Hoạt động M&A của các công ty thương nghiệp Nhật với đối tác Việt Nam đang ngày càng nhộn nhịp
Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn nhập linh kiện về lắp ráp. Việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là vấn đề lớn”, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đã chia sẻ như vậy với giới truyền thông gần đây. Nhận định này cũng ám chỉ xu hướng chuyển sang hoạt động thương mại, thay vì sản xuất chế tạo, của hãng xe Nhật.
Sau gần 20 năm hiện diện tại Việt Nam, Toyota đang đứng trước lựa chọn tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu phân phối, bởi đến năm 2018, hàng rào thuế quan trong khu vực sẽ chính thức biến mất.
Việc hàng rào này được gỡ bỏ hiện đặt Việt Nam vào một kịch bản mà ở đó, các doanh nghiệp Nhật sẽ giảm sản xuất và tăng cường nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh vì hiệu quả lớn hơn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật giai đoạn 2015-2019. Theo đó, hơn 3.200 dòng thuế tập trung vào các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử, linh kiện... từ Nhật nhập về Việt Nam có thuế suất 0% từ đầu tháng 4.2015. Và để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, nhiều hàng hóa nhập từ các nước trong khu vực sẽ rẻ hơn sản xuất trong nước. Đây được xem là đòn bẩy để FDI Nhật đổ vào thương mại tại thị trường Việt Nam.
Trong danh sách doanh nghiệp Nhật hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tại Việt Nam, có thể kể đến Aeon, FamilyMart hoạt động ở lĩnh vực bán lẻ; Logistics MLC ITL kinh doanh dịch vụ vận tải; Ishikawwa Seiko, Metalone hay Forval hoạt động trong mảng xuất nhập khẩu và tư vấn.
Theo ông Osato Kazuhiko, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO), hiện TP.HCM có khoảng 300 cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm do doanh nghiệp Nhật đầu tư. Ngoài ra, phân nửa trong số hơn 200 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại TP.HCM tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ; còn lại đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ đẩy mạnh vào thương nghiệp, các doanh nghiệp Nhật còn tăng cường thành lập mới và đăng ký bổ sung thêm ngành nghề nhằm hỗ trợ cho hoạt động này, đặc biệt là ở mảng kho vận. Tập đoàn Japan Logistic Systems, chẳng hạn, đã đầu tư xây dựng các kho chứa Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; hay Tập đoàn Nissin đã hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để điều hành một tàu chở hàng chuyên dùng cho doanh nghiệp Nhật, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của họ.
Ở lĩnh vực internet và tài chính, vốn liên quan mật thiết đến hoạt động thương mại, người Nhật cũng đã có mặt. Ba công ty Nhật là SBI Holdings, Econtext ASIA và Beenos nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty Sen Đỏ hoạt động thương mại điện tử. Mới đây, Credit Saison của Nhật vừa được Ngân hàng Nhà nước cho phép mua lại 49% cổ phần trong Công ty Tài chính HDFinance (do HDBank sở hữu).
Theo JETRO, số vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam năm 2014 đã giảm 65%, xuống còn 2,05 tỉ USD. Tuy nhiên, các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ lại tăng về số lượng dù quy mô nhỏ. 85% dự án đầu tư của Nhật trong năm qua có quy mô dưới 5 triệu USD. Dự án quy mô dưới 1 triệu USD chiếm 61%. Lý do là vì hoạt động thương mại dịch vụ không đòi hỏi nguồn vốn quá lớn.
Trong bối cảnh đồng yen giảm giá so với đồng USD, hoạt động thương nghiệp từ Nhật ra nước ngoài hiện có lợi thế. Ngoài lợi thế cạnh tranh nhờ chất lượng tốt của hàng hóa Nhật, các nhà thương nghiệp nước này còn có khoản lợi về tỉ giá khi thu về ngoại tệ và đổi ra đồng yen để mua hàng nội địa. Chính sách thương nghiệp của Nhật còn giúp ngành sản xuất nước này phát triển mạnh mẽ. “Đây là những nguyên nhân sẽ thúc đẩy hoạt động thương nghiệp của Nhật phát triển trong thời gian tới”, ông Kazuhiko, JETRO, nhận định.
Một số doanh nghiệp lớn của Nhật tại Việt Nam cũng nhìn thấy nhiều cơ hội khác. Ông Tadahito Yamamoto, Chủ tịch kiêm Trưởng Đại diện Fuji Xerox, cho biết Công ty đang lên kế hoạch biến Việt Nam trở thành trung tâm phân phối cho thị trường toàn cầu.
“Năm 2018, thuế suất sẽ về 0% nên Công ty đang tăng cường đầu tư, đẩy mạnh tiếp thị, mở thêm các chi nhánh ở Myanmar, Campuchia và Lào để đón đầu cơ hội”, ông Yamamoto khẳng định.
Còn theo ông Masataka Yoshida, Giám đốc Ðiều hành hãng tư vấn Recof, hiện có rất nhiều công ty Nhật quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. “Hiện một nửa danh mục yêu cầu cung cấp thông tin của Recof là các thương vụ của doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing và ngành hàng bán lẻ”, ông Yoshida tiết lộ. Ông cũng cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập của các công ty thương nghiệp Nhật với đối tác Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới.