉ số này ở các nước đang phát triển sẽ có mức tăng cao hơn.
Trong số các quốc gia được khảo sát, Đức đứng đầu nhờ cam kết mạnh mẽ và đầu tư liên tục cho sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tạo ra một thị trường thực sự có sức cạnh tranh.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các nước đang phát triển cũng đã bắt đầu thúc đẩy tăng trưởng bằng cách đầu tư chiến lược cho ứng dụng và phát triển ICT.
Huawei dự báo đến năm 2025, sẽ có đến 100 tỷ kết nối được tạo ra trên toàn cầu, 90% trong số đó sẽ đến từ các bộ cảm biến thông minh.
Sự gia tăng này được cho là nhờ các doanh nghiệp ngày càng tham gia Internet nhiều hơn . Bằng cách tận dụng kết nối để hợp lý hóa quy trình kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy sự đổi mới và chuyển sự tập trung từ internet định hướng người dùng đến internet định hướng công nghiệp.
Ông William Xu, Giám đốc Marketing Chiến lược của Huawei kỳ vọng, GCI không chỉ cho thấy đầu tư và phát triển ICT tại nhiều quốc gia và các ngành công nghiệp khác nhau, mà quan trọng hơn, nó còn đóng vai trò như là một tham chiếu cho các nhà hoạch định chính sách công nghiệp và những người ra quyết định tại các doanh nghiệp.
Báo cáo này cũng đánh giá các doanh nghiệp đầu tư và đạt được giá trị từ ICT khác nhau như thế nào để xác định rõ hơn tại sao một số ngành công nghiệp đang trải qua một sự chuyển dịch kỹ thuật số còn một số ngành thì không.
Trong quá trình này, báo cáo đã phân bổ từng ngành thành một trong bốn góc phần tư, là: Nhà chuyển dịch, chiến lược gia, chiến thuật gia và binh sĩ chậm bước.
Báo cáo xác định rằng nhà chuyển dịch (Transformers) coi ICT là động lực cốt lõi cho chuyển đổi kinh doanh và liên tục đầu tư, chủ động định hình lại mô hình kinh doanh ICT của họ.
Các ngành công nghiệp như tài chính, giáo dục, dầu khí và sản xuất đã cho thấy sức chuyển đổi ICT mạnh mẽ. Với 71% các doanh nghiệp tài chính cho thấy đầu tư ICT của họ sẽ tăng hơn 5% trong hai năm tới và đó là ngành xếp hạng phát triển cao nhất.
Báo cáo GCI cho biết 65% các doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư ICT của họ trong hai năm tới.
Băng thông rộng di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet of Things (IoT) là bốn động cơ công nghệ mà hầu hết các doanh nghiệp đều nhằm tập trung vào khi thực hiện chuyển đổi ICT.
Huawei dự báo rằng đến năm 2020, chi tiêu cho ICT toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 5.000 tỷ USD. Ngày nay, các công nghệ ICT dựa trên kết nối vẫn có vai trò đáng kể như một hệ thống hỗ trợ, nhưng vai trò truyền thống này sẽ tạo ra một phương thức để ICT ngày càng được tích hợp mạnh mẽ vào các hệ thống sản xuất, định hướng tạo ra giá trị.
Kết nối đã trở thành một nhân tố mới cho sản xuất, bên cạnh các yếu tố đất đai, lao động, vốn và công nghệ.
Ngoài mục tiêu cung cấp thông tin cho các quốc gia, Báo cáo GCI còn nhằm cung cấp dữ liệu cho 10 ngành công nghiệp nói trên, đồng thời cũng hỗ trợ việc phân tích các kết quả và xác định các xu hướng.
Theo BizLive